Đất của mình bị hàng xóm trồng gần 100 cây ăn quả, phải làm sao?

Đất của mình bị hàng xóm trồng gần 100 cây ăn quả, phải làm sao?

7 năm trước tôi mua mảnh đất đã được cấp sổ, sau đó phải ra nước ngoài gấp nên vẫn để trống. Tôi vừa về nước, phát hiện cả trăm cây ăn quả trên khu đất này.

Tìm hiểu biết người dân gần đó trồng, tôi đề nghị sẽ chặt bỏ nhưng họ không đồng ý, còn đòi thưa kiện. Tôi có quyền chặt số cây kia không? (Tuấn Phong)

Luật sư tư vấn

Căn cứ Điều 166 Luật Đất đai 2013, bạn đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên có toàn quyền của người sử dụng khu đất, bao gồm quyền sử dụng, chiếm hữu và định đoạt.

Người nào thực hiện các hành vi như xây cất, trồng cây, cải tạo đất mà chưa được sự đồng ý của bạn, hoặc không có căn cứ chính đáng (quyết định của cơ quan nhà nước), là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà hành vi này có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 206 Luật đất đai 2013). Ngoài ra, nếu gây thiệt hại người này còn phải bồi thường.

Điều 164 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS) cũng quy định, bạn (chủ sở hữu) có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật.

Điều 11 BLDS quy định các phương thức bảo vệ quyền dân sự gồm: công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của mình; buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; buộc thực hiện nghĩa vụ; buộc bồi thường thiệt hại; yêu cầu khác theo quy định của luật.

Tuy nhiên, dù người khác tự ý trồng cây trên đất của bạn (hành vi vi phạm pháp luật), song bạn không có quyền tự ý chặt bỏ các cây ăn quả này bởi đó là tài sản của người khác.

Nếu tự ý phá bỏ, bạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền 2-5 triệu đồng; hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự (có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm); hoặc phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Do vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, trước tiên, bạn cần thỏa thuận lại với hàng xóm để đưa ra phương án xử lý tối ưu, hợp tình, hợp lý cho cả đôi bên.

Trường hợp không thỏa thuận được, căn cứ quy định tại khoản 5, khoản 7 Điều 166, Điều 202 Luật Đất đai 2013; Điều 11, Điều 164 Bộ luật Dân sự, bạn có thể yêu cầu tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác (như UBND) giải quyết, buộc người có hành vi trồng cây ăn quả trái phép trên đất của bạn phải chặt bỏ, chấm dứt ngay hành vi trái pháp luật và bồi thường thiệt hại (nếu có).

Luật sư Võ Đan Mạch

Công ty Luật TNHH MTV Ta Pha

Nguồn: https://vnexpress.net/dat-cua-minh-bi-hang-xom-trong-gan-100-cay-an-qua-phai-lam-sao-4358388.html