Ẩm thực bốn phương, Du lịch, Thông tin
Khám phá thiên đường ẩm thực tại vùng đảo ngọc Phú Quốc
Khám phá thiên đường ẩm thực tại vùng đảo ngọc Phú Quốc
Đến đảo ngọc Phú Quốc, ngoài tắm biển, ngắm san hô, du khách còn được thưởng thức đặc sản địa phương, đặc biệt là những món ngon được chế biến từ nguồn hải sản phong phú của biển.
Ghẹ Hàm Ninh.
Được mệnh danh là đảo ngọc trên vùng biển phía Tây Nam của Tổ quốc, Phú Quốc được thiên nhiên ưu đãi có núi, sông, suối, rừng, biển cả.
Đến Phú Quốc, ngoài việc tắm biển, lặn ngắm những rạn san hô tuyệt đẹp, trải nghiệm những hoạt động thể thao, giải trí đặc sắc tại các khu vui chơi phức hợp đẳng cấp…, du khách còn được thưởng thức đặc sản địa phương, đặc biệt là những món ngon được chế biến từ nguồn hải sản phong phú của biển.
Để tận hưởng trọn vẹn hương vị biển Phú Quốc, có 3 món hải sản du khách nhất định không thể bỏ qua đó là ghẹ Hàm Ninh, gỏi cá trích và nhum biển.
Ghẹ Hàm Ninh
Tọa lạc ở phía đông của Phú Quốc, làng chài Hàm Ninh được biết đến là ngôi làng cổ mang vẻ đẹp hoang sơ, yên bình. Nơi đây còn được biết đến là nơi có nguồn hải sản phong phú, dồi dào, đặc biệt là món ghẹ tươi ngon hấp dẫn.
Dày mình, thịt ngọt và chắc, ghẹ Hàm Ninh không cần quá to nhưng luôn tươi bởi được đánh bắt trong ngày. Món ăn này chỉ cần chế biến đơn giản như hấp, luộc chấm muối tiêu chanh, thả cùng nồi lẩu chua cay ăn kèm với rau xanh, hoặc làm thành các món ăn thơm ngon như cháo ghẹ. Nhưng ngon nhất có lẽ là món ghẹ hấp chấm cùng muối tiêu chanh, đơn giản nhưng giữ được hương vị thơm ngọt tự nhiên của thịt ghẹ.
Gỏi cá trích
Cùng với ghẹ Hàm Ninh, món ăn không thể thiếu trong mỗi bữa tiệc hải sản tại Phú Quốc là gỏi cá trích.
Sự kết hợp hài hòa giữa thịt cá tươi còn nguyên hương vị tự nhiên với các loại rau củ như hành tây, dừa… tạo nên một món ăn mang đậm bản sắc vùng biển.
Người dân Phú Quốc cầu kỳ chọn cá tươi, để phần thịt thơm, béo ngọt, ít tanh. Sau đó, cá được đánh sạch vảy, bỏ ruột, đầu, vây, đuôi. Người nấu dùng dao mỏng lóc bỏ xương, lấy phần thịt hai bên.
Thịt cá được làm chín tái bằng nước cốt chanh tươi, trộn cùng dừa tươi nạo thơm bùi, hành tím thái sợi, hành tây để dậy lên mùi thơm đặc trưng.
Gỏi cá trích được cuốn bằng bánh tráng, rau sống, chấm cùng nước mắm mặn đặc trưng và trọn vị nhất khi được thưởng thức cùng rượu sim Phú Quốc.
Nhum Phú Quốc
Một đặc sản miền biển khác không thể bỏ lỡ là nhum biển, hay còn gọi là cầu gai, món hải sản được tìm kiếm nhiều nhất trong các khu chợ ẩm thực của Phú Quốc. Nhum biển được ví như nhân sâm của biển cả bởi những tác dụng bổ dưỡng dành cho sức khỏe. Nhum biển có thể bổ đôi để nướng mỡ hành thơm nức, tái chanh với vị ngọt béo hay nấu cháo.
Nhum sau khi được “dọn” hết gai chỉ còn lại quả cầu tròn sần sùi to cỡ quả banh tennis. Dùng dao chẻ đôi, bỏ hết bộ lòng choáng gần hết bên trong sẽ thấy lớp thịt màu vàng đục bám dọc bên thành “quả cầu”, đó là phần quý của con nhum.
Dân Phú Quốc có ba cách chế biến nhum. Cầu kỳ nhất là cạo hết lớp thịt bên trong, xào sơ với mỡ tỏi và cho vào nồi cháo đang sôi. Cháo nhum với vị béo, bùi và đặc biệt có mùi thơm ngai ngái rất đặc trưng, được xem là thức ăn bổ dưỡng, giúp nhanh lấy lại sức sau những chuyến đi biển, những khi đi đường xa mệt nhọc.
