“Đặc sản” đua bò Bảy Núi

“Đặc sản” đua bò Bảy Núi

Trong không gian dồn dập bổng trầm từ dàn nhạc ngũ âm đặc trưng của đồng bào Khmer, từng đôi bò kéo giàn bừa lướt trên mặt ruộng tạo thành những chùm hoa nước lộng lẫy dưới ánh mặt trời… Tất cả tạo cho sân đua bò vùng Bảy Núi sắc thái rực rỡ và vang dội cả núi rừng biên viễn. 

Hào hứng trên từng xen-ti-mét

Đua bò Bảy Núi luôn tạo ra những khoảnh khắc đẹp và đầy hào hứng.

Sau hiệu lệnh “thả”, 2 chầm-nik (người điều khiển bò) dùng xà-luôl (gậy gỗ có tra vật nhọn ngắn ở phần đầu) chích vào lưng để thúc đôi bò tăng hết tốc lực trên đường về đích. Trong không gian dồn dập bổng trầm của dàn nhạc ngũ âm đặc trưng của đồng bào Khmer, từng đôi bò kéo giàn bừa lướt trên mặt ruộng sủng nước tạo thành những chùm hoa nước lộng lẫy dưới ánh mặt trời… đã tạo cho sân đua bò đặc trưng vùng Bảy Núi sắc thái náo nhiệt vang dội cả núi rừng biên viễn. Đó là hình ảnh đặc trưng của cuộc đua bò Bảy Núi diễn ra hàng năm vào dịp lễ Đolta (lễ cúng ông bà), cuối tháng 8 âm lịch. Đây cũng là thời điểm lũ trên sông Cửu Long bắt đầu rút, bà con Khmer vùng Bảy Núi bước vào mùa vụ mới.

Theo đạo Phật (Nam tông) nên đồng bào Khmer vùng Bảy Núi (gồm huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên) rất quan tâm đến việc trợ giúp để tạo phước, nhất là giúp nhà chùa trong phum, sóc. Theo đó, mỗi phum, sóc chọn đôi bò “xịn sò” nhất để làm tốt nhất việc cày giúp thửa ruộng nhà chùa chuẩn bị vụ mùa. Trong quá trình cày, các đôi thi nhau xem ai làm xong phần việc trước.

Từ hình thức sơ khai đó, theo thời gian, đua bò Bảy Núi dần phát triển với những luật chơi quy củ hơn, khiến cho tính hấp dẫn ngày cao hơn, thu hút cả người Kinh, Hoa… thưởng thức. Theo đó, từng đôi bốc thăm đi trước – đi sau (cách nhau 3-4m), chầm-nik đưa đôi bò vào sân đấu là mặt ruộng xâm xấp nước sau những ngày mưa già. Thực hiện xong 2 vòng “thả” (chạy với tốc độ chậm để thể hiện kỹ năng khéo léo của người điều khiển  trong việc cho bò dừng đột ngột hay qua trái, qua phải đường đua), cuộc đua bước vào vòng “hô”. Đây là vòng đua tốc độ nên các chầm-nik phải dùng kỹ năng, sự gan dạ và bản lĩnh để thúc đôi bò chạy với tốc độ nhanh nhất về đích. Đôi bò thắng cuộc trong trận đua cuối cùng, được nhà chùa tặng thưởng vòng cà tha (dây quấn quanh cổ bò có kết hoa văn đặc trưng của đồng bào Khmer), trở thành niềm tự hào của phum, sóc và được mọi người trân trọng như người chơi thú cưng (PET) ngày nay.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng chiến tranh và nhiều lý do khác nhau, mãi đến năm 1989, đua bò Bảy Núi mới được tổ chức lại tại xã Ô Lâm (huyện Tri Tôn). Sau đó đến năm 1992, ngành chức năng tỉnh An Giang vào cuộc, xây dựng điều lệ và tổ chức thành giải đua cấp toàn vùng Bảy Núi, rồi mở rộng cho tỉnh Kiên Giang và vài địa phương ven biên bên kia biên giới sang giao lưu. Hằng năm, đua bò Bảy Núi được luân phiên tổ chức tại Tri Tôn và Tịnh Biên.

