Sản vật thiên nhiên mùa nước nổi

Sản vật thiên nhiên mùa nước nổi

 – Mùa nước nổi ở An Giang không chỉ mang lại phù sa cho những cánh đồng ngập nước, mà còn đem đến cho người dân nơi đây những sản vật thiên nhiên vô cùng phong phú.

Nằm ở vùng đầu nguồn châu thổ ĐBSCL nên mùa nước nổi ở An Giang thường vào khoảng tháng 7 đến tháng 11 (âm lịch) hàng năm. Với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và sông Tiền, sông Hậu chảy qua đã mang các sản vật từ thượng nguồn sông Mekong về An Giang.

Nhắc đến sản vật thiên nhiên mùa nước nổi không thể không nhắc đến con cá linh chỉ xuất hiện mỗi năm một lần. Từ thượng nguồn sông Mekong, trứng cá linh hay cá bột trôi theo dòng nước đổ về, cá vừa di chuyển theo con nước, vừa phát triển nhờ vào nguồn thức ăn có trong nước. Cá linh non xương mềm, cá linh lớn mập mạp, căng tròn, ngọt béo nên được chế biến rất nhiều món ăn độc đáo, hấp dẫn.

Đặc biệt là món canh chua cá linh bông điên điển. Tuy cách chế biến đơn giản nhưng vị ngọt, mềm của thịt cá linh non hòa quyện cùng vị chua của me dầm, thơm của ngò gai, ngọt bùi, giòn giòn của bông điên điển, mặn mặn, cay cay của nước mắm ớt, ngon không thể nào diễn tả. Ngoài ra, còn có các món ngon, như: cá linh kho tiêu, mắm kho cá linh, cá linh kho mía, cá linh nhúng giấm, cá linh nướng, cá linh chiên bột… cũng lôi cuốn, hấp dẫn những ai đã từng ăn thử.

Bông điên điển cũng là một sản vật mùa nước nổi, loài bông này đặc biệt không bao giờ bị nước lũ nhấn chìm do lúc nào nó cũng vươn cao hơn con nước. Cây điên điển thường trổ bông vào mùa nước nổi tràn đồng. Bông điên điển giòn, có vị nhăn nhẵn đắng nhưng khi nuốt xuống lại có hậu ngọt dịu. Bông điên điển có thể chế biến rất nhiều món, như: điên điển làm dưa chua, điên điển xào tép, ăn cùng bún cá, làm rau sống, làm nhân bánh xèo… Trong đó, hấp dẫn nhất là nấu canh chua cùng cá linh khiến ai đã ăn một lần sẽ nhớ mãi không quên.

Mùa nước nổi tràn đồng thường gắn với mùa cà na ra trái. Cà na là loại cây mọc dại, có bộ rễ ăn sâu nên được người dân trồng ở bến sông vừa lấy bóng mát, vừa có tác dụng giữ đất, chống sạt lở. Từ sản vật bình dị, mộc mạc của tự nhiên ban tặng mà người dân đã tận dụng để chế biến thành nhiều món ngon. Trong đó, món cà na sống chấm muối ớt rất thu hút với cái vị chua chua, chát chát đặc trưng của trái cà na hòa quyện vào vị mằn mặn, cay cay của muối ớt. Ngoài việc ăn cà na sống chấm muối ớt thì cà na còn chế biến nhiều món khác, như: cà na đập dập, cà na ngâm chua ngọt, cà na sên đường… Mỗi món có hương vị riêng và trở thành đặc sản không thể thiếu vào mùa nước nổi ở An Giang.

