Phú Quốc đang “hụt hơi về truyền thông”
“Bản thân tôi cũng chứng kiến nhiều du khách quay lại Phú Quốc liên tục trong năm 2021-2022 và mỗi lần đến là du khách lựa chọn trải nghiệm dịch vụ ở địa điểm khác nhau. Năm 2022 là một năm phát triển du lịch rất ấn tượng của Phú Quốc và được hy vọng là tiền đề tạo nên sức bật cho năm 2023. Tuy nhiên, thực tế cho tới thời điểm này thì kết quả không được như kỳ vọng cả về số lượng du khách, tỷ lệ lấp đầy, thị phần và dĩ nhiên, doanh thu so với cùng kỳ là kém hơn”, bà Lê Thị Hải Châu, Tổng thư ký Hội Đầu tư phát triển du lịch Phú Quốc chia sẻ.
Theo bà Châu, lượng khách hạn chế so với các năm trước ảnh hưởng đến tài chính doanh nghiệp tại Phú Quốc vì các chi phí bảo trì, bảo dưỡng, bảo hành phải thực hiện định kỳ không thể trì hoãn. “Có thể thấy trước mắt là chính chúng ta đang đưa mình vào thế khó so với các nước trong khu vực, khi tự bóp nghẹt thị phần du lịch của mình… Vé máy bay tăng cao có thể có nhiều cách lý giải nhưng Phú Quốc là điểm đến phụ thuộc chính vào đường hàng không, mà các đơn vị dịch vụ vận chuyển không có giải pháp hợp lý dung hòa thì tôi nghĩ sẽ cản trở lớn đến chính sách du lịch nói chung của quốc gia”.
Một trong những lý do gì khiến lượng khách đến Phú Quốc có dấu hiệu sụt giảm sau giai đoạn thành công, bà Lê Thị Hải Châu cho rằng ngoài một số vấn đề phát sinh liên quan môi trường, dịch vụ, tồn tại thực tế mà đang được địa phương tiếp nhận thông tin phản ánh để xử lý kịp thời, thì ở khía cạnh truyền thông điểm đến, việc quảng bá còn manh nha, chưa bài bản và chưa đủ “thấm”.
“Nếu các năm trước, doanh nghiệp đầu tư tại Phú Quốc thường xuyên quảng bá điểm đến Phú Quốc tạo nên độ nhận biết cao cho thị trường trong nước thì phải thừa nhận rằng, tại thị trường nước ngoài, Phú Quốc là một điểm đến đang ‘hụt hơi về truyền thông’ và lạ lẫm trong mắt du khách khi so sánh với Bali, Phuket hay Đà Nẵng, Nha Trang. Tác động “nhân ba” của hạn chế đường bay – giá vé chưa hợp lý – nhận biết điểm đến thấp, đang tạo nên bài toán “con gà – quả trứng” rất khó khăn cho thị trường Phú Quốc”, bà Châu chia sẻ với phóng viên VOV.VN.
Theo bà Châu, du lịch là làm dịch vụ, phụ thuộc vào rất nhiều ngành, nhiều cấp khác nhau. Vì vậy những quyết sách về du lịch phải rất nhạy bén, linh hoạt, ứng biến đa dạng và kịp thời, phù hợp thị trường để đón đúng thời điểm. “Mùa du lịch quốc tế đến Phú Quốc bắt đầu cao điểm trong giai đoạn từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 của năm sau. Và các tháng còn lại tập trung thị phần khách nội địa (có cả khách của các doanh nghiệp nước ngoài, người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam), chiếm khoảng 60-65% tổng lượng khách du lịch”.
Phú Quốc cần đón nhận những lời góp ý
Ông Vũ Tiến Văn, đại diện một công ty kinh doanh nhiều lĩnh vực tại Phú Quốc như lữ hành, vận chuyển và lưu trú, cho rằng trong các nhận xét, phản hồi về Phú Quốc gần đây cũng có những ý đúng. “Cái gì chưa tốt thì phải nhận. Rất nhiều người từ nơi khác đổ vào thuê nhà ở Phú Quốc vì thấy thời gian qua khách đông nên tâm lý muốn kiếm tiền nhanh, vơ vét, ăn xổi. Những du khách đến Phú Quốc không may tới những cơ sở này và trải nghiệm không tốt nên mới phản ánh như vậy”.
Theo ông Văn, Phú Quốc những năm vừa qua phát triển rất mạnh mẽ, nên mọi dịch vụ cũng đang trong quá trình hoàn thiện, đôi khi không bắt kịp nhu cầu của du khách. Với du khách đi theo hình thức tự túc, ưu điểm là sẽ có được những trải nghiệm riêng theo nhu cầu và sở thích của mỗi cá nhân, tuy nhiên trong quá trình trải nghiệm có nguy cơ gặp phải những trải nghiệm không tốt, những có sở kinh doanh chưa đảm bảo chất lượng dịch vụ cũng như mức giá phù hợp.
