Công nghệ, Khoa học & đời sống, Thông tin
Mặt đường nứt toác dưới nắng nóng ở Mỹ
Hiện tượng “vòm nhiệt” gây nắng nóng kéo dài dọc khu vực tây bắc Thái Bình Dương, gây nứt mặt đường và chảy dây cáp điện tại một số nơi.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội, một cư dân ở Dayton, Oregon chia sẻ ảnh chụp con đường gần nhà nứt vỡ khiến nhà cửa rung chuyển. Tại bang Washington gần đó, cảnh sát tuần tra hôm 27/6 báo cáo mặt đường xuất hiện nhiều vết nứt gây nguy hiểm cho lái xe, vì vậy họ phải phong tỏa một số con đường.
Đường nhựa thường bị hư hỏng dưới nắng nóng cực hạn do quá trình “giãn nở nhiệt”. Hiện tượng này xảy ra khi hơi ẩm ngấm vào mặt đường ở vết rạn hoặc chỗ nối, làm yếu lề đường, dẫn tới con đường oằn xuống và méo mó dưới nhiệt độ cao, theo AccuWeather.
Tại In Portland, Oregon, dịch vụ xe điện bị tạm ngừng 3 ngày sau khi nhiệt độ tăng cao làm chảy đường dây điện và khiến dây đường dây trên cao biến dạng. “Cơ sở hạ tầng của chúng tôi được xây dựng cho khoảng nhiệt độ thông thường”, phát ngôn viên Andrew Plambeck của Hệ thống xe điện Portland, cho biết. “Đợt nắng nóng này vượt xa mức thông thường trong tháng 6 ở Portland”.
Khu vực tây bắc Thái Bình Dương từ California, Mỹ tới British Columbia, Canada, đang trải qua đợt nắng nóng cường độ mạnh hiếm gặp, phá vỡ nhiều kỷ lục nhiệt độ. Nắng nóng bắt đầu từ hôm 18/6 và có thể kéo dài hết tuần này. Cơ quan Khí tượng Quốc gia (NWS) cảnh báo các thành phố như Portland và Seattle sẽ ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục trong những ngày tới.
Hôm 26/6, Portland đã phá vỡ kỷ lục nhiệt độ cao nhất mọi thời đại, cán mốc 42,2 độ C và các chuyên gia dự đoán con số có thể gia tăng vào tuần này. Tại Seattle, nhiệt độ dự kiến có thể đạt mức 42,2 độ C hôm 1/7. Thành phố mới chỉ vượt mốc 38,9 độ C 3 lần trong lịch sử. Trong khi đó, Canada cũng sẽ ghi nhận ngưỡng nhiệt độ cao nhất mọi thời đại trong tuần đầu tháng 7.
Hiện tượng “vòm nhiệt” kéo dài là kết quả từ khối khí giữ lại hơi nóng gần mặt đất và biến đổi khí hậu do con người gây ra. “Từ bằng chứng trên khắp thế giới, chúng tôi biết biến đổi khí hậu đang làm tăng tần suất, cường độ và thời gian của sóng nhiệt”, Kristie Ebi, giáo sư chuyên nghiên cứu ảnh hưởng của sự ấm lên toàn cầu đối với sức khỏe cộng đồng tại Đại học Washington, cho biết. “Chúng ta sẽ cần phải làm quen với xu hướng này”.
An Khang (Theo Newsweek)
Nguồn: https://vnexpress.net/mat-duong-nut-toac-duoi-nang-nong-o-my-4302519.html |