Nền tảng vững chắc để phát triển nhân lực ngành bán dẫn “cất cánh”
Ngành công nghiệp bán dẫn có vai trò rất quan trọng, là nền tảng của 3 sự chuyển đổi mang tính cách mạng: chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi thông minh.
Hiện nay, ngành công nghiệp bán dẫn trên thế giới phân bố và phát triển không đều, tập trung tại một số nền kinh tế, như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc).
Trong bối cảnh hiện nay, do nhiều lý do khác nhau, ngành công nghiệp bán dẫn đang có xu hướng đa dạng hóa, chuyển dịch chuỗi liên kết, cung ứng, sản xuất, nghiên cứu sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Đây là cơ hội và cũng là thách thức với Việt Nam, khi đòi hỏi phải có hạ tầng, thể chế và nhân lực phù hợp để đáp ứng yêu cầu phát triển, thu hút đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn.
Theo đó, nếu chúng ta chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, thì Việt Nam sẽ nhận được sự tin tưởng của các đối tác, xúc tiến thu hút đầu tư, phát triển chuỗi sản xuất và cung ứng bán dẫn.
Cần đa dạng hóa các nguồn lực cho đào tạo phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn |
Việt Nam hiện nay có nhiều thuận lợi để phát triển nhân lực ngành bán dẫn. Theo đó, về chủ trương, chính sách, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đã xác định mục tiêu phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 (theo Quyết định 569/QĐ-TTg, ngày 11/5/2022), xác định công nghiệp bán dẫn là ngành công nghệ cao, được ưu tiên.
Đặc biệt, Kết luận số 64-KL/TW, ngày 18/10/2023 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về kinh tế-xã hội năm 2023-2024 đã yêu cầu: “Tập trung đào tạo 50.000-100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chíp bán dẫn đến năm 2025 và năm 2030”.
Gần đây, tại Nghị quyết số 124/NQ-CP, ngày 7/8/2023, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030; giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Chiến lược phát triển ngành bán dẫn Việt Nam đến năm 2030.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 240 trường đại học, trong đó gần 160 trường có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật, có khả năng chuyển đổi để đào tạo nhân lực bán dẫn; có 35 cơ sở đào tạo đang đào tạo các ngành có liên quan đến công nghiệp bán dẫn.
Nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin đang có định hướng phát triển trong lĩnh vực này (Viettel, VNPT, FPT, CMC…), có thể phối hợp, hỗ trợ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, cũng như sử dụng chính nguồn nhân lực qua đào tạo này.
Các địa phương như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh… đều thể hiện quyết tâm thu hút, tạo điều kiện và dành nhiều nguồn lực cho phát triển nhân lực bán dẫn, cũng như xây dựng hệ sinh thái cho ngành bán dẫn.
Việt Nam cũng đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Hoa Kỳ về phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn nhấn mạnh đến việc hợp tác phát triển nguồn nhân lực cho ngành. Các tập đoàn hàng đầu (NVIDIA, Samsung, Synopsys…) cũng có sự quan tâm, định hướng nghiên cứu, đầu tư, phát triển, hướng tới xây dựng “cứ điểm” sản xuất bán dẫn tại Việt Nam.
Cơ hội phát triển cho nhân lực ngành bán dẫn
Tại cuộc làm việc về Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” vào ngày 22/4 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, thị trường chip bán dẫn thế giới dự kiến đạt doanh thu 1.000 tỉ USD vào năm 2030. Vì vậy đến năm 2030 cần khoảng 1 triệu lao động cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói, kiểm thử chip.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bán dẫn lớn đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tận dụng nguồn nhân lực trẻ, có trình độ tại các nước châu Á trong đó có Việt Nam. Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế, 35.000 kỹ sư làm việc trong các nhà máy sản xuất chip bán dẫn; đồng thời sẽ tạo ra 154.000 việc làm gián tiếp, đóng góp 360.000 tỷ đồng vào GDP.
Thực tế cho thấy, trong 20 năm qua, Việt Nam đã đào tạo ra hàng trăm nghìn lập trình viên, hàng triệu nhân lực công nghệ thông tin, đây là cơ sở quan trọng khẳng định khả năng đào tạo 50.000-100.000 nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030.
Cần tạo đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn
Tại Hội nghị về Phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn vào ngày 24/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu cần xác định rõ quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đạt được mục tiêu đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn.
Theo đó, Thủ tướng cho rằng, cần coi đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn là “đột phá của đột phá” trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, cần đa dạng hóa các loại hình đào tạo như: Đào tạo cơ bản, đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi, đào tạo kỹ năng, đào tạo kỹ sư, đào tạo tiến sĩ, đào tạo trong nước và ngoài nước, đào tạo thông qua sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, đa dạng hóa các nguồn lực cho đào tạo phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, gồm nguồn lực nhà nước, xã hội, nhân dân, phát huy quan hệ Nhà nước – xã hội – thị trường, đẩy mạnh hợp tác công – tư trong đào tạo.
Với các quan điểm nói trên, Thủ tướng nhấn mạnh, cần hoàn thiện thể chế cho công tác đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn với cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù. Cùng với đó, tập trung đầu tư cho hạ tầng phục vụ đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn, gồm cơ sở đào tạo, nhà trường, phòng thí nghiệm, nơi sản xuất… Đào tạo đội ngũ giáo viên, giảng viên, xây dựng chương trình, giáo trình phù hợp.
Xây dựng phương thức đào tạo cả tiệm cận và đột phá, cả trước mắt và lâu dài. Đồng thời, huy động, đa dạng hóa nguồn lực của Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp, hợp tác công – tư.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng, cần đào tạo chuyên sâu cho các giảng viên; mở rộng mạng lưới đào tạo, hỗ trợ đào tạo ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành liên quan.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, GS.TS Vũ Hải Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho rằng, muốn phát triển nhanh thì phải có cơ chế đột phá về đào tạo giảng viên, dùng chung cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và các phòng thí nghiệm liên quan, thu hút các chuyên gia nước ngoài…
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đánh giá rằng, hai khâu trong ngành công nghiệp bán dẫn mà Việt Nam có lợi thế là thiết kế, đóng gói, kiểm thử chip. Các trường đang rất cần dự báo chính xác về nhu cầu nhân lực vi mạch bán dẫn để xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo hữu hiệu.
Đặc biệt, cần có chính sách ưu tiên cụ thể cho các bên tham gia “hệ sinh thái” đào tạo nhân lực công nghiệp bán dẫn (cơ sở đào tạo, nhà khoa học, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước). Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ưu tiên một số chương trình khoa học và công nghệ quốc gia để phục vụ cho ngành công nghiệp bán dẫn./.