Cuối tuần về quê, chế tôi nấu, đãi nồi lẩu mắm. Mắm đồng, cá đồng chính hiệu, rổ rau rừng đầy ú ụ và tất nhiên trong lẩu không thể thiếu nấm rơm.
Cây rơm còn là “tụ điểm” của trẻ vui đùa với nhiều trò chơi dân dã. Ảnh: TRẦN CHÍ KÔNG
Biết tôi thích ăn nấm rơm, mỗi khi nấu lẩu mắm, chế tôi hay cho nhiều món này. Chế nói, mua của nhà thằng cháu họ bên sông nên không sợ thuốc, hoá chất như ngoài chợ.
– Nấm này nó hái ở cây rơm hả gì? Tôi hỏi.
-Nó trồng bằng meo. Chứ thời buổi này kiếm nấm rơm tự nhiên ở đâu ra! Chế trả lời dấm dẳng.
Phải rồi, nấm rơm giờ toàn trồng bằng meo trong nhà, nấm tự nhiên thì vô cùng hiếm.
Bất chợt, tôi nhìn ra sân, cây rơm nhà má giờ chỉ cao quá đầu, nhỏ xíu, mà chạnh lòng.
Từ ngày máy gặt đập liên hợp ra đời, những cây rơm gần như mất tích ở các vùng ngọt xứ Cà Mau. Nông dân chỉ mang lúa hột vô nhà, còn rơm bỏ ngoài đồng, gần mùa cày thì đốt bỏ, rất phí mà lại không có lợi cho đất ruộng.
Nhớ hồi còn gặt tay, lúa bó được mang từ ruộng vô nhà, suốt bằng máy, nhà nào cũng có cây rơm. Nói một cách ví von, chỉ cần nhìn vào cây rơm nhà nào là biết tình hình kinh tế của nhà đó. Đống rơm bự chảng, cao nghều, chứng tỏ lúa năm đó trúng mùa, cuộc sống vì thế mà sung túc.
Nhà nào cây rơm èo uột thì gia chủ năm nay mùa màng thất bát. Với những ai từng sống ở nông thôn, cây rơm trước sân như một biểu tượng của nhà nông và gắn liền với biết bao kỷ niệm thời thơ ấu.
Suốt lúa xong, cây rơm trở thành nơi để tụi con nít chơi đùa. Kiểu đơn giản nhất là leo lên ngọn cây rơm rồi… phi xuống. Cây rơm cũng là nơi lý tưởng để bọn nhỏ chơi trốn tìm, hay chơi trò đuổi bắt nhau.
Lâu ngày, khi cây rơm bắt đầu dẻ dặt, tụi tôi hay chơi trò đào hang. Những sợi rơm được rút dần từ trong ruột ra, tạo thành những cái hang nhỏ để chui vào, phía ngoài ủ một lớp rơm mỏng làm cửa và che không cho người ngoài biết.
Hang ở cây rơm được phát huy tác dụng tối đa mỗi khi đứa nào làm chuyện có lỗi thì chui vào đó trốn. Hồi đó, tôi từng chui vào hang rơm cả ngày để trốn… nhổ răng.
Báo hại mấy ông anh kiếm từ đầu trên tới xóm dưới. Mà đã là hang thì phải bí mật, chứ bị lộ rồi thì người lớn chỉ việc tới, nắm đầu lôi ra là coi như xong. Hang này lộ thì đào hang khác, mất công mà chả mấy chốc cũng bị phát hiện, bởi con nít làm sao qua mặt nổi người lớn bao giờ.
Trong ký ức tuổi thơ của tôi và đám bạn đồng trang lứa, hồi đó đứa nào cũng bị đòn hoài bởi cái vụ mê chơi ở cây rơm, tối mịt không chịu đi ngủ. Người lớn kêu năm lần bảy lượt mới vô.
Đứa nào làm biếng… tắm, để nguyên bộ mình mới chơi đống rơm vô mùng nằm thì y như rằng đêm đó khỏi ngủ, bởi trong đống rơm có rất nhiều con vật nhỏ bằng đầu cây kim, mà người lớn hay gọi là con mò. Chúng bám vào tóc tai, quần áo ai thì xác định là gãi cả đêm vẫn không đã ngứa.
