Công nghệ, Thế giới số, Thông tin
Canh bạc hàng triệu USD của thợ đào Ethereum
Nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh đầu tư vào đào Ethereum, bất chấp mạng lưới sắp từ bỏ phương thức vận hành bằng chứng công việc (PoW).
Các công ty khai thác Bitcoin đại chúng như Hut 8 và Hive đang tăng cường năng lực đào Ethereum, loại tiền ảo có giá trị vốn hóa lớn thứ hai thế giới chỉ sau Bitcoin. Trong khi đó, các hãng sản xuất máy đào như Bitmain và Innosilicon cũng dự kiến công bố những mẫu máy đào chuyên dụng (ASIC) đời mới trong năm nay.
Những khoản đầu tư này có vẻ rất lạ lùng, nhất là khi mạng lưới Ethereum dự kiến từ bỏ vận hành theo phương thức bằng chứng công việc (PoW), tương tự Bitcoin, trong đó cho phép thợ đào tiền ảo sử dụng máy tính để giải những bài toán phức tạp nhằm xác thực giao dịch.
Ethereum dự kiến nâng cấp lên Ethereum 2.0 trong vài tháng tới và chuyển sang phương thức bằng chứng cổ phần (PoS), trong đó dựa vào những người đã nắm giữ tiền ảo để xử lý những giao dịch mới và loại bỏ hoạt động khai thác bằng những hệ thống máy tính mạnh mẽ.
Giới chuyên gia cho rằng việc tăng cường năng lực máy đào Ethereum dựa trên những dự đoán rằng quá trình chuyển sang PoS sẽ tiếp tục bị trì hoãn.
“Cách đây 4 năm, nhiều người từng nói với chúng tôi là hoạt động đào Ethereum sẽ chấm dứt, nhưng nó vẫn đang diễn ra. Hệ thống luôn sử dụng ‘cách tiếp cận chờ xem’, mọi thứ luôn xảy ra chậm hơn nhiều so với dự đoán”, Mark D’Aria, CEO công ty Bitpro chuyên môi giới và quản lý thiết bị đào Ethereum, cho biết.
Đợt nâng cấp London tuần trước giúp mạng lưới tiến gần thêm một bước đến Ethereum 2.0, nhưng các lần nâng cấp chủ chốt trong 6 năm vận hành của Ethereum đều bị trì hoãn nhiều lần.
Đợt nâng cấp Constantinople, bước chủ chốt hướng tới Ethereum 2.0, dự kiến được thực hiện vào tháng 7/2018. Nhưng một lỗi trong bộ mã khiến nó chỉ ra mắt vào tháng 2/2019, gây thêm nhiều chậm trễ cho quá trình chuyển đổi.
Hạn chế đào Ethererum với Kỷ băng hà
Đề xuất cải tiến Ethereum (EIP) 3554 bổ sung các thợ đào nhân tạo để tăng đáng kể độ khó, khiến hoạt động khai thác Ethereum thu được ít lợi nhuận hơn. Đây được mô tả là “Kỷ băng hà” với các thợ đào. Nhà phát triển dự kiến ra mắt EIP 3554 vào năm 2015, nhưng nó đã bị lùi lại đến tháng 12 năm nay.
Việc chuyển đổi sang mô hình PoS sẽ ngày càng khó khăn trong bối cảnh giá Ethereum tăng lên. “Chúng ta đã chứng kiến giá Ether tăng lên 3.000 USD, trong khi tài chính phi tập trung (DeFi) được xây dựng trên nền tảng Ethereum và NFT cũng phát triển rất mạnh. Ngay cả những người mong chờ Ethereum chuyển sang PoS cũng muốn mọi thứ diễn ra chậm rãi để bảo đảm không có lỗ hổng nào bị bỏ sót”, Ethan Vera, giám đốc vận hành công ty đào tiền ảo Luxor ở Mỹ, nêu quan điểm.
Bên cạnh những thách thức kỹ thuật và vấn đề an ninh, sự phản đối từ cộng đồng thợ đào Ethereum cũng là một trong những nguyên nhân khiến mạng lưới này chậm chuyển sang PoS. “Sẽ không có chuyện nhà phát triển bấm nút chuyển đổi và xóa sổ hàng tỷ USD của thợ đào trong chớp mắt”, D’Aria nói.
Các tay chơi lớn
Cộng đồng đào Ethereum hiện nay chủ yếu vẫn là những cá nhân nhỏ lẻ và không có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn như đào Bitcoin. 90% máy cày Ethereum trong mạng lưới vẫn dựa trên card đồ họa, số còn lại là những hệ thống ASIC chuyên biệt tiêu thụ nhiều năng lượng.
Dù vậy, nhiều doanh nghiệp lớn đang bắt đầu xâm nhập giới đào Ethereum vì lợi nhuận vượt trội so với Bitcoin.
Hive Blockchain hồi tháng 10/2020 tuyên bố trở thành doanh nghiệp đào Ethereum công khai lớn nhất thế giới với năng lực xử lý (hashrate) gần 3,4 Gigahash/s, chiếm 1,3% tổng hashrate của mạng lưới vào thời điểm đó. Công ty này đặt mục tiêu tăng cường năng lực lên 5,5 GH/s trong năm nay và đã thuê một trung tâm dữ liệu với khả năng cung cấp 50 MW điện ở New Brunswick, Canada, hồi tháng 2.
Hut 8 cũng chi 30 triệu USD để mua thiết bị đào chuyên dụng từ Nvidia hồi tháng 5. Công ty này cho biết toàn bộ máy đào dự kiến được cung cấp và lắp đặt tại cơ sở của họ trước tháng 9, phục vụ kế hoạch xây dựng mỏ đào 1,6 GH/s và tiêu thụ 4 MW điện.
Thu lời nhanh hơn
Nhiều loại máy đào Ethereum mạnh hơn đang được tung ra thị trường, giúp rút ngắn thời gian giải toán và tăng lợi nhuận cho chủ sở hữu, giảm sự phụ thuộc vào card đồ họa.
Nvidia ra mắt loạt card đào Ethereum chuyên dụng vào đầu năm nay, trong khi Bitmain và Innosilicon sẽ cung cấp những hệ thống ASIC mới nhất cho khách hàng vào cuối năm. Nhà sản xuất máy đào iPollo đã thu về hơn 200 triệu USD từ đơn đặt hàng máy ASIC và dự kiến bàn giao từ quý IV/2021. Hãng dự kiến tăng công suất khi mở rộng cơ sở sản xuất và có khả năng chế tạo máy đào suốt năm 2022.
“Thời gian hoàn vốn cho máy ASIC và card đồ họa hiện nay là khoảng 5-6 tháng, trong khi Ethereum 2.0 có thể triển khai trong 6 tháng tới. Đó là lý do nhiều bên sẵn sàng chấp nhận rủi ro, nhất là trong bối cảnh giá Ether đang ở mức cao”, Azam Roslan, chuyên viên bán hàng tại công ty môi giới máy đào Wattum ở Mỹ, cho hay.
Thời gian hồi vốn cho máy đào Ethereum có thể chỉ khoảng 4 tháng nếu sử dụng những dòng ASIC mới nhất, so với khoảng một năm của các công ty khai thác Bitcoin hiện nay.
Tỷ suất lợi nhuận
Giá trị thị trường cao và chi phí vận hành thấp là những lý do khiến