92 người không đeo khẩu trang khi tới nơi công cộng ở huyện Củ Chi đã bị xử phạt hành chính 18,4 triệu đồng. Trước đó, cô gái ở Hà Nội trốn cách ly, lên máy bay định sang Anh cũng đã bị giữ lại, phạt 10 triệu đồng. Nhiều người lên mạng tung tin sai về Covid-19 cũng bị xử phạt…
Thời gian tới, không chỉ xử phạt hành chính, những hành vi tương tự còn có thể bị xử lý hình sự theo hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao vừa mới ban hành.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chiều 24-3, UBND TPHCM quyết định tạm dừng hoạt động các khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, quán beer club, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có công suất phục vụ 30 người trở lên; CLB bida, phòng tập thể hình, cơ sở làm đẹp, uốn tóc, hớt tóc trên địa bàn thành phố kể từ 18 giờ ngày 24-3 đến hết ngày 31-3. Nhận được thông báo, hầu hết các hàng quán đã đóng cửa ngay trong buổi chiều hôm đó. Tại khu vực trung tâm thành phố, việc đóng cửa được thực hiện khá nghiêm túc. Trong khi đó, ở các quận huyện xa hơn, nhiều hàng quán vẫn mở cửa, trên vỉa hè vẫn có nhiều người thản nhiên ngồi ăn nhậu, dù dưới lòng đường xe của lực lượng chức năng phát loa tuyên truyền liên tục.
Đến tối 29-3 và ngày 30-3, lác đác một số cửa hàng vẫn mở cửa, vừa bán vừa trông chừng lực lượng chức năng. “Bình thường có 6 bàn, lúc đông nhất cũng chỉ chừng 20 khách đổ lại. Thành phố không cho tụ tập đông người thì tôi dẹp bớt còn 2 bàn thôi, bán cầm chừng”, chủ một tiệm bún, hủ tiếu trên đường Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận) giải thích. Qua ngày hôm sau, được sự vận động, nhắc nhở của lực lượng chức năng, quán này cũng đã dẹp nốt 2 bàn, chỉ còn phục vụ mang đi. Một số cửa hàng treo biển “Chỉ phục vụ mang đi” nhưng bên trong vẫn phục vụ khách.
Ngồi ở cửa nhà nhìn sang quán cà phê đối diện nhà mình vẫn mở cửa vào tối 24-3, ông Toàn (quận Phú Nhuận) nói, cùng quy mô, lượng khách như nhau nhưng ông đã chủ động đóng cửa đúng theo quyết định của UBND TPHCM, trong khi hàng đối diện vẫn ráng bán thêm một hai hôm nữa. “Tôi nghĩ, lãnh đạo thành phố có lệnh này vì dịch bệnh diễn biến phức tạp mà nhiều khi mình không hiểu hết, nên có lệnh mình cứ chấp hành thôi. Mình bán thêm được mấy ly cà phê mà lỡ có bị gì thì ảnh hưởng tới nhiều người”, ông nói.
Thực hiện nghiêm quy định
Trong những ngày qua, ghi nhận tại nhiều tuyến đường ở TPHCM, các tổ công tác gồm cán bộ phường, công an, trật tự đô thị phối hợp tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, nhất là việc hạn chế tụ tập đông người, đeo khẩu trang, tạm dừng hoạt động hàng quán…
Theo Sở Tư pháp TPHCM, việc xử lý hành vi không chấp hành biện pháp chống dịch được quy định tại Điều 11 Nghị định 176/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Theo đó, khi đã có hướng dẫn của cơ quan y tế về việc đeo khẩu trang nơi công cộng, của các cơ quan có thẩm quyền về việc tạm đình chỉ hoạt động cơ sở dịch vụ ăn uống, tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng mà tổ chức, cá nhân không thực hiện thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Còn quy trình cách ly bắt buộc, thực hiện theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, được quy định cụ thể tại Nghị định số 101/2010 về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch. Ngoài ra, theo Nghị định 176 thì hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính.
Vừa qua, sau khi có ý kiến góp ý từ Sở Công thương, Công an TP, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND TP chỉ đạo các sở ngành, UBND quận huyện, phường xã, thị trấn tăng cường quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm các quy định liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, tập trung xử lý các hành vi như đưa tin sai sự thật, tin giả gây hoang mang dư luận, các hành vi găm hàng, tăng giá gây bất ổn thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong phòng chống dịch bệnh; tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa; các hành vi vi phạm về cách ly y tế, về biện pháp phòng chống dịch.
Như vậy, các quy định đã có, cần thực hiện nghiêm để nỗ lực phòng chống dịch chung của cả cộng đồng có kết quả tốt.
Xét xử các vụ liên quan đến phòng chống Covid-19 Ngày 30-3, Hội đồng thẩm phán (HĐTP) TAND tối cao có Công văn số 45 về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, người đã được thông báo mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch đã được thông báo cách ly mà trốn khỏi nơi cách ly, không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly, không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối sẽ bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người theo Điều 240 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, HĐTP TAND tối cao cũng hướng dẫn áp dụng pháp luật để xử lý tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người; tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông; tội làm nhục người khác; tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội buôn lậu; tội đầu cơ; tội chống người thi hành công vụ; tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Theo công văn, trong thời gian có dịch Covid-19, phải đưa các vụ án liên quan đến phòng chống dịch Covid-19 ra xét xử. Tùy vào diễn biến của dịch bệnh và thực tiễn xét xử mà HĐTP TAND tối cao sẽ tiếp tục tổng kết, hướng dẫn đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật. |
Theo sggp.org.vn