Ẩm thực bốn phương, Du lịch, Thông tin
Giá thịt lợn tăng cao, dân Thái Lan chuyển sang ăn thịt cá sấu
Giá thịt lợn tăng cao, dân Thái Lan chuyển sang ăn thịt cá sấu
(VTC News) – Các trang trại cá sấu ở Thái Lan có thể phải mở rộng quy mô trước nhu cầu tăng cao liên quan đến loại thịt giàu protein này.
Từ khi thịt lợn tăng giá lên 200 baht (khoảng 137.000 đồng) một kilogram, điện thoại của Wichai Rungtaweechai – chuyên thịt cá sấu – không ngừng reo với các đơn đặt hàng. Ở Thái Lan, có vẻ như cá sấu đang trở thành lựa chọn thay thế hấp dẫn cho thịt lợn, khi rẻ hơn và giàu protein hơn.
Một kilogram thịt cá sấu, so với thịt lợn, chỉ có giá bằng khoảng một phần ba. Trong khi đó tình hình dịch cúm lợn châu Phi ngày càng khiến các khách hàng lo ngại.
Nhu cầu tăng bất ngờ
Trang trại nuôi cá sấu của Wichai nằm ở Nakhon Pathom, cách thủ đô Bangkok của Thái Lan khoảng 1 giờ lái xe. Hiện ông có khoảng 10.000 con cá sấu.
“Ban đầu tôi không biết phải xử lý nhu cầu lớn như thế nào. Các nhà hàng và những người buôn thịt muốn có số lượng lớn… còn khách hàng khác muốn thử mang thịt cá sấu về nhà tự nấu”, ông nói.
Theo Wichai, các trang trại thịt lợn ở Thái Lan đang gặp khủng hoảng. Cơ quan chức năng tuần trước xác nhận dịch tả lợn châu Phi đã xâm nhập vào nước này. Dịch bệnh này đã làm chết hàng triệu con lợn ở châu Âu và châu Á trong vài năm qua, gây thiếu thịt lợn và đẩy giá tăng cao.
Ở Thái Lan, họ đã phải tiêu hủy hàng trăm nghìn con lợn để kiểm soát dịch bệnh. Trong khi đó Đài Loan (Trung Quốc), và Campuchia cấm nhập khẩu lợn từ Thái.
Dịch bệnh khiến nguồn cung cấp loại thịt ưa thích của người dân Thái Lan trở nên khan hiếm trước thềm năm mới âm lịch – khi các món truyền thống của nước này đều liên quan đến thịt lợn. Để bình ổn giá, Thái Lan cấm xuất khẩu thịt lợn trong 3 tháng từ ngày 6/1, khiến ngành công nghiệp với khoảng 1 triệu con lợn được bán ra nước ngoài mỗi năm phải tạm ngừng.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha lo ngại trước tình hình giá tăng đầu năm mới. Thái Lan nuôi được khoảng 18 triệu con lợn năm 2021 và trước đó ông Chan-ocha đã khẳng định họ vẫn đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.
“Dịch bệnh vẫn chưa lan truyền ra khắp cả nước – số lợn chết mới chỉ chiếm 20% – vậy tại sao chúng ta vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu hàng này? Có phải có người cố gắng thao túng chuỗi cung ứng?”, ông nói với các phóng viên hôm 17/1.
Canh cá sấu
Thông thường, phần lớn người Thái chỉ nghĩ đến việc ăn thịt cá sấu thôi đã thấy “nôn nao”. Nhưng giờ đây Wichai cho hay ông phải nhờ cả đến những người nuôi cá sấu khác để đáp ứng nhu cầu tăng đột ngột của khách hàng, lên đến cả 500 kg.
Trước đó, doanh nghiệp của Wichai dựa chủ yếu vào xuất khẩu da cá sấu và các chế phẩm máu dùng để tăng cường sức khỏe. Còn hiện tại nhà hàng của ông, vợ ông – Utaiporn đang chế biến những món ăn nổi bật của Thái Lan bằng thịt cá sấu, như pad kaprao và tom sap soup.
Theo Utaiporn, khó nấu thịt cá sấu hơn thịt gà và thịt lợn. “Có cách chế biến đặc biệt và nếu bạn không biết cách làm đúng thì khi ăn có thể hơi tanh”, bà nói. Thịt cá sấu có thể hầm, chiên, hoặc om.
Đối với những người bán cá sấu ở Thái Lan, cơ hội bất ngờ đang giúp bù đắp cho hai năm kinh doanh thua lỗ. Nhiều người trước đó chỉ “sống sót” được bằng cách giảm chi phí và dựa vào việc cá sấu có thể ăn ít trong nhiều tháng.
Thái Lan còn đang đối mặt với vấn đề lạm phát từ các loại hàng hóa cơ bản khác – dầu, trứng, thịt – đều tăng giá kể từ đầu năm, gây áp lực lên người dân trong bối cảnh đại dịch.
Hôm 18/1, nội các Thái Lan đã thông qua khoản hỗ trợ 42 triệu USD để các doanh nghiệp có thể cung cấp hàng hóa giảm giá trong ba tháng tới, nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng. Người phát ngôn của chính phủ Thái Lan, Thanakorn Wangboonkongchana cho biết: “Thủ tướng đã chỉ thị cho các cơ quan liên quan đảm bảo không có thêm thiệt hại nào do chi phí sinh hoạt tăng, đặc biệt là do tích trữ. Ông cũng kêu gọi các doanh nghiệp lớn và nhỏ đóng băng giá hàng hóa”.