Công nghệ, Khoa học & đời sống, Thông tin
Hũ tiền cổ giấu vội dưới lòng đất 1.500 năm trước
Hũ tiền cổ giấu vội dưới lòng đất 1.500 năm trước
Nga – Hũ tiền cổ chứa 80 đồng xu được chôn một cách vội vàng khi thành phố bị kẻ thù bất ngờ tấn công và đốt phá.
Viện Khảo cổ thuộc Viện hàn lâm Khoa học Nga thông báo, phát hiện hũ tiền chứa 80 đồng xu tại thành phố cổ Phanagoria, bán đảo Taman, Ancient Origins hôm 25/7 đưa tin. Phanagoria do người Teian thành lập khoảng năm 543 trước Công nguyên. Nơi này sau đó phát triển thành một trung tâm giao thương giữa vùng bờ biển của người Maeotian và các nước ở phía nam Caucasus.
Nhóm chuyên gia tìm thấy hũ tiền cổ trong lúc khai quật bằng chứng của thảm họa cháy diễn ra tại đây vào thế kỷ 6. Loại tiền này được các vị vua của vương quốc Bosporos đúc trong giai đoạn cuối thế kỷ 3 đến đầu thế kỷ 4. Dù đã ra đời hàng trăm năm, chúng vẫn được sử dụng trong các khu chợ của Bosporos vào thế kỷ 6, theo chuyên gia Vladimir Kuznetsov tại Viện hàn lâm Khoa học Nga. Nguyên nhân có thể là loại xu bằng đồng và chì này rẻ hơn nhiều so với tiền vàng Đông La Mã.
Các nhà khảo cổ tin rằng người xưa đã chôn vội hũ tiền xuống đất khi thành phố Phanagoria bị người Hun hoặc Turk tấn công và đốt phá. Họ tìm thấy vài công trình công cộng và nhà ở bị đốt vào cùng thời điểm chôn kho báu này, để lại một lượng lớn tro, muội than, mảnh sàn gỗ cháy, bát đĩa vỡ, ngũ cốc cháy đựng trong các bình, lọ, ở khu vực khai quật.
Phát hiện mới cho thấy hoàn cảnh khác thường khi cất giấu hũ tiền, đó là trong những cuộc tấn công đột ngột của kẻ thù, Kuznetsov nhận xét. “Chủ nhân hũ tiền chắc chắn đã hành động một cách vội vã. Chỉ một phần của chiếc bình được đặt xuống hố và phủ đất lên trên”, ông nói.
Thu Thảo (Theo Ancient Origins)
Nguồn: https://vnexpress.net/hu-tien-co-giau-voi-duoi-long-dat-1-500-nam-truoc-4330454.html |