Nghệ thuật chế biến cá nóc
Nhắc đến ẩm thực Nhật Bản, không thể không nhắc tới các món chế biến từ hải sản tươi sống. Đặc biệt nhất có lẽ là sashimi cá nóc (fugu) – món đặc sản đỉnh cao trong văn hóa Nhật Bản đã được nâng lên tầm nghệ thuật.
Ai cũng biết cá nóc chứa độc tố chết người, tuy nhiên những người đầu bếp tài ba tại Nhật Bản đã làm chủ được công thức chế biến và cách loại bỏ nguy hiểm cho thực khách. Người đầu bếp phải học nhiều năm để có “chứng chỉ Fugu”, sau đó mới được chế biến các món ăn từ cá nóc.
Nhà hàng cá nóc có ở nhiều nơi trên khắp nước Nhật, nhưng sashimi cá nóc ở Beppu nói riêng và tỉnh Oita có nhiều điều khác biệt. Theo lời chủ nhà hàng Fugutei – nơi đã 30 năm phục vụ món cá nóc ở Beppu, cá nóc được đánh bắt ngay tại vùng biển Kyushu nên tươi ngon và luôn được chế biến chỉ trong 1 – 2 ngày sau khi đánh bắt. Nhờ vậy miếng cá được thái dày hơn những vùng khác.
Bước vào một nhà hàng cá nóc truyền thống ở Beppu, du khách sẽ cảm nhận được văn hóa Nhật Bản khá rõ nét. Không gian nhà hàng bài trí theo kiến trúc Nhật Bản, thực khách cần bỏ giày dép trước khi bước vào. Những người phụ nữ trong trang phục truyền thống sẽ đón tiếp bạn bằng lòng hiếu khách nổi tiếng của người Nhật (Omotenashi), rót mời bạn một ly rượu sake và hướng dẫn cách ăn món cá nóc theo đúng văn hóa bản địa.
Để thưởng thức đúng vị, thực khách đặt một vài cọng hành nhỏ vào giữa rồi cuộn lát sashimi cá nóc, có thể ăn ngay hoặc dùng chút nước chấm. Khi làm sashimi, thịt cá nóc giòn, dai và có vị ngọt tự nhiên. Khi bày biện món sashimi cá nóc, đầu bếp Nhật Bản thường trình bày các lát cá theo hình dáng hoa cúc – quốc hoa của Nhật Bản.Ngoài phần thịt làm sashimi, những bộ phận khác của con cá nóc cũng được “biến hóa” thành nhiều món ăn độc đáo. Phần đầu và ngực con cá dùng làm món chiên; da cá nóc và phần thịt còn lại làm món luộc. Ngoài ra còn có món lẩu cá nóc hoặc cháo cá nóc. Để tăng thêm hương vị, món cá nóc có thể dùng với một số đồ ăn kèm như củ cải trộn ớt, nước tương ponzu với một chút hành xắt nhỏ, các món ăn kèm từ da hoặc lòng của các loại cá khác.
Tự nấu ăn bằng khoáng nóng
Nguồn khoáng nóng dồi dào giúp Beppu thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới. Gắn với onsen, người dân ở đây sáng tạo ra nhiều hoạt động độc đáo cho du khách, trong đó có Jigoku-mushi. Đây là phương pháp nấu ăn có từ xa xưa, các nguyên liệu được hấp chín bằng hơi nước nhiệt độ cao phun ra từ suối nước nóng. Với du khách phương xa, việc tự tay nấu chín thức ăn bằng Jigoku-mushi trở thành trải nghiệm vô cùng đáng nhớ.
Chia sẻ với phóng viên VOV.VN, bà Oishi Hiroko – quản lý nhà hàng The Hell ở Beppu cho biết 13 năm qua nhà hàng chưa bao giờ đóng cửa, kể cả thời gian dịch Covid-19 bùng phát. “Sau dịch Covid-19, bây giờ khách nước ngoài đã đông trở lại, nhiều người đến từ Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc và cả Việt Nam. Tôi có một người bạn thường đưa khách Việt Nam đến đây và họ rất thích thú”.
Theo bà Oishi Hiroko, cũng như những hộ dân khác ở Beppu, nhà hàng được sử dụng khoáng nóng thông qua một hệ thống bơm thẳng vào nhà. Nhiệt độ xấp xỉ 100 độ C của hơi nước giúp nấu chín một số loại thức ăn như rau củ, trứng, hải sản, thịt, mỳ… trong vòng 10 – 15 phút.
“Đa số thực phẩm là của vùng Oita này, như các loại rau, củ, quả, thịt. Riêng hải sản thì còn từ những nơi khác nữa. Món đặc trưng của chúng tôi là mỳ yaseuma số 4 hoặc mỳ thập cẩm số 5, vì dùng khoáng nóng ở Beppu nên mì mềm và dính dính với nhau. Nếu dùng nước thông thường thì không có độ mềm và dính như thế”, bà Oishi Hiroko niềm nở chia sẻ.
Có lẽ giá cả phải chăng, trải nghiệm độc lạ và sự nồng hậu của những nhân viên phục vụ đã tạo nên sức hút của nhà hàng. Vì hơi nước bốc lên ở nhiệt độ cao nên du khách phải đeo một số đồ bảo hộ, cũng như tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của nhân viên. Du khách sẽ phải tự mình “đứng bếp”, bằng cách đặt đồ ăn lên một giá 2 tầng và đưa vào trong lò hấp. Sau khoảng 10 phút, du khách có thể tự tay mang những “thành quả” này ra bàn thưởng thức. Không chỉ giữ nguyên hương vị vốn có, hơi nóng của onsen còn giúp thức ăn có nhiều khoáng chất tốt cho sức khỏe.
*Bài viết có sự đồng hành của Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO) tại Việt Nam