Dịch châu chấu lan tới Nam Sudan

Dịch châu chấu lan tới Nam Sudan

Đông Phi – Những con châu chấu đầu tiên đã kéo tới Nam Sudan, đe dọa an ninh lương thực của một trong những quốc gia “dễ bị tổn thương nhất” thế giới.

Dịch châu chấu sa mạc tiếp tục lan rộng tại Đông Phi. Hàng tỷ côn trùng phá hoại, trong đó có những bầy rộng cỡ diện tích Moskva, đã tàn phá Etiopia, Somalia, Kenya, Djibouti, Eritrea, Tanzania, Sudan, Uganda và bắt đầu tiến vào lãnh thổ Nam Sudan, chính phủ nước này hôm 18/2 cho biết.

Đàn châu chấu sa mạc phá hủy một vùng đất chăn thả gia súc ở Samburu, Kenya hôm 17/1. Ảnh: Reuters.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO), khoảng 2.000 con châu chấu đầu tiên đã vượt biên sang Nam Sudan từ Uganda vào thứ Hai. “Báo cáo cho thấy chúng là những con trưởng thành. Châu chấu cũng giống như con người, chúng cử một nhóm trinh sát tới trước để thăm dò xem vùng đất mới có đủ thức ăn và thuận lợi cho việc sinh sản hay không”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Onyoti Adigo Nyikiwec nói với AFP.

Nếu không được khống chế, dịch châu chấu có thể là thảm họa đối với Nam Sudan, nơi thiên tai và xung đột kéo dài đang khiến sáu triệu người, tức 60% dân số, phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng. Đây là “cuộc xâm lược” châu chấu đầu tiên ở nước này trong 70 năm qua. FAO đang hướng dẫn người dân địa phương sử dụng máy phun và hóa chất để ứng phó dịch. 

Sự sinh sôi nảy nở của châu chấu sa mạc được thúc đẩy bởi một trong những mùa mưa ẩm ướt nhất ở Đông Phi trong bốn thập kỷ qua. Các kiểu thời tiết thay đổi nhanh chóng và không theo quy luật do biến đổi khí hậu dẫn đến mưa lớn và lũ bất thường, khiến dịch bùng phát nghiêm trọng hơn nhiều so với dự đoán của FAO.

Các chuyên gia cảnh báo dịch có thể đạt đỉnh từ tháng 3 cho đến tháng 5, thời điểm trứng nở tạo ra lứa châu chấu thứ hai, đe dọa nhiều khu vực nông nghiệp quan trọng trong khu vực.

Châu chấu sa mạc (Schistocerca gregaria) được xem là loài phá hoại sản xuất nông nghiệp trong nhiều thế kỷ. Chúng phân bố rộng khắp châu Phi, châu Á và khu vực Trung Đông. Loài côn trùng này có thể phát triển từ 2 đến 5 lứa mỗi năm và thường sống thành từng đàn lớn.

Đoàn Dương (Theo AFP)

Theo Vnexpress.net

Trả lời