16.000 tỷ tấn kim cương chất đầy trên ‘người hàng xóm’ của Trái đất

16.000 tỷ tấn kim cương chất đầy trên ‘người hàng xóm’ của Trái đất

(VTC News) – Một nghiên cứu mới cho thấy ‘người hàng xóm’ Trái đất có thể chứa tới hàng nghìn tỷ tấn kim cương thô.

Theo nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị Khoa học Hành tinh và Mặt trăng (LPSC) ở Texas tuần trước, hành tinh nhỏ nhất trong Hệ Mặt trời có thể là một mỏ kim cương khổng lồ.

Nghiên cứu chỉ ra rằng Sao Thủy được bao phủ bởi than chì, một dạng cacbon tinh khiết có thể biến thành kim cương sau các vụ va chạm thiên thạch, tiểu hành tinh và sao chổi.

Cách đây khoảng 4,1 đến 3,8 tỷ năm trước thời kỳ hệ Mặt trời còn sơ khai, Sao Thủy bị ảnh hưởng nặng nề bởi các vụ bắn phá từ các tác nhân này. Các nhà nghiên cứu tin rằng thời kỳ này có thể là nguồn cơn dẫn tới việc hình thành kim cương trên Sao Thủy. 

(Ảnh minh họa: Somagnews)

Theo Kevin Cannon, phó giáo sư Địa chất và tài nguyên không gian tại Trường mỏ Colorado (Mỹ), Sao Thủy ban đầu được bao phủ bởi một lớp vỏ than chì mỏng. Sau đó, các vụ va chạm của hành tinh này với thiên thạch và sao chổi ở tốc độ cao tạo ra áp suất lớn biến than chì thành kim cương. 

Cannon cũng lưu ý các viên kim cương ở gần bề mặt Sao Thủy không giống với kim cương mà chúng ta cắt và chế tác thành đồ trang sức. “Nó giống những viên kim cương đục nhỏ được sử dụng trong công nghiệp làm chất mài mòn”, ông Cannon nói thêm.

Trên thực tế, việc khai thác ngoài không gian luôn hết sức khó khăn và phức tạp, đặc biệt là với Sao Thủy do vấn đề cơ học quỹ đạo.

Tuy nhiên, các nhà khoa học hy vọng tàu vũ trụ BepiColombo – được phóng lên không gian vào năm 2018 sẽ giúp khám phá thêm về hành tinh bí ẩn bậc nhất của hệ Mặt trời. 

“Về lý thuyết, sứ mệnh BepiColumbo sắp tới có thể giúp phát hiện kim cương trên các vật liệu bề mặt. Tàu vũ trụ này có các công cụ bổ sung so với sứ mệnh MESSENGER của NASA giúp nó dễ phát hiện loại khoáng chất này tốt hơn”, ông Cannon lưu ý. 

Được phóng vào vũ trụ năm 2004, MESSENGER là tàu vũ trụ đầu tiên bay vào quỹ đạo của sao Thủy hồi tháng 3/2011.

Năm 2015, tàu thăm dò của NASA kết thúc sứ mệnh của mình bằng cách đâm vào sao Thủy sau hơn 4 năm quay quanh hành tinh này.

Trong hơn 4 năm hoạt động, Messenger gửi về Trái đất hơn 100.000 bức ảnh về sao Thủy, đồng thời cung cấp nhiều dữ liệu có giá trị giúp các nhà khoa học khám phá thêm về lịch sử và địa chất của hành tinh nằm ở vị trí gần Mặt Trời nhất.