Ẩm thực bốn phương, Du lịch, Thông tin
Con ốc và cọng rau
Hình ảnh con ốc và cọng rau gắn liền với nhau trong cách nói hàng ngày như “mò cua bắt ốc” hay “bắt ốc hái rau” để chỉ sự khó khăn cực khổ.
Chỉ cần nói trải qua thời “bắt ốc hái rau” là người ta hiểu ngay đã từng trải qua một giai đoạn của thời gian khó, hay ai đó bảo nhớ thời bắt ốc bắt cua, nhớ thời ăn rau dại là hiểu ngay rằng đang nhớ quê.
Nhớ thời bắt ốc hái rau, nấu tô canh chua rau muống với ốc đắng tặng mình cho đỡ thèm hương vị đồng quê.
Vì ngày ấy con ốc, con cua và cọng rau có ở đầy kinh, đầy đồng, rau dại mọc hoang đầy bờ. Nên mới có câu “về sông ăn cá, về đồng ăn cua”.
Và trong mỗi bữa cơm không bao giờ thiếu con ốc, con cua và những cọng rau dại. Những thức vừa không tốn tiền mua mà lại ngon.
Và chẳng biết từ bao giờ tụi con nít chúng tôi đã biết giúp mẹ hái rau, bắt ốc. Và chẳng biết chúng tôi thuộc nằm lòng câu ầu ơ: “Má ơi đừng đánh con đau/ Để con bắt ốc hái rau má nhờ” từ bao giờ. Và tuổi thơ chúng tôi được thưởng thức nhiều món ăn dân dã được chế biến từ cọng rau, con ốc.
Những món ăn ấy in sâu trong ký ức và đôi lúc bắt gặp những nguyên liệu ấy lại thèm lại nhớ những món ăn mang hương vị đồng quê mà một thời thơ đã nếm qua. Bù lại tuổi thơ tràn đầy ký ức, cuộc sống nhẹ nhàng, êm dịu bên dòng kinh, con rạch.
Con ốc và cọng rau có vô số ở kinh, rạch. Ốc có nhiều loài khác nhau như ốc đắng, ốc bươu, ốc lác… nhưng nhiều nhất là loài ốc đắng. Sáng sớm thức dậy dọc theo bờ kinh, ốc đeo bám vào bờ, vào cỏ, vào cây. Còn rau muống, rau tai tượng, rau dừa, rau ngổ ôi thôi xanh bờ.
Ngày ấy thế nên mới có cảnh “Giả đò bắt ốc hái rau/ Đi ngang qua ngõ gặp nhau kẻo buồn”. Và có cảnh “ốc nổi như mù ù”.
Trái mù u chín rụng nổi đầy mặt kinh, mặt đìa nên người ta ví ốc nhiều, đặc như mù u rụng vậy. Chúng tôi bơi xuồng dọc theo bờ kinh mà lựa, chọn những con ốc đắng to mới bắt, còn ốc nhỏ để đó chờ mai mốt nó lớn.
Chúng tôi học từ người lớn trong nhà, khi người lớn trong nhà bắt dính những chú cá “cầu cửng”, cá rô giăm,… ở kinh, đìa đều thả lại hết.
Và chúng tôi đã thuộc lòng câu ấy “thả để mai mốt nó lớn rồi hãy bắt ăn”. Hay khi bắt phải con cua đang mang con trong yếm thì người lớn liền thả lại. Và còn học cách ăn ốc nhưng không nói mò nữa chứ.
Giờ về kinh không còn ốc để bắt, không còn cá cắm câu như xưa. Nói đến cắm câu tôi lại nhớ câu hát “Bởi tôi thất nghiệp nên về Tầm Vu tôi cắm câu, bắt con nhái bầu, móc ngang cái hầu, chờ cho nước lớn để cá ăn câu, sau em nỡ vội quên lời thề xưa em hỡi em…” trong bài hát “Con nhái bầu”.
Ngày ấy, khi đi lập nghiệp gặp trở ngại hay thất bại trong việc làm ăn thì người ta hay nói “về quê cắm câu”. Giờ còn cá đâu nữa mà cắm. Dòng kinh con nước lờ đờ gánh nặng thuốc hóa học, lâu lâu lại xuất hiện thêm luồng điện xiệc thì làm sao cá ốc sống và sinh sản được.
Giờ quay lại với chuyện món ăn con ốc, cọng rau ngày ấy. Cho đỡ tiếc nuối một thời cá đìa, rau đồng. Chẳng như ăn chơi thì có ốc chấm nước mắm sả hay chấm với mẻ đều bắt cả.
Ốc lác nướng tiêu hay hấp gừng gì cũng ngon, ngọt cả. Còn món ăn kèm với cơm như ốc kho sả ớt, ốc xào rau muống, xào me, ốc trộn gỏi bắp chuối,…
Và có lần chúng tôi đã được thưởng thức qua món cà ri ốc với chuối sáp nữa chớ. Ốc thì giòn giòn sật sật, còn chuối thì vàng ươm và dẻo ngọt. Chẳng kém chi ếch nấu cà ri đâu nhe. Giờ ước gì có tô canh chua ốc thanh mát với vị ngọt từ thịt ốc và rau muống đồng.
Con ốc và cọng rau làm phong phú và đa dạng món ăn trong thực đơn của mâm cơm gia đình. Và cảnh mò ốc hái rau đã trở thành nét đẹp văn hóa thể hiện cho sự khó khăn trong cuộc sống: “Đôi ta là nghĩa tào khang/ Xuống khe bắt ốc, lên ngàn hái rau”.
Theo Báo Vĩnh Long