Xem rắn hổ mang chúa dài gần 5m trên “đảo ngọc”

Xem rắn hổ mang chúa dài gần 5m trên “đảo ngọc”

Ở trại rắn Đồng Tâm 2 hay còn gọi trại rắn Đồng Tâm – Phú Quốc, xã Dương Tơ, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, hiện nuôi dưỡng, chăm sóc khá nhiều cá thể rắn hổ mang chúa. Trong đó có con hổ mang chúa “khủng” nhất dài hơn 4,7m, nặng khoảng 17kg.

Anh Nguyễn Tấn Lộc, người phụ trách tại trại rắn Đồng Tâm 2, cho biết trại đi vào hoạt động từ năm 2018, hiện đang bảo tồn, nuôi dưỡng 7 loài rắn khác nhau. Trong đó có 4 loài rắn độc là hổ đất, lục đuôi đỏ, cạp nong và đặc biệt là rắn hổ mang chúa. Con rắn hổ mang chúa lớn nhất tại trại rắn Đồng Tâm 2 dài 4,7m, nặng khoảng 17kg.

“Đây là con rắn được đem ra từ trại rắn Đồng Tâm 1 ở tỉnh Tiền Giang. Mục đích đem ra Phú Quốc là do ngoài tự nhiên trên đảo còn loại rắn này khá nhiều nên đơn vị mong muốn hướng dẫn cho người dân và du khách biết rắn hổ mang chúa cũng như loài rắn nào có độc, loài không độc; cách phòng tránh, bảo vệ bản thân và để bảo vệ các loài rắn trong tự nhiên…” – anh Lộc nói.

Ngoài nuôi các loài rắn, trại rắn này còn đang chăm sóc cho một số loài động vật khác như trăn, vượn, chim công, ó biển… Hiện mỗi năm trại rắn đón khoảng 40.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Hổ mang chúa nặng khoảng 17kg đang được nuôi dưỡng tại trại rắn Đồng Tâm 2. Đây cũng là loài rắn độc được ghi nhận dài nhất thế giới.

Người Nam bộ còn gọi rắn hổ mang chúa là hổ mây – đây là loài rắn độc vừa lớn, vừa có khả năng di chuyển nhanh. Một con rắn có tuổi đời trung bình 20-30 năm. Ước tính, lượng nọc độc rắn hổ mang chúa tiết ra trong một vết cắn có khả năng giết chết một con voi trưởng thành và gây tử vong cho khoảng 20 người trưởng thành nếu không được chữa trị. 

Rắn hổ chúa thuộc họ Elapidae, phân bố chủ yếu trong các vùng rừng rậm trải dài từ Ấn Độ, Trung Quốc đến Đông Nam Á. Tại Việt Nam loài này được cho là có nhiều nhất ở Cà Mau, Kiên Giang và An Giang và được xếp nhóm IB trong danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm ở nước ta.

Rắn hổ mang chúa có thể săn mồi suốt ngày và rất hiếm khi gặp chúng vào ban đêm, trong khi hầu hết những loài hổ mang khác (thuộc chi Naja) lại hoạt động về đêm. Con mồi ưa thích của hổ mang chúa là những loài rắn khác, thậm chí chúng còn ăn thị đồng loại. Chính vì vậy, chúng còn được mệnh danh là vua của các loài rắn.

Rắn hổ mang chúa được cho là cố gắng trốn thoát và tránh đối đầu với nguy hiểm, tuy nhiên nếu bị khiêu khích, chúng trở nên rất hung dữ. Khi đối mặt, rắn hổ mang chúa có thể nâng 1/3 cơ thể lên cao khoảng 1,5m và nhìn thẳng vào mắt đối thủ, phồng mang thị uy bằng những tiếng khè dữ tợn và tấn công.

Màu sắc của rắn hổ mang chúa do môi trường quyết định. Thường rắn sống nơi nhiều ánh sáng thì màu sáng, sống nơi ít ánh sáng, vùng rừng sâu, núi cao, hang động có da tối màu.

Những con rắn lãi được nuôi dưỡng làm mồi cho rắn hổ mang chúa.

Loài rắn cạp nong – một trong những loài rắn cực độc nổi tiếng cũng được nuôi dưỡng tại trại rắn Đồng Tâm 2. 

Rắn lục đuôi đỏ.

Trăn gấm và nưa 9 lỗ mũi tắm nắng.

Nhiều du khách cho biết rất ngỡ ngàng và có chút sợ hãi khi tận mắt thấy con rắn hổ mang chúa to, dài được nuôi tại trại rắn Đồng Tâm 2.

HIẾU THUẬN

Nguồn: https://baocantho.com.vn/xem-ran-ho-mang-chua-dai-gan-5m-tren-dao-ngoc–a158483.html