Hạt vi nhựa bủa vây môi trường sống

Hạt vi nhựa bủa vây môi trường sống

NGUYỆT CÁT (Theo DW)

Ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy các hạt vi nhựa (microplastic – những hạt nhựa nhỏ có đường kính dưới 5mm) hiện diện ở khắp mọi nơi trong môi trường tự nhiên. Không chỉ gia tăng ô nhiễm môi trường và giết chết nhiều loài động vật, vi nhựa còn xâm nhập chuỗi thực phẩm và đe dọa sức khỏe con người.

Các nhà khoa học từng phát hiện xác một con chim với nhiều mảnh nhựa bên trong.

Theo các chuyên gia, microplastic đã len lỏi đến mọi ngóc ngách trên hành tinh – từ những nơi sâu nhất của đại dương cho đến tận đỉnh Everest. Trong nghiên cứu mới nhất đăng trên tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, các nhà khoa học đã chỉ ra thực tế đáng lo ngại là con người đang nuốt nhiều hạt nhựa hơn chúng ta tưởng. Cụ thể, các chuyên gia phát hiện rằng trung bình có khoảng hơn 250.000 hạt nhựa trong một lít nước đóng chai, với 90% là hạt nhựa siêu nhỏ (nanoplastic). Ðây là những hạt nhựa có kích thước nhỏ hơn 80 lần so với đường kính sợi tóc và được cho là độc hại hơn microplastic vì chúng có thể xâm nhập cơ thể người dễ dàng hơn.

Mỗi năm, có khoảng 430 triệu tấn sản phẩm nhựa được sản xuất trên toàn cầu và con số này có thể tăng gấp ba vào năm 2060. Ðáng lo ngại là chỉ khoảng 9% lượng nhựa trong số đó được tái chế, lượng nhựa khổng lồ còn lại được đưa đi chôn lấp, đốt hoặc thải ra môi trường. Rác thải nhựa có thể mất hàng thế kỷ để phân hủy, nhưng chúng cũng không biến mất hoàn toàn, mà chủ yếu phân rã thành vi nhựa gây hại cho môi trường. Nghiên cứu cho thấy microplastic thường bắt đầu hành trình từ đất liền, bị gió và nước cuối trôi xuống sông và cuối cùng là ra biển. Chúng có thể đến từ hóa mỹ phẩm, bụi thành thị, vạch kẻ đường và các viên nhựa kỹ thuật. Nhưng phần lớn vi nhựa hiện diện ở các đại dương chủ yếu đến từ hoạt động giặt tẩy hàng dệt may (chiếm 35%) và sự mài mòn của vỏ xe khi di chuyển (28%) – theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế.

Và một khi tồn tại trong môi trường, vi nhựa có thể tích tụ trong động vật (như cá và động vật có vỏ), từ đó có thể xâm nhập cơ thể con người khi chúng ta sử dụng chúng làm thực phẩm. “Chúng tôi tìm thấy vi nhựa ở hầu hết các loài động vật mà chúng tôi đã nghiên cứu” – Giáo sư Tamara Galloway, một chuyên gia về độc chất sinh thái tại Ðại học Exeter (Anh), nói thêm.

Dấu vết của những chất gây ô nhiễm môi trường và không thể nhìn thấy bằng mắt thường này được phát hiện đã xâm nhập vào ruột của chim biển, máu người và cả trong sản phẩm nông nghiệp. Năm 2020, các nhà nghiên cứu ở Ý phát hiện táo chứa hàm lượng hạt vi nhựa cao nhất trong số các loại trái cây, trong khi cà rốt là loại rau bị ô nhiễm nhiều nhất. Theo các chuyên gia, vi nhựa có thể tồn tại trong đất trồng trọt hàng thập kỷ và xâm nhập vào nông sản.

Với khả năng hiện diện trong không khí, thực phẩm và nước uống, vi nhựa được cho cũng có thể xâm nhập vào cơ thể người dễ dàng. Theo Giáo sư Galloway, các chất phụ gia nhựa – như bisphenol A và phthalate – từ lâu đã được tìm thấy trong cơ thể người, nhưng “điều đáng ngạc nhiên là hiện nay chúng tôi cũng phát hiện cả những mảnh nhựa nhỏ xíu bên trong cơ thể người”. Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy vi nhựa trong máu người và sữa mẹ, cũng như tìm thấy bằng chứng chúng có thể vượt qua hàng rào máu não ở chuột. Bà cho biết những hạt nhựa nhỏ xíu xâm nhập vào mô người có thể sẽ “gây kích ứng và phản ứng viêm”.

Nỗ lực phòng chống hạt vi nhựa

Theo Giáo sư Galloway, mọi người có thể hạn chế phơi nhiễm vi nhựa bằng cách hạn chế ăn thực phẩm đã qua chế biến và đóng gói sẵn, cũng như không hâm nóng thức ăn đựng trong hộp nhựa trong lò vi sóng nhiều lần. Sử dụng các sản phẩm chăm sóc cá nhân không chứa nhựa hoặc thay quần áo vải sợi tổng hợp bằng chất liệu tự nhiên, nhằm góp phần đáng kể vào việc giảm thải vi nhựa ra các đại dương. Việc sử dụng xe cộ ít hơn cũng có thể làm giảm lượng vi nhựa do mài mòn vỏ.

Trong nỗ lực giảm tác hại của hạt vi nhựa đối với môi trường, công ty khởi nghiệp Tire Collective ở Anh đã phát triển một thiết bị có thể hút các hạt vi nhựa và chất ô nhiễm khác trên đường. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu từ Ðại học RMIT (Úc) đã phát triển một loại bột từ tính có thể loại bỏ vi nhựa trong nước.

Với quy mô của cuộc khủng hoảng nhựa toàn cầu như hiện nay, các chuyên gia cho rằng thế giới cần nhiều hơn nữa những cải tiến về mặt khoa học để giải quyết vấn đề ô nhiễm trên diện rộng. Ở cấp độ quốc tế, Liên Hiệp Quốc đang nỗ lực để đạt được một hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa trong năm 2024, với các biện pháp như hạn chế dùng hóa chất độc hại và nhựa khó tái chế.