Những đêm trăng sáng, mấy anh em nhà tôi hay chơi trò diễn tuồng. Vở phổ biến nhất là “Thạch Sanh, Lý Thông”. Tôi được giao vai Thạch Sanh với cái búa nhỏ nhỏ, xinh xinh bằng gốc bình bát ba tôi đẽo cho.
Cô hàng xóm cỡ tuổi tôi mặc định vào vai công chúa, còn các anh chị khác thì chia nhau làm… quân lính, vua và…
Lý Thông. Diễn quen tới mức đến khi lớn tồng ngồng, tôi vẫn mang biệt danh Thạch Sanh và bọn họ cáp đôi miết tôi với nàng “công chúa” gần nhà.
Cây rơm cũng là chỗ để cho mấy đứa rắn mắt chui vào sẵn để rình mấy anh chị lớn… hẹn hò. Hồi đó, lâu lâu có gánh hát về, nhiều anh chị tuổi cặp kê thường làm bộ đi coi hát, chứ thật ra là để nháy nhó hẹn nhau “tấp” dọc đường; hoặc đâu đó có cái đám cưới thì y như rằng sẽ có vài đôi mất tích, mà chỗ tâm sự lý tưởng nhất là ở mấy cây rơm…
Đám con nít quỷ tụi tôi thường hay lén vô cây rơm nằm sẵn, có khi ở sát sườn các đôi đang tâm sự quên trời đất. Họ nói gì thì cứ nghe rõ mồn một, lắm khi cả bọn phải cắn áo thật chặt để nén cười. Có bữa, các anh chị đang say sưa tâm sự thì bị người lớn xộc vô quát tháo, bắt về.
Một lần, chú nọ nổi xung thiên đòi đốt cây rơm, làm tụi tôi phi ra chạy vắt giò lên cổ. Tôi thuộc lớp ngoài 40 một chút, thời còn học tiểu học, tức là trước 1990, người lớn ở nông thôn quản lý chuyện yêu đương của con cái rất chặt. Nhiều ông ba, bà mẹ khó “vàng mây” báo hại con mình ế chỏng chơ vì chả ai dám cưới.
Ở Cà Mau ít nuôi trâu bò, nên rơm ít được dùng làm thức ăn cho chúng, như ở các vùng trên. Rơm mới ra, còn xanh ẻo được bà con dùng để ủ gốc cây, hoặc rải lên mặt liếp trồng hoa màu, khi rơm mục, hoại ra thì bổ sung dinh dưỡng cho cây. Công dụng phổ biến nhất của rơm là làm con cúi un muỗi.
Thời đó, ở nông thôn chưa có điện, tối tối muỗi kêu như sáo thổi. Nhà nào cũng chuẩn bị sẵn vài con cúi. Người ta lấy từng nắm rơm, tết thật chặt chúng lại với nhau, kiểu như… các thợ trang điểm hay tết tóc cho cô dâu trong ngày cưới (!).
Kích thước con cúi thường bằng bắp chân người lớn, độ dài thì tuỳ thích. Con cúi đốt lên tạo nên những đợt khói mù mịt, xua muỗi trong các hoạt động chung của gia đình.
Hoặc có việc cần đi sang hàng xóm, người ta cũng hay tết những con cúi nhỏ hơn, cầm theo vừa soi đường, vừa đuổi muỗi.
Hồi đó, tôi và thằng em họ hay đội rơm, rải đều trên vài trăm mét vuông mặt ruộng, chờ rơm thật khô thì đốt để tạo mặt bằng trồng đậu bắp. Tôi và nó có chung sở thích ăn loại trái này.
Đậu bắp trồng hơn tháng là có trái, lần đi bẻ được cả thúng, đem về nào thì nấu canh, nào thì hấp, luộc… ăn đã đời.
Khi ông trời bắt đầu báo sắp chuyển sang mùa mưa bằng những đám mây tối màu, những ánh sét chói loà lúc hoàng hôn và những tiếng sấm ì đùng xa xa, nhà nhà bắt đầu chuyển rơm ra vị trí đã chọn sẵn để rải thảm, đốt đồng, làm cỏ và gieo mạ khi mưa xuống.