Độc đáo tầm thế giới

“Đua bò Bảy Núi có nhiều nét độc đáo và đáng được xem là “đặc sản” thế giới” – TS Nguyễn Thanh Phong, Đại học Khoa học xã hội – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, chia sẻ. Không chỉ là nơi duy nhất cả nước tổ chức đua bò, đua bò Bảy Núi còn chứa đựng nhiều yếu tố độc đáo đẳng cấp thế giới. Theo TS Phong, trên thế giới có nhiều quốc gia có hoạt động đua bò như Ấn Độ, Pakistan, Indonesia… nhưng hầu hết đều tổ chức vào thời điểm sau thu hoạch, với mục đích mừng mùa vụ. Trong khi đó, ở Bảy Núi, hoạt động này diễn ra dịp khởi đầu mùa vụ và gắn liền với lễ cúng ông bà. Đó là chưa kể đến yếu tố nhân văn.

Nếu như đua bò ở nhiều nước, người điều khiển dùng tay nắm lấy đuôi bò để giữ thăng bằng và thúc đôi bò đi theo mong muốn, thì ở Bảy Núi, các chầm-nik điều khiển bò qua dây “vàm” được gắn kết với hệ thống dây mũi và dây cổ… Mặt khác, hầu hết các hoạt động đua bò trên thế giới đều cho đôi bò xuất phát cùng vị trí nên gần như chỉ có hình thức chạy nhanh, trong khi đó ở Bảy Núi, đôi bò xuất phát “đôi trước – đôi sau” cách nhau 3-4m nên đã tạo cơ hội cho cuộc đua hấp dẫn, đẹp mắt và có chiều sâu về đường nét, hình khối hơn…

Chỉ dấu sử liệu xưa

Trong quá trình nghiên cứu về đua bò Bảy Núi, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra được những chỉ dấu về sử liệu xưa ẩn chứa đằng sau hoạt động dung hợp văn hóa – thể thao – tín ngưỡng này. Tại Hội thảo khoa học về đua bò Bảy Núi do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tỉnh An Giang tổ chức vào năm 2012, TS Nguyễn Thanh Phong cho rằng với việc tổ chức đúng dịp lễ cúng ông bà, chắc chắn hoạt động đua bò Bảy Núi có liên quan đến việc cầu nguyện những điều tốt lành sẽ đến với người đã khuất, chứ không đơn thuần chỉ là một trò chơi tiêu khiển tranh thắng – thua so với các nước.

Cũng tại hội thảo này, nhà nghiên cứu Phan Thị Yến Tuyết cho rằng đua bò Bảy Núi còn ẩn chứa vết tích tín ngưỡng ngàn xưa của vùng đất. Theo bà Tuyết, thông qua việc người điểu khiển dùng vật nhọn tác động làm bò rướm máu trong lúc đua, cộng với đời sống đặc trưng gắn liền với rừng núi của người Khmer vùng Bảy Núi, đã gợi nghĩ đến nghi lễ xa xưa liên quan đến tế thần rừng của người Khmer.

“Phải chăng việc người điều khiển dùng xà-luôl gây chảy máu trên thân bò trong cuộc đua chính là vết tích nghi thức ma thuật tưới máu trên cánh đồng với ý nghĩa tượng trưng cho sự sống để ruộng lúa được màu mỡ? Có thể do quá lâu đời và trải qua nhiều biến động nên ý nghĩa sâu xa của nghi thức tế thần rừng nêu trên ngày nay đã phôi phai, không còn được định danh?” – bà Tuyết gợi mở.

Ý kiến này được nhiều nhà nghiên cứu ghi nhận và trân trọng. Bởi nhiều nguồn sử liệu cho thấy, đua bò hình thành tại vùng Bảy Núi vào khoảng đầu đến giữa thế kỷ thứ XVI… Với mốc thời gian này, chắc chắn hoạt động đua bò ít nhiều chịu sự chi phối của nhiều yếu tố tín ngưỡng chứ không đơn thuần chỉ là một trò chơi tiêu khiển đơn thuần tranh thắng – thua… Nếu đúng vậy, thì đua bò Bảy Núi không chỉ là cứ liệu sinh động về tín ngưỡng dân tộc, mà còn là bằng chứng hùng hồn, góp phần khẳng định thêm về chủ quyền xa xưa của Tổ quốc trên biên giới Tây Nam.

Nguồn: https://baocantho.com.vn/-dac-san-dua-bo-bay-nui-a164105.html