Ẩm thực bốn phương, Du lịch, Thông tin
Hương vị của ký ức
– Tôi không nhớ chính xác mình thích hương vị bình bát từ lúc nào. Nhưng thích đến mức hễ thấy ai bán bình bát, dù đã chạy xe qua, tôi vẫn quay trở lại hỏi mua. Thích đến mức người nhà đều cười chọc quê tôi là “cái thứ ghiền bình bát”. Cũng ngộ lắm, tôi không phải người quê thứ thiệt, không hề có ký ức gì sâu đậm liên quan đến loại trái cây dân dã này, vậy mà cứ quyến luyến chúng đến tận bây giờ!
Có lẽ vì nhà nghèo, đâu có tiền mua trái này thức nọ để ăn, đám trẻ chúng tôi chỉ có thể hái bình bát mọc ê hề bên con kênh, rạch làm quà vặt cho mình. Bình bát thuộc họ nhà na, từng lớp hạt xếp chồng lên nhau đẹp mắt. Trái chín chuyển từ màu xanh sang màu vàng ươm, chẳng nức mũi, mà thơm một cách thoang thoảng dễ chịu. Trái nhỏ, lọt thỏm trong lòng bàn tay, giấu mình sau phiến lá, bình dị đến mức khó nhận ra. Nhìn hoài quen mắt, ít ai bẻ chúng về ăn, bình bát cứ lặng lẽ sinh tồn như thế.
Đó là chuyện của nhiều năm về trước. Còn giờ đây, bình bát vắng bóng dần, muốn ăn cũng phải nhọc lòng đi tìm. Bà Năm (ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) sở hữu mấy cây bình bát mọc dại ven con rạch. Tới mùa mưa ầm ào đổ về, bình bát bắt đầu cho trái một cách kiên nhẫn, thật lâu sau mới dứt đợt.
Nhiều năm trôi qua, con rạch đặc kẹo đất bùn, quyện chặt với rễ cây. Người khác phá bỏ để thoáng mát, bà lại quyết giữ cây. Trái chín, bà đem bày bán trên mâm, trước cửa nhà, giá chỉ 10.000 đồng/kg. Bẻ được bao nhiêu, khách đi ngang mua hết trọi. Có khách chưa từng ăn, bà chịu khó hướng dẫn. Bình bát chẳng đem lại giàu có gì cho bà, nhưng vẫn xem như có “đồng ra, đồng vô” đi chợ. Thế nên, bà có chút quyến luyến chúng, giống như tôi quyến luyến hương vị bình bát, bỏ sao đành!
Vỏ bình bát mỏng, rất dễ dập, nên mỗi lần vận chuyển chúng phải cực kỳ cẩn thận, nâng niu, thậm chí ôm khư khư trong mình. Mỗi lần mua được, mừng gần chết, nhưng để dập một chút thôi là qua ngày hôm sau chúng hư sạch. Nếu để ngăn mát tủ lạnh thì được nhiều ngày hơn, dư giả thời gian thưởng thức chúng. Gọt vỏ, chấm muối ớt, bình bát sẽ có hương vị chua chua ngọt ngọt.
Còn nếu dầm chúng ra, bỏ vào một hai muỗng đường (có người còn bỏ thêm sữa cho béo) và dằn chút xíu muối bọt, trộn lên, thêm nước đá vào, bình bát lại có mùi vị ngọt ngào, hương thơm tràn lên cả đầu lưỡi. Người ta làm biếng ăn bình bát không phải vì chê chúng mọc hoang, mà vì… mỏi miệng lừa hạt. Thế nhưng, buổi trưa nắng hanh hao, có ly bình bát dầm thơm ngon bên cạnh, thì chút hạt ấy có trở ngại gì!
Cây bình bát mọc dại ven kênh rạch
Cứ tưởng mình cô độc với sở thích lạ, ai dè tôi bất ngờ nhận được bọc bình bát to từ một người bạn- chị Dương Mỹ Liên (32 tuổi, ngụ phường Bình Khánh) – khi mùa bình bát chưa tới. Nói thiệt, món quà ấy khiến tôi vui hơn cả khi được nhận quà đắt tiền. Hỏi mới biết, thì ra loại trái cây ấy cũng là món khoái khẩu của chị. Khác với tôi, chị có nhiều kỷ niệm sâu sắc với chúng lắm.
“Tôi biết trái bình bát từ lúc còn nhỏ xíu, khi theo ông bà về quê ở Cái Chiêng cúng chùa ngày rằm. Có người họ hàng bẻ trên cây cho đem về. Cái mùi hơi hôi hôi khiến tôi không thích chúng lắm. Đến lúc mẹ dầm đá đường cho ăn, tôi bỗng ghiền vị thơm mát này. Tận bây giờ, mặc dù có rất nhiều loại trái cây ngon lạ, nhưng tôi vẫn thích bình bát, thích luôn cái vụ nhả hạt muốn mỏi miệng. Nó khiến tôi nhớ lại tuổi thơ vô tư, vùng quê yên tĩnh, nhớ về ông, bà đã mất… Có lần, tôi xém chết vì trái bình bát. Hai chị em tôi mới 9, 10 tuổi, không biết bơi, vậy mà ham chèo xuồng qua bên vườn của người họ hàng để hái.
Hai đứa gan lắm, tự chèo qua khi không có người lớn đi theo, lại không biết cách chèo. Xuồng cứ quay vòng, mấy chiếc ghe lớn chạy ngang làm sóng mạnh, chút xíu nữa cả 2 rớt xuống nước. Cũng may, cuối cùng “bò” qua được bờ bên kia, vừa mừng, vừa sợ. Tới lúc thấy cây bình bát trĩu quả là chúng tôi quên hết mọi thứ, leo cây bẻ về một bọc to” – chị nhớ lại.
Giờ tôi và chị Liên đều lớn rồi. Lâu lâu mới gặp bình bát bán ngoài chợ, trên xe đẩy, trước nhà dân… Bình bát được chất một khúm nhỏ, lạc lõng giữa nhiều hàng hóa giá trị khác và ánh mắt ơ hờ của người đi ngang. Nhưng đối với chúng tôi, chúng đặc biệt lắm, mang theo “cả một trời thương nhớ”.
Chị Liên còn kể, nghe một nhà thuốc nam bảo bình bát rất tốt cho tim mạch, chồng chị ráng đi “săn” chúng về cho chị ăn trong quá trình mang thai. Vậy là ký ức của chị và trái bình bát càng gắn bó sâu hơn nữa…
Cái gì hiếm thì quý. Bình bát hiếm dần, nên giá được đẩy lên cao. Hồi trước, cho không hổng ai lấy. Sau này, người quê đem bình bát ra chợ, bán với giá tượng trưng vài ngàn đồng/trái. Rồi nay, nhiều người bạn bán hàng online của tôi rao bán chúng với giá từ 25.000 đến 55.000 đồng/kg, trái được chất cẩn thận trong thùng, có bao xốp đàng hoàng, đi khắp nơi, thậm chí ra khỏi miền Tây, y như đặc sản mắc tiền. Nhưng dẫu có thay đổi gì đi nữa, bình bát vẫn mang hương vị dân dã riêng có, đánh thức những ký ức miền quê trong mỗi con người. Mà ký ức ấy cũng bình dị, ngọt ngào, lặng lẽ thấm vào tim như vị bình bát vậy…
Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG
Theo Tin tức miền Tây