An ninh & pháp luật, Thông tin
Sóng gió bất ngờ quanh dự luật cứu trợ lịch sử trị giá 2.000 tỷ USD, Tổng thống Trump cuối cùng cũng có thể hạ bút ký
Sóng gió bất ngờ quanh dự luật cứu trợ lịch sử trị giá 2.000 tỷ USD, Tổng thống Trump cuối cùng cũng có thể hạ bút ký
Linh Anh |
(Tổ Quốc) – Hạ viện, vốn do người Dân chủ kiểm soát, đã không thể bỏ phiếu bằng giọng nói để thông qua dự luật cứu trợ kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD bởi sự cản phá của một Hạ nghị sĩ Cộng hòa.
Ngày 27/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối cùng cũng có thể đặt bút ký thành luật gói hỗ trợ 2.000 tỷ USD để giúp nền kinh tế nước này giảm bớt những thiệt hại khi đại dịch Covid-19 quét qua. Được Thượng viện Mỹ thông qua từ vài ngày trước, Hạ viện do người Dân chủ kiểm soát vốn được coi là rào cản cuối cùng. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Hạ viện Mỹ đã phải bất chấp nguy hiểm, tức tốc quay trở lại Washington để thông qua dự luật này khi một Hạ nghị sĩ Cộng hòa muốn trì hoãn nó.
Trong cuộc bỏ phiếu bằng giọng nói mà Hạ viện Mỹ muốn tiến hành, các Hạ nghị sĩ Mỹ phải gào lên để trả lời cho việc đồng ý hay không đồng ý thông qua dự luật. Trong khi đó, Hạ nghị sĩ Cộng hòa Thomas Massie của bang Kentucky đã cố gắng buộc tất cả mọi người đồng ý hoặc từ chối với các biện pháp kích thích này. Điều này đã khiến nỗ lực bỏ phiếu bị trì hoãn trong nhiều giờ.
Cuối cùng, các Hạ nghị sĩ chủ chốt phải trở lại Washington trên những chiếc xe hơi hoặc máy bay gần như trống rỗng để ngăn chặn nỗ lực của ông Massie. Một số người còn chỉ trích rằng Hạ nghị sĩ này đã bất chấp sự an toàn của họ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang lây lan trên khắp nước Mỹ, khiến quốc gia này vượt Trung Quốc để trở thành ổ dịch lớn nhất thế giới. Về phần mình, ông Trump nói rằng vị Hạ nghị sĩ này nên bị khai trừ khỏi đảng Cộng hòa.
Kế hoạch kích thích lịch sử của Mỹ bao gồm các khoản thanh toán 1 lần cho các cá nhân với số tiền 1.200 USD, tăng cường bảo hiểm thất nghiệp, tài trợ cho chăm sóc sức khỏe hay các khoản vay để doanh nghiệp ngăn chặn việc sa thải hàng loạt. Nó đã được Thượng viện Mỹ thông qua tối 25/3. Bản thân Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng mô tả dự luật là sự giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của đại dịch và dự đoán Quốc hội Mỹ sẽ thảo luận thêm về các kế hoạch hỗ trợ chống dịch khác.
Tuy nhiên, hôm 27/3, các nhà lãnh đạo Hạ viện đã phải tập hợp đa số các thành viên nhằm ngăn chặn yêu sách của ông Massie. Các hạ nghị sĩ phải ngồi trong phòng với khoảng cách an toàn để bỏ phiếu. Điều này khiến việc bỏ phiếu bị kéo dài nhiều giờ.
Khi thực hiện yêu cầu của mình, ông Massie, người theo chủ nghĩa tự do, nói rằng ông ấy muốn chắc chắn rằng “nền cộng hòa của chúng ta sẽ không bị chết bởi sự nhất trí trong một căn phòng trống”. Khi có đủ số người cần thiết tại Hạ viện, vị Hạ nghị sĩ này thông qua luật bằng cách bỏ phiếu bằng giọng nói.
Trước đó, Massie nói rằng ông sẽ phản đối dự luật vì ảnh hưởng của nó với nợ công của Mỹ. Điều này đã được công khai trong cuộc phỏng vấn hôm 26/3 trên đài phát thanh Kentucky. “Đó không phải là một thỏa thuận tốt”, ông Massie viết trên Twitter sáng cùng ngày.
Sau khi được Hạ viện Mỹ thông qua, dự luật đã ngay lập tức được Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt bút ký. Trước sự chứng kiến của các cố vấn kinh tế và quan chức trong chính quyền cùng các lãnh đạo đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ, ông Trump đã chính thức ký thành luật gói kích thích kinh tế lớn chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ.
“Tôi đã ký thành luật gói kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Việc này sẽ mang đến những cứu trợ cấp thiết cho nước Mỹ, các gia đình, các công nhân và doanh nghiệp của chúng ta. Đó là tất cả những gì trong đạo luật này”, ông Trump cho biết.
Hiện tại, vẫn chưa thể xác định số tiền này sẽ được giải ngân như thế nào để tăng trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên, Nhà Trắng và các lãnh đạo Quốc hội nói rằng một số cá nhân sẽ nhận được khoản thanh toán trực tiếp lên tới 1.200 USD trong vòng 3 tuần.
Tổng thống Trump đặt bút ký thành luật gói cứu trợ lịch sử chỉ một ngày sau khi các dữ liệu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tăng vọt lên mức kỷ lục 3,3 triệu trong tuần trước. Việc các doanh nghiệp Mỹ bị buộc phải đóng cửa trong bối cảnh tình hình dịch bệnh lây lan là nguyên nhân của kết quả này.
Trong khi đó, các bệnh viện, đặc biệt là ở New York, cũng đang ngóng chờ những nguồn lực mới trong bối cảnh họ bị quá tải vì số ca nhiễm bệnh tăng vọt. Mỹ hiện có hơn 100.000 người nhiễm Covid-19, biến nền kinh tế số 1 thế giới trở thành ổ dịch corona lớn nhất hành tinh. Trung Quốc, nơi bùng phát dịch bệnh, đã bị cả Italy và Mỹ vượt qua về số ca nhiễm bệnh. Riêng số người chết vì Covid-19 ở Italy đã gấp đôi số người chết ở Trung Quốc.
Theo ttvn.toquoc.vn