Công nghệ, Khoa học & đời sống, Thông tin
Gấu xanh quý hiếm ở Bắc Mỹ
Gấu xanh chỉ tồn tại với số lượng rất nhỏ ở vùng sông băng thuộc Alaska hoặc Canada và đang bị đe dọa bởi hiện tượng ấm lên toàn cầu.
Tania Lewis là một trong những chuyên gia về gấu xanh, nhưng cô mới chỉ nhìn thấy sinh vật bí ẩn này vài lần. Là nhà sinh vật học động vật hoang dã ở Vườn quốc gia và khu bảo tồn Glacier Bay tại Alaska, Lewis nghiên cứu quần thể gấu xanh được cho là phân loài của gấu đen Mỹ.
Trong nghiên cứu mới nhất công bố trên tạp chí Ecology and Evolution, Lewis và cộng sự tìm hiểu lý do tại sao gấu xanh lại có bộ lông khác thường như vậy. Nghiên cứu của họ cũng hé lộ những mối đe dọa với tương lai của chúng khi nhiệt độ tăng do biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhóm nghiên cứu nhận dạng 10 quần thể gấu đen ở trong và xung quanh vườn quốc gia, 4 quần thể trong số đó có những con gấu xanh. Gấu xanh bị ngăn cách với nhau bởi những vịnh nước rộng, các dãy núi có sông băng bao phủ và cánh đồng băng trống trải. Ví dụ, gấu xanh Yakutak sống cách hàng xóm gần nhất là gấu xanh phía tây Glacier Bay 96,6 km.Tuy nhiên, điều khiến Lewis ngạc nhiên nhất là gấu xanh ít sinh sống hoặc di cư qua những khu vực ít gồ ghề nhất trong vùng, như bán đảo Chilkat.
Các nhà khoa học phương Tây lần đầu tiên mô tả gấu xanh vào năm 1895. Một trong những đồng nghiệp cũ của Lewis là người tiên phong ghi chép vị trí sinh sống của loài gấu này trong công viên. Khi làm việc ở Glacier Bay vào năm 1998, Lewis được giao bản đồ ghi chú nơi bắt gặp gấu xanh. Sau khi gặp vài con gấu xanh lục thùng rác ở Juneau, cực phía nam của vườn quốc gia, vào đầu những năm 2000, Lewis và cộng sự quyết định tiến hành nghiên cứu về chúng. Trong vòng 12 năm, họ thu thập hàng trăm mẫu lông và mô gấu đen trên khu vực rộng gần 109.000 km2 ở bên trong và xung quanh công viên. Họ ghi chú màu lông của con gấu và nơi tìm thấy nó. Sau đó, nhóm nghiên cứu phân tích ADN và sử dụng phương pháp thống kê để tìm ra quan hệ giữa những con gấu.
Sự hòa lẫn kém giữa các quần thể gấu xanh có thể là lý do chúng có số lượng rất nhỏ, theo Dave Garshelis, nhà khoa học nghiên cứu động vật hoang dã ở Cơ quan Tài nguyên Thiên nhiên Minnesota. Đồng thời, sự tách biệt với quần thể gấu đen cũng giúp bảo tồn màu lông độc đáo của gấu xanh. Do gene tạo ra màu lông này là gene lặn, việc giao phối chéo với những con gấu đen khác có thể khiến gấu xanh nhanh chóng biến mất.
Giới nghiên cứu vẫn chưa biết chắc tại sao gấu xanh bị hạn chế về khu vực sinh sống hay tại sao gene tạo ra màu lông xanh bạc tồn tại ở những quần thể ở Glacier Bay. Tuy nhiên, việc những con gấu xanh có xu hướng tập trung tại vùng sông băng cho thấy chúng có tỷ lệ sống sót cao hơn ở khu vực có băng bao phủ. Màu lông xanh bạc có thể đóng vai trò như lớp ngụy trang bảo vệ chúng khỏi động vật ăn thịt như gấu nâu, chó sói và con người.
An Khang (Theo National Geographic)
Theo Vnexpress.net