Ẩm thực bốn phương, Du lịch, Thông tin
Đậm đà hương vị canh chua
Chạm phải món ăn chơi- me chấm muối ớt, làm tôi nhớ hương vị canh chua quê nhà. Món canh chua nhiều người thích vì món ăn hội tụ đủ vị nhất, nào là chua, cay, ngọt, đậm đà của cá, cua, các loại rau và gia vị.
Thích còn vì canh chua nóng hôi hổi vừa thổi vừa húp. Còn vì canh chua mang đủ loại hương vị trái cây quê nhà. Những loại trái được hái trong vườn nhà, hoặc mọc hoang theo mé bờ sông rạch.
Canh chua được nấu bằng cua hoặc cá tép, ốc với chất chua và gia vị. Trái để tạo vị chua ngon cho nước canh là me, bần, khế, xoài xanh,… Mùa nào trái nấy, trái hết mùa thì lại nấu mẻ, nấu giấm. Những quả me, khế, bần hay giấm, mẻ khi đem nấu canh với cá, sẽ giúp khử mùi tanh của cá.
Và phải nấu đúng điệu mới ngon được nghen, phải phân ra loại cá nào, rau nào nấu với loại trái nào mới mang hương vị riêng và ngon. Mà không phải ngẫu nhiên có sự kết hợp độc đáo đó trong món canh chua. Mà được người xưa kết hợp để điều hòa khí vị hết sức tinh tế. Vì món ăn là bài thuốc mà.
Và trong nhà đã nuôi sẵn mẻ và giấm để khi nào bắt được cá tôm thì cả nhà sẽ có nồi canh chua mẻ, canh chua giấm với bắp chuối, môn ngọt, rau muống đồng, bông so đũa,…
Cái hũ bằng sành nho nhỏ, nằm cạnh góc giàn bếp, đó là cái hũ mẻ được nuôi bằng cơm nguội. Còn cái hũ to hơn kế bên là hũ giấm, cứ cách vài tuần lại lấy hũ cơm mẻ ra cho cơm nguội vào. Và lấy hũ giấm ra, cho giấm uống nước dừa tươi và rượu.
Nhà văn Vũ Bằng đã từng viết trong “Miếng lạ miền Nam” rằng: “Tôi yêu miếng lạ miền Nam nhiều là vì nó lạ- lạ đến nhiều khi không thể tưởng tượng được- và chính những cái lạ đó đã cho tôi thấy rõ hơn tính chất thực thà, bộc lộ và chất phác của con người Nam”. Mà lạ thật, chỉ món canh chua thôi với bao vị chua khác nhau.
Món canh chua không chỉ ăn cho no, cho đã thèm, mà món ăn còn chứa cái tình, chứa một nền văn hóa sông nước. Mà lâu lâu ta lại nhớ.
Và nhà văn Vũ Bằng bày tỏ cảm xúc của mình khi “Ăn một miếng ngon của đất nước thấy bừng lên ở trong lòng một mối hạnh phúc vì đã được ăn một chút gì của đất nước, một tinh túy truyền từ năm, tháng nọ sang tháng, năm kia”… Mỗi người xa quê ai cũng thèm, cũng nhớ món ăn quê nhà và khi ăn món ăn quê nhà họ lại nhớ da diết quê hương.