Tiểu thương chợ An Đông xin giảm thuế vì Covid-19

Tiểu thương chợ An Đông xin giảm thuế vì Covid-19

TP HCM – Dịch Covid-19 khiến khách hầu như không lui tới nên tiểu thương tại chợ An Đông 1 và 2 đồng loạt xin giảm 50% thuế khoán. 

“Từ sau Tết đến nay, khách vắng lạ thường, hầu hết các quầy hàng đều không có người đến. Tiểu thương chúng tôi đang thực sự rất khó khăn” chị Trang – một tiểu thương tại chợ An Đông I nói.

Theo chị này, nhiều khi cả ngày chẳng có một khách ghé thăm. Các tiểu thương người ngồi ngủ, kẻ thức nói chuyện hoặc lướt điện thoại xem phim, nghe nhạc… Thế nhưng, hằng tháng những ki-ốt như của chị vẫn phải đóng khoảng 600.000 đồng các loại phí vệ sinh, bảo vệ… chưa kể mấy triệu đồng tiền mặt bằng, nhân viên, ăn uống và thuế. “Nếu tình hình này kéo dài, chúng tôi sẽ không trụ nổi”, chị Trang nói. 

Một tiểu thương khác tại sạp vải ở chợ An Đông I cũng buồn rầu cho biết chưa bao giờ rơi vào cảnh buôn bán thê thảm như vậy trong 10 năm ở chợ này. Ngoài phần khách ở gần ngại tới chợ, nhiều khách là mối sỉ ở miền Bắc, miền Trung, miền Tây… cũng không liên hệ mua hàng vì ở tỉnh họ bán cũng không có người mua.

“Nếu lúc trước bán được 10 thì mùa dịch chỉ bán chưa tới 1. Có khi ở chợ nguyên ngày, chiều đóng cửa về mà không bán được mét vải nào”, chị buồn bã nói.

Các quầy hàng tại chợ An Đông I vắng bóng khách mua. Ảnh: C. Trang.

Dịch Covid – 19 khiến người dân không dám đến chợ mua hàng vì sợ tập trung đông người. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều ngành ngưng trệ cũng làm ảnh hưởng đến việc mua bán tại chợ này.

Trước tình hình trên, tập thể tiểu thương chợ An Đông I đã làm đơn gửi các cấp lãnh đạo quận 5 xin được giảm 50% thuế hằng tháng 3 – 6 tháng (tính từ tháng 2/2020) cho toàn bộ tiểu thương ở chợ. Hiện tại, các tiểu thương tại chợ An Đông II cũng đang làm đơn xin giảm thuế gửi cơ quan chức năng.

Chủ tịch UBND quận 5 cũng như Chi cục trưởng Chi cục thuế quận này đã gặp các tiểu thương chợ An Đông I và cho biết sẽ báo cáo lên cấp trên để xin ý kiến. 

Không chỉ các tiểu thương gặp khó, nhiều ngành nghề khác như du lịch, ăn uống cũng bị ảnh hưởng nặng nề thời gian qua. Chẳng hạn như một quán nhậu tầm trung trên đường Võ văn Kiệt, TP HCM, bình thường có thể lời 300-400 triệu mỗi tháng, nay họ chỉ mong hòa vốn nhưng cũng khó vì “người có tiền giờ ngại ra đường”. Hay như một số công ty du lịch, doanh thu hiện nay có khi bằng không. 

Báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội mới đây về những ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho biết, 30 tỉnh, thành có 322 doanh nghiệp dừng hoạt động, 553 đơn vị giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh, 30 hợp tác xã và gần 300.000 hộ gia đình phải dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất.

Chưa kể, hơn 1.000 lao động tại 22 tỉnh, thành bị mất việc, trong đó, hơn một phần ba đến từ ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, 10% là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Trao đổi với VnExpress, Phó cục trưởng Cục thuế TP HCM Nguyễn Nam Bình thừa nhận, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ, kinh doanh, ăn uống và những ngành liên quan.

Cục Thuế TP HCM đang lắng nghe và ghi nhận các phản ảnh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19 để tập hợp và báo cáo lên UBND TP, tham mưu chính sách nhằm gỡ khó cho hộ kinh doanh và doanh nghiệp.

Quay lại với trường hợp chị Trang, bản thân chị và nhiều tiểu thương cũng nhận thức được rằng, dịch bệnh là điều hoàn toàn ngoài mong muốn nhưng dịch Covid – 19 đã và đang ảnh hưởng quá lớn đến hoạt động kinh doanh của những tiểu thương như chị.

Trong khi chờ được “gỡ” khó, chị Trang và các tiểu thương không thể đóng cửa, bỏ sạp. Hàng ngày vẫn đến chợ mở quầy, ngồi nhìn nhau cầm cự, chờ đợi khách quay trở lại. 

Thanh Lê

Theo Vnexpress.net

Trả lời