Không chỉ có bông điên điển và trái cà na, mà bông súng cũng được coi là món quà thiên nhiên khi mùa nước nổi dâng cao. Bông súng giòn xốp, mọng nước, khi ăn có vị ngọt nhẹ. Bông súng sau khi tước bỏ lớp vỏ ngoài, cắt thành từng cọng nhỏ thường được dùng như một loại rau ăn sống. Bông súng là một trong những sản vật mùa nước nổi ở An Giang, là nguyên liệu đặc biệt cho các món ăn đặc sản: xào, trộn gỏi, nấu canh chua, ăn kèm lẩu mắm…

Đến mùa nước nổi, khắp nơi đều ngập nước, rắn tập trung trú ẩn tại những nơi gò đất, cây cao để kiếm ăn và sinh sôi nẩy nở nên rất dễ tìm. Các loại rắn phần lớn là không độc cũng không thuộc loài quý hiếm, như: rắn nước, rắn ri cá, rắn ri voi, rắn bông súng, rắn trun… Tùy từng loại rắn mà người ta chế biến theo cách riêng, như: chiên giòn, nấu cháo đậu xanh, xào xả ớt, nướng lèo, hầm sả, làm gỏi, nấu lẩu, làm khô… Rắn được xem là một trong những sản vật độc đáo trong mùa nước nổi của người dân miền sông nước.

Ngoài ra, mùa nước nổi, cá rô lên đồng để kiếm những bông lúa rụng nên lớn rất nhanh. Cá rô thịt chắc có vị ngọt thanh, chút beo béo đặc trưng nên có thể chế biến thành nhiều món ngon. Tiêu biểu nhất là cá rô kho tiêu, nướng, chiên xù, kho mắm, nấu canh chua, kho bầu… Những món ăn này tuy được chế biến đơn giản nhưng mang hương vị đậm đà khó quên.

Tép đồng không lớn và nhiều thịt như tôm nhưng được xem như một trong những sản vật thiên nhiên độc đáo khi mùa nước nổi về. Tép đồng có vị ngọt, giòn, thơm nên được chế biến nhiều món ngon: làm nhân bánh xèo, nấu canh, tép đồng xào khế, tép đồng xào bông điên điển, tép đồng xào đọt choại, tép chiên bột, tép ram, trộn gỏi…

Mùa nước nổi cũng là mùa cua sinh sôi nhiều trên đồng ruộng, kênh, rạch. Đây là một trong những sản vật thiên nhiên không thể thiếu. Thịt cua đồng ngọt thanh và dai thơm thường dùng để nấu canh, lẩu, nấu súp, phổ biến nhất là canh riêu cua, bún riêu cua, cháo riêu cua… Ngoài ra, cua đồng còn được chế biến thành nhiều món ngon hấp dẫn, như: rang me, rang muối, nướng, luộc, cua non tẩm ướp chiên giòn… thơm ngon, lạ miệng.

Giống như cua đồng, mùa nước nổi cũng là thời điểm các loài ốc phát triển nhiều. Lúc này, con ốc mập ú, no tròn, béo ngậy. Thịt ốc có hương vị rất thơm ngon, thịt mềm dai, vị ngọt. Ốc bắt về ngâm với nước sạch hoặc nước vo gạo để qua đêm cho ốc nhả hết sình bùn là có thể đem đi chế biến thành rất nhiều món ăn hấp dẫn, như: ốc nhồi thịt, ốc xào sả ớt, ốc rang me, ốc luộc sả, ốc nướng tiêu… được rất nhiều người ưa chuộng và là một trong những món ăn đặc sản không thể thiếu vào mùa nước nổi.

Ngoài ra, còn có rất nhiều sản vật thiên nhiên mùa nước nổi không thể kể hết được, như: cá lóc, lươn, ếch, cá chạch, cá chốt, rắn mối, tôm sông, cá sặc… Nếu có dịp về An Giang, bạn hãy thử một lần thưởng thức những sản vật thiên nhiên dân dã này để hiểu rõ hơn nét văn hóa ẩm thực mùa nước nổi độc đáo của vùng đất và con người nơi đây.

TRỌNG TÍN

Nguồn: https://tintucmientay.baoangiang.com.vn/san-vat-thien-nhien-mua-nuoc-noi-a314613.html