Thế nhưng, cách ăn nhum phổ biến nhất ở Phú Quốc là cắt đôi con nhum, nướng quanh lửa hồng. Trên bếp hồng, nhum nướng nhanh chóng tỏa mùi. Chỉ cần nướng sơ, dùng muỗng nạo phần thịt chấm muối tiêu chanh… là sẽ thưởng thức được thịt nhum thơm, béo.
Hồ tiêu Phú Quốc
Ngoài những đặc sản của biển, nếu là người đam mê khám phá và tìm hiểu những nét đẹp bình dị, du khách đến với Phú Quốc chắc hẳn không còn xa lạ với đặc sản hồ tiêu và hình ảnh những hàng tiêu xanh ngắt chạy dài.
Hồ tiêu Phú Quốc nổi tiếng vì vỏ mẩy, hạt chắc, có vị thơm, cay nồng và đặc biệt là đậm vị hơn nhiều loại hồ tiêu đến từ những vùng miền khác. Người dân Phú Quốc bảo tồn nghề trồng tiêu không những vì mục đích kinh tế mà còn có giá trị lớn về văn hóa, du lịch.
Tiêu đã trở thành đặc sản địa phương và là món quà độc đáo với khách du lịch gần xa. Các vườn tiêu luôn được đưa vào danh mục điểm đến trong các tour du lịch Phú Quốc.
Nước mắm Phú Quốc
Bên cạnh hồ tiêu, nước mắm Phú Quốc không chỉ là món ăn mà còn được xem là biểu tượng văn hóa của người dân Phú Quốc, là một trong những sản phẩm chính tạo nên sức hút của thành phố đảo.
Nhà thùng nước mắm Phú Quốc tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: Vietnam+)
Không chỉ du khách Việt Nam mà ngay cả du khách nước ngoài cũng bị hấp dẫn bởi nước mắm Phú Quốc. Sau mỗi chuyến tham quan xưởng làm nước mắm trên đảo Phú Quốc, không có du khách nào là không mua mắm Phú Quốc mang về làm quà.
Đặc biệt, nghề làm nước mắm ở Phú Quốc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 5 năm 2021.
Rượu sim
Một đặc sản nổi tiếng khác nên mua làm quà khi du lịch Phú Quốc là rượu sim.
Rượu được làm từ những trái sim chín mọng lên men nên có hương vị rất đặc biệt, hơi chát ở đầu lưỡi nhưng lại ngọt thanh ở cuống họng.
Rượu sim Phú Quốc xứng đáng với hương vị đặc biệt thơm ngon không kém gì các loại rượu tuyệt hảo khác. Không chỉ là một trong những “tuyệt tửu” của Việt Nam, rượu sim còn có tác dụng kích thích tiêu hóa, và chữa một số bệnh như: xương khớp ở người già, sỏi mật, sỏi thận.
Bún quậy Phú Quốc
Bún quậy Phú Quốc có ở đảo ngọc từ lâu và có tiếng, nhưng thực chất món ăn có nguồn gốc từ tỉnh Bình Định, biến tấu từ món bún tôm, do ngư dân ở Bình Định mang vào Phú Quốc.
Ăn bún quậy không chỉ là nếm thử hương vị món ăn, mà bạn còn đang tận hưởng và thưởng thức cả cuộc sống giản dị, phóng khoáng của người dân địa phương trong từng bát bún.
Với sợi bún được làm từ gạo tươi, ăn kèm các loại “topping” đến từ biển như mực tươi, chả cá, chả tôm cho đến thịt bò làm ngọt nước, du khách chắc hẳn sẽ nhớ mãi món bún đặc biệt này khi được tự tay tạo nên hương vị nước chấm “thần thánh” cho bát bún của mình.
Bí quyết riêng của người dân Phú Quốc khi thưởng thức bún quậy chính là một ly nước mía tắc mát lạnh để cân bằng cùng vị cay ấm đặc trưng.
Nấm tràm
Khi đã đặt chân lên Phú Quốc, du khách đừng nên bỏ lỡ cơ hội thưởng thức món nấm tràm, loại nấm đặc sản riêng của đảo ngọc.
Vào những cơn mưa đầu năm (khoảng tháng 3, tháng 4 âm lịch), những cây nấm tranh nhau đội lớp thảm mục của lá tràm để vươn lên. Nấm tràm có màu tím, vòng đời phát triển của loại nấm này rất ngắn chỉ trong vòng khoảng 1 tháng nên chúng ít có mặt trên thị trường như những loại nấm khác.
Người dân trên đảo đã kết hợp một cách hài hòa giữa nấm tràm với hải sản tươi trên đảo như mực, tôm, hào bao… tạo ra món canh nấm tràm tuyệt hảo, mùi vị thơm ngon, hấp dẫn vừa là món ăn bổ dưỡng. Thưởng thức món canh nấm tràm du khách sẽ cảm nhận được vị ngọt của nấm, thơm nồng của tiêu và đậm đà hơn khi dùng chung với nước mắm cá cơm Phú Quốc.
Theo Vietnamplus
Theo Báo An Giang