Cá lóc nướng trui

Cá lóc nướng trui

Ngồi trong cái rét đầu đông giữa Thủ đô Hà Nội, tôi thèm da diết vị ngọt thơm của dĩa cá lóc nướng trui được thưởng thức của chị Ba Vĩnh Long năm nào.

Ảnh: VINH HIỂN

Xứ sông nước chắc vẫn ấm áp dù đông về. Vẫn là nơi đó, nơi tình đất, tình người dào dạt tuôn chảy như những dòng sông bất tận. Lim dim nhắm mắt tưởng tượng, vườn cây trái sai trĩu trịt ngào ngạt tỏa hương thơm.

Những chùm nhãn xuồng Vĩnh Long tươi mát hiện lên như muốn khỏa lấp tâm hồn gã người đời suốt ngày chìm đắm trong công việc. 

Khi con người ta mệt mỏi thì nơi nào nhiều hoa trái và đồ ăn lại mời gọi, tạo cho lòng ta khao khát muốn bỏ hết để được ngao du đến phương trời xa, đắm chìm trong thanh mát của thiên nhiên tươi đẹp.

Lại nói đến món ăn, Vĩnh Long đón tôi bằng món cá lóc nướng trui đơn giản mà đượm thắm tình quê. Người thành phố như tôi còn gì hạnh phúc bằng được nhìn ngắm bà con làm đồng, phát cỏ. 

Làm thử thì ai cũng thích, nhưng rồi lại bị các bà, các má đuổi lên: thôi con chỉ làm vài đường cho biết thôi, làm không quen hỏng tay đấy.

Chỉ thế thôi mà yêu thương quá đỗi, muốn ở lại đây thêm một ngày nữa, rồi ngày nữa. Cũng đành chỉ dừng lại ở công việc phát cỏ, mà theo tôi đó là thứ dễ nhất mà một người chưa từng xuống ruộng có thể làm được.

Rồi đến khi bắt được chú cá lóc lên khỏi ruộng, tức là bao công sức đã bỏ ra đấy, đừng tưởng cá nó nhảy đến chỗ bạn. Vậy là sắp có món nướng nóng hổi đãi khách.

Chị em hồ hởi đưa chú cá lên khoe, rồi trò chuyện ríu ra ríu rít. Niềm vui quê hương chỉ vậy mà hạnh phúc cả ngày. Cá lóc dung dị nhưng lại là món ngon nhất trần đời. Trong cái món nướng nguyên sơ ấy, tình túy trời đất cũng đủ tạo nên hương vị tuyệt hảo.

Lần đầu tiên thấy bà con nướng cá, tôi ngạc nhiên quá. Miền Bắc thường nướng bằng vỉ, còn ở đây chỉ dùng que xiên. Than hồng cháy hừng hực, chị Ba cắm chiếc que xuống đất rồi phủ rơm khô trùm lên châm lửa đốt. Khó vậy mà khi nằm gọn trên đĩa, hương thơm từ chú cá lóc tỏa ra nức mũi.

Trăm thứ cõi tiên không bằng một xiên cá lóc. Nói quá vậy mà đúng, khi được ngửi tận mũi thứ mùi quyến rũ, thơm lừng, như ôm ấp vị giác đã bị bỏ mặc quá lâu vì cứ trông cơm hàng, cháo chợ.

Rồi đến mắm chấm. Lại một thứ nghệ thuật nữa được sáng tạo bằng cảm xúc. Không người nào pha mắm giống nhau, đó mới là sự đa dạng, tình túy của ẩm thực.

Miền Nam nổi tiếng ở món cá cuốn, nhưng điều làm nên cái chất riêng của cá lóc nướng trui chính là nước chấm.

Gắp miếng cá trắng bóng lên, gói kèm thêm chút bún bằng bánh tráng nhúng nước, rồi chấm vào nước mắm nhà pha, cái dạ dày đói meo bỗng dịu lại, trở vui. Dường như bao khát vọng lạc thú đều phải dừng lại khi được ăn một miếng cá lóc nướng trui.

Đơn giản, dân dã là vậy mà sao hương vị lại ngọt nồng khó quên? Phải chăng, đó là do bao tâm huyết, bao tinh túy của người dân sông nước tích tụ lại để thăng hoa?

Hay đơn giản chỉ là cảm cái tình của họ nên khách ăn thấy ngon? Dù là lý do nào thì cũng là món ăn nuôi sống con người, chỉ cần ăn ngon là hạnh phúc.

Nhìn chị Ba giằm me vào bát nước mắm nguyên chất tỏi ớt, cũng đủ để nấn ná lại thêm buổi nữa, để được xem các đầu bếp dân dã này chế biến.

Đặc sản Vĩnh Long là vậy, níu chân du khách nhờ cái chất riêng đặc biệt không đâu có được. Đó là tình cảm thuần khiết, trở thành một phần trong tim mỗi vị khách phương xa gửi lại nơi đó, để họ còn có dịp ghé lại lần sau.

Theo Báo Vĩnh Long

Trả lời