Công nghệ, Khoa học & đời sống, Thông tin
Nuôi gà Đông Tảo
Nuôi gà Đông Tảo
Gà Đông Tảo hay gà Đông Cảo là một giống gà đặc hữu và quý hiếm của Việt Nam. Đặc điểm nổi bật của loại gà này là cặp chân xấu xí, đôi chân to và thô, khi trưởng thành có thể nặng trên 4,5kg (gà trống) và trên 3,5 kg (gà mái). Đây là loài gà nuôi cổ truyền của xã Đông Tảo thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, người dân trước đây thường dùng để cúng tế- hội hè, hay tiến Vua. Gà Đông Tảo thuộc danh sách các giống gia cầm quí hiếm của Việt Nam hiện đang được bảo tồn nguồn gen.
“Tận Cà Mau mà có người điện ra cho tôi yêu cầu cung cấp thông tin và nơi bán giống gà Đông Tảo. Trong này đã có người nuôi và bán rất đắt, nhưng ông hỏi mua giống thì người ta từ chối. Tôi lên Cao Bằng, cũng có người hỏi thăm tôi về giống gà này… Té ra, gà Đông Tảo bây giờ lại lên ngôi. Dân có tiền lại quay sang ăn gà Đông Tảo. Thôi thì họ thích thứ gì, bà con mình chiều thứ ấy. Thời đại kinh tế thị trường mà!” Ông Năm Hoàng một chủ trại gà ở xã Đông Tảo cho biết.
Cặp chân khủng của gà Đông Tảo
Gà Đông Tảo rất dễ nhận. Nó có một đôi chân rất to, to gấp nhiều lần các loại gà khác. Trông rất thô và đi lại cũng khệnh khạng. Đây là giống gà được dân xã Đông Tảo (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) nuôi từ thời xa xưa. Bà con đã nuôi qua nhiều đời và cũng rất tự hào về nó.
Nhiều tỉnh ở đồng bằng Bắc Bộ cũng đã đưa gà Đông Tảo về nuôi. Gần đây, một số gia đình ở miền Trung và miền Nam cũng ra tận Hưng Yên để đưa giống gà Đông Tảo về nuôi thử. Tết vừa qua, giá gà Đông Tảo lên vùn vụt. Họ đồn rằng, đưa gà Đông Tảo lên bàn thờ để cúng thì làm ăn sẽ phát đạt. Thế là nhiều người đổ xô đi tìm gà Đông Tảo. Giá mà thứ gì mà bà con mình làm ra mà dân thành phố cũng đồn như vậy thì hay quá!
Trại chăn nuôi gà Đông Tảo
Thực ra, gà Đông Tảo cũng rất đáng nuôi. Nó là loại gà có cơ thể lớn, lúc trưởng thành, con trống nặng 4,5kg và con mái nặng 3,5kg. Gà nuôi sau 160 ngày thì bắt đầu đẻ. Nó đẻ khoảng 70-80 trứng/năm. Trứng của nó cũng khoảng 48-55g/quả. Gà có thể tự ấp hoặc ta cho ấp máy.
Gà con nở ra khoảng 38 – 40g/con. Bọn này mọc lông chậm hơn các loại gà khác. Gà con có lông màu trắng đục. Khi trưởng thành, con mái có màu lông vàng nhạt hoặc nâu nhạt. Còn con trống trông oai vệ hơn, nó có màu lông mận chín pha đen. Ở đỉnh đuôi và cánh có màu lông đen nhưng ánh xanh. Chúng có mào kép kiểu “nụ hoa hồng” hay “bèo dâu”. Gà Đông Tảo trông bệ vệ, thân hình to, ngực sâu, lườn rộng và dài, xương to. Nó đi lại chậm chạp và nặng nề. Tuy nhiên, nó cũng là giống dễ nuôi, dễ sống và thích ứng được với điều kiện tự nhiên của chúng ta. Thực tế cho thấy, nhiều vùng đã nuôi gà Đông Tảo và đều cho kết quả tốt.
Chúng ta đã có một giống gà bản địa có chất lượng rất tốt. Tuy nhiên, đa phần chúng được nuôi thả, tốc độ lớn chậm. Vì vậy, khi những giống gà công nghiệp tràn vào, gà ta thường thất thế. Thời khó khăn, người ta cần số lượng hơn là chất lượng. Đặc biệt, trong những năm chiến tranh triền miên, điều kiện rất khó khăn, thị trường càng đòi hỏi giống gà lớn nhanh, thịt nhiều. Nhưng rồi, chiến tranh đã qua đi. Cuộc sống của nhân dân cứ ngày một khá hơn.
Chuẩn bị chế biến món
Thị hiếu của các bà nội trợ lại hoài tưởng về những món ngon xa xưa. Hàng loạt loại cây trồng và vật nuôi truyền thống được khôi phục lại. Gà Đông Tảo nằm trong số đó. Tất nhiên, với kiến thức khoa học ngày nay, chúng ta sẽ nuôi chúng theo các phương pháp tốt hơn. Có nghĩa là, phải chọn đúng giống, giống tốt, giống phải được tiêm chủng đầy đủ. Chế độ dinh dưỡng cho chúng phải được đảm bảo, chuồng trại sạch sẽ, mát mẻ, sân chơi rộng rãi… Biết đâu, nuôi gà Đông Tảo lại mau giàu!
Theo Du lịch