Trên thực tế những người làm du lịch chân chính ở Phú Quốc vẫn rất nhiều, vẫn rất chào đón du khách và cung cấp các dịch vụ với mức giá phù hợp để thu hút khách, chứ không thể đưa ra chi phí cao vô lý. “Khi đi theo tour du lịch trọn gói thông qua các công ty lữ hành uy tín, du khách được bao gồm đầy đủ dịch vụ có sẵn với chi phí cũng rất cạnh tranh và tối ưu. Ví dụ chúng tôi có những tour du lịch đi Phú Quốc 4 ngày 3 đêm trọn gói cho du khách với mức giá cũng chỉ dao động từ 6 – 8 tr/khách, bao gồm đầy đủ vé máy bay, khách sạn, đi lại, ăn uống và các tuyến điểm tham quan”, ông Vũ Tiến Văn nói.
Để tạo ra tour trọn gói với giá cả cạnh tranh, các doanh nghiệp du lịch đã phải đàm phán rất chặt chẽ với các nhà hàng, khách sạn, hãng vận chuyển về chất lượng phục vụ, chất lượng sản phẩm cũng như tối ưu nhất về giá cả, với mong muốn đem đến cho khách hàng dịch vụ và trải nghiệm hoàn hảo nhất. “Các doanh nghiệp tại Phú Quốc đều mong muốn được khách hàng quay lại và sử dụng dịch vụ nhiều lần, chứ không thể đánh đổi giá trị thương hiệu của chúng tôi để bán cho khách một lần không trở lại”.
Phải thừa nhận ngành du lịch Phú Quốc vẫn còn bất cập
Ông Trương Công Tâm – Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp Phú Quốc cho rằng công tác quản lý dịch vụ du lịch tại Phú Quốc còn nhiều hạn chế, cũng là nguyên nhân khiến cho du khách phàn nàn thời gian vừa qua. “Phú Quốc là điểm du lịch nổi tiếng, mà những hạn chế, bất cập không được giải quyết thì sẽ gây bức xúc cho du khách. Đây là những vấn đề đã và đang tồn tại”.
Theo ông Tâm, tại Phú Quốc hiện nay một số xe vận chuyển khách du lịch nhỏ lẻ, chộp giật cố ý lấy giá thấp, tư vấn không đúng, nói sai sự thật, để lôi kéo khách, sau đó đưa vào các trung tâm mua sắm và những cơ sở kinh doanh không đúng chuẩn. Hoặc ở khu vực ngã 5 chợ đêm Phú Quốc thì tình trạng xe taxi, xe điện, đậu tràn lan gây mất trật tự và gây nguy hiểm cũng như làm mất mỹ quan thành Phố. Hay ở bến cảng phía Nam đảo Phú Quốc, một số tàu và cano chưa làm đúng quy định theo an toàn hàng hải, người bán hàng rong thì xe chở khách vừa đến cảng thì hàng chục người ùa ra, vây lấy khách để bán hàng.
“Có rất nhiều người từ nơi khác đến và mở những nhà hàng, quán ăn, dịch vụ du lịch… giá cả loạn lên hết, vì họ đến sau nên để giành thị phần với những đối thủ lâu năm bằng những cách không lành mạnh, hoặc gửi tiền mặt tính trên đầu người khi các xe đưa tới. Điều đó dẫn đến việc khi khách sử dụng dịch vụ thì mức giá cũng tăng lên, mặc dù có niêm yết giá nhưng mức giá cao vô lý”, ông Trương Công Tâm nói, đồng thời đề xuất cơ quan chức năng cần họp và thống nhất các cơ sở kinh doanh trên địa bàn về việc chi tiền hoa hồng, “tiền cổng”, mức chiết khấu hợp lý và bình đẳng để các mặt hàng, sản phẩm trở về đúng giá trị thật.
Về hướng dẫn viên du lịch, ông Trương Công Tâm khẳng định ở Phú Quốc vẫn có tình trạng hướng dẫn viên “chui”: “Có những người dẫn khách nhưng không có thẻ, hoặc làm thẻ giả, mượn thẻ của người khác để hành nghề trên đảo. Những thành phần này không phải người địa phương và chỉ làm việc theo thời vụ, vì thế không quan tâm đến quyền lợi của địa phương, gây ảnh hưởng xấu tới du lịch Phú quốc nếu có vấn đề xảy ra. Đến nay vẫn chưa xử lý hết vấn đề này, những đối tượng đó luôn tránh né các đoàn kiểm tra của cơ quan chức năng. Tôi đề nghị phải thanh tra, kiểm tra thật quyết liệt và liên tục, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm để Phú Quốc là một điểm đến an toàn và thân thiện trong mắt du khách”./.