Công nghệ, Thế giới số, Thông tin
Mỹ sắp thành trung tâm đào Bitcoin mới của thế giới
Mỹ sắp thành trung tâm đào Bitcoin mới của thế giới
Trước khi Trung Quốc cấm hoạt động khai thác Bitcoin, giới thợ đào tiền kỹ thuật số đã manh nha rời đi và kéo đến Mỹ.
Mỹ đang nhanh chóng trở thành “miền đất hứa” mới của giới khai thác Bitcoin. Theo số liệu của Đại học Cambridge, đây là điểm đến khai thác lớn thứ hai trên hành tinh, chiếm gần 17% tổng số thợ đào Bitcoin đến tháng 4. Con số này tăng 151% so với tháng 9/2020.
“Trong 18 tháng qua, chúng tôi đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng khai thác ở Mỹ. Có sự gia tăng lớn trong chuyển dịch hoạt động đào Bitcoin đến Bắc Mỹ, mà chủ yếu là ở Mỹ”, Darin Feinstein, Nhà sáng lập Blockcap và Core Scientific, cho biết.
Dữ liệu này chưa bao gồm việc di cư hàng loạt của giới thợ đào ra khỏi Trung Quốc thời gian gần đây, dẫn đến việc một nửa số thợ đào trên thế giới phải ngoại tuyến. Các chuyên gia còn cho rằng, thị phần khai thác Bitcoin của Mỹ thậm chí còn lớn hơn những con số được thống kê.
Theo dữ liệu của Cambridge, trước lệnh cấm khai thác, Trung Quốc cũng chỉ còn chiếm 46% tổng hashrate của thế giới, thuật ngữ mô tả sức mạnh tính toán chung của mạng Bitcoin. Tỷ lệ này giảm mạnh so với mức 75,5% vào tháng 9/2019 và đến nay thậm chí có thể thấp hơn nhiều do làn sóng di cư của thợ đào.
“500.000 giàn khai thác trước đây của Trung Quốc đang tìm kiếm các ngôi nhà ở Mỹ. Nếu chúng được triển khai, điều đó có nghĩa là Bắc Mỹ sẽ có gần 40% hashrate toàn cầu vào cuối năm 2022”, Fred Thiel, CEO Marathon Digital, nói.
Việc Mỹ trở thành điểm đến lý tưởng mới của giới thợ đào Bitcoin không phải ngẫu nhiên. Trước khi giới khai thác tiền số bắt đầu đến Mỹ, các công ty tại đây đã bước vào một canh bạc chuẩn bị sẵn cơ sở hạ tầng để chào đón cuộc di cư trong tương lai. Đến nay, ván cược đó dường như đang thành công.
Cụ thể, khi giá Bitcoin sụp đổ vào năm 2017 và thị trường bước vào mùa đông tiền số (crypto winter) kéo dài nhiều năm, không có nhiều nhu cầu đầu tư các trang trại đào Bitcoin quy mô lớn. Tuy nhiên, các nhà khai thác ở Mỹ đã nhìn thấy cơ hội giá rẻ để triển khai xây dựng trước hệ sinh thái đào tiền số ở nước này.
“Các nhà khai thác khi ấy huy động vốn để tiến hành các hoạt động mua sắm đầu tư lớn”, Mike Colyer, CEO công ty tiền số Foundry, đơn vị đã hỗ trợ mang 300 triệu USD thiết bị đào tiền số vào Bắc Mỹ, cho biết.
Theo Colyer, các công ty như nhà điều hành khai thác tiền số Core Scientific tiếp tục xây dựng không gian lưu trữ trong suốt thời gian mùa đông, để sẵn sàng cung ứng hạ tầng cho các giàn khai thác trong tương lai. “Phần lớn các thiết bị mới được sản xuất từ tháng 5-12/2020 đã được vận chuyển đến Mỹ và Canada”, ông cho biết thêm.
Alex Brammer, Phó chủ tịch phát triển kinh doanh của Luxor Mining, chỉ ra rằng thị trường huy động vốn trưởng thành và các công cụ tài chính xung quanh ngành khai thác cũng đóng một vai trò lớn trong sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái khai thác tiền số ở Mỹ.
Theo ông, nhiều thợ đào ở Mỹ có thể để bắt đầu mở rộng quy mô nhanh chóng khi họ dễ dàng tiếp cận vốn hơn. Bởi lẽ, họ đã có lịch sử hoạt động nhiều năm, chứng minh được khả năng sinh lời và dùng tài sản hiện có làm thế chấp.
Cùng với đó, Covid-19 cũng đóng một vai trò nhất định. Mặc dù đại dịch đã khiến một loạt nền kinh tế đóng cửa, nhưng các khoản cứu trợ khổng lồ của chính phủ Mỹ đã mang lại lợi ích cho giới thợ đào.
Brandon Arvanaghi, kỹ sư khai thác Bitcoin cho biết, khi tiền được bơm vào nền kinh tế, nhiều người tìm một kênh để sử dụng số tiền nhận được. “Sự thèm khát đầu tư quy mô lớn chưa bao giờ cao như vậy. Rất nhiều người đã nhảy vào đào Bitcoin ở những nơi ngoài Trung Quốc”, Arvanaghi cho biết.
Theo Colyer, cuộc di cư của giới thợ đào đến Mỹ bắt đầu vào đầu năm 2020. Trước đợt trấn áp đột ngột của Bắc Kinh thì sự thống trị về khai thác tiền số của Trung Quốc cũng đã tuột dốc. Một phần do Mỹ ngày càng trở nên hấp dẫn hơn trong ngành này.
“Bạn đang tìm cách di dời các công ty khai thác hàng trăm triệu USD ra khỏi Trung Quốc, đảm bảo rằng mình có sự ổn định về địa lý, chính trị và khu vực pháp lý. Bạn cũng muốn chắc chắn có các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu tư nhân đối với các tài sản mà bạn đang di dời”, Feinstein nói và cho biết đó là những gì Mỹ đáp ứng được cho giới thợ đào.
Ngoài ra, giới chuyên gia cũng cho rằng, Mỹ còn là nơi có một số nguồn năng lượng rẻ nhất hành tinh, nhiều nguồn trong số đó có xu hướng tái tạo. Bởi các công ty khai thác quy mô lớn cạnh tranh trong một ngành công nghiệp có tỷ suất lợi nhuận thấp, nơi chi phí khác biệt duy nhất của họ thường là năng lượng, nên ở đâu có nguồn điện rẻ nhất thì họ sẽ tìm đến.
Thiel kỳ vọng hầu hết thợ đào mới chuyển đến Bắc Mỹ sẽ được cung cấp năng lượng tái tạo hoặc khí đốt đã được trả chi phí bù đắp về môi trường. Nic Carter, chuyên gia của Castle Island Ventures, chỉ ra rằng hoạt động đào Bitcoin ở Mỹ không hoàn toàn có thể tái tạo được, nhưng theo ông, giới khai thác ở đây có điều kiện tốt hơn nhiều trong việc lựa chọn năng lượng tái tạo hoặc trả phí bù đắp môi trường.
“Về tổng thể thì việc di cư chắc chắn là điều tích cực. Hashrate chuyển sang Mỹ, Canada và Nga sẽ có nghĩa là cường độ carbon thấp hơn nhiều”, ông nói.
Phiên An (theo CNBC)
Nguồn: https://vnexpress.net/my-sap-thanh-trung-tam-dao-bitcoin-moi-cua-the-gioi-4326414.html |