Mặt ruộng cỏ dày mịt, xanh um được rải một lớp rơm vàng đều, dày non một tấc. Diện tích đám mạ nhỏ, lớn tuỳ vào nhà nào ruộng ít hay nhiều. Lâu ngày, rơm xẹp xuống, cỏ chết khô thì nhà nông bắt đầu đốt rơm, thời khắc được bọn nhỏ tụi tôi chờ đợi và thích nhất.
Đốt rơm thường diễn ra khi chiều tối, những đám lửa đỏ rực trời đêm, mùi rơm và cỏ cháy quyện vào nhau ngai ngái là những thứ cảm giác đặc biệt, mà tôi thường tự hào là phải sống ở nông thôn thì mới được nếm trải.
Thường khi rải xong đám mạ, cây rơm ở nhà sẽ vơi đi một nửa, dẻ dặt đến mức phải dùng sức mớt rút được những nắm rơm từ thân của nó. Mưa xuống, chân cây rơm dần mục rữa thì cái cái món đặc sản không chỉ tôi, mà còn có nhiều người khác ưa thích bắt đầu xuất hiện. Đó là nấm rơm.
Cà Mau những năm 1990 tôm cá bao la, rau rừng, hoa màu phong phú, nhưng nấm rơm quý ở chỗ chỉ có vào mùa mưa. Sau những cơn mưa đầu mùa, quanh chân cây rơm toàn nấm là nấm.
Nấm rơm mọc hoàn toàn tự nhiên. Sáng sáng, mấy anh em trong nhà lại mang nào rổ, nào thau, nào thúng đi hái nấm. Những cây nấm nhỏ từ ngón tay cái trở xuống được để dành, anh em tranh nhau hái những cây bự từ bằng ngón chân cái trở lên.
Có những cây hôm trước hái sót do nằm trong chỗ khó thấy hoặc bị rơm phủ lên, chỉ sau một đêm là nở xòe thành hình chiếc dù xinh xinh, ngộ nghĩnh. Cây rơm càng mục thì nấm càng nhiều, từ chân lên ngọn, hái mỏi tay.
Nấm rơm thường được xào mỡ, xào thịt, hay kho đều ngon, nhưng đặc biệt nhất là kho với mắm đồng. Nấm rơm mềm, béo, ngọt quyện với mùi mắm thơm phức, tạo thành một mùi vị đặc trưng, một món ngon khó cưỡng. Mà nói về cái sự xuất sắc của mắm đồng Cà Mau thì chắc phải nói cả ngày cũng không hết.
Chiều mưa nhẹ. Ăn xong bữa mắm kho, tôi ra cây rơm, đi một vòng như hoài niệm về những tháng năm đẹp đẽ ngày xưa.
Chân cây rơm đã bắt đầu mục, nhưng chỉ thấy vài cây nấm dại, ốm tong teo. Mấy năm rồi, mưa xuống, về quê tôi đều ra cây rơm tìm nấm, nhưng chưa lần nào tìm được.
Có lẽ chất lượng rơm giờ khác xưa nhiều, phần nào do ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ sâu? Tôi nghĩ vậy.
Từ nhà má ra thành phố, nơi tôi ở bây giờ hơn 40 cây số, đi qua cả một vành đai vùng ngọt hoá Cà Mau rộng thênh thênh, vậy mà quan sát dọc đường, những nhà có cây rơm chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Ai rồi cũng khác. Cuộc sống đã khác và sẽ còn khác hơn, nhưng những hoài niệm về một thời thơ ấu, nơi có những cây rơm để bọn trẻ chơi đùa, cái mùi khen khét khi khói rơm cháy bám vào đầu tóc hay những bữa trời mưa dầm dề, cả nhà ngồi trên bộ ván ngựa ăn cơm với mắm kho như vẫn còn lẩn quất đâu đây.
Mùi thơm của nấm rơm trong nồi mắm kho, khi nhắm mắt lại, hít thật sâu có thể nhận ra ngay được, cũng như kiểu những người “ở chợ” lâu năm, nhưng dáng dấp nông dân thì cả đời không dứt ra được. Có thể, tôi là một trong số những người như vậy.
Bất chợt, trong tâm trí tôi vang lên hai câu kinh điển trong bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên:
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn!
Làm sao quên được cây rơm trước sân nhà của má…
Theo Báo Cà Mau
Nguồn : http://tintucmientay.com.vn/cay-rom-nha-ma-a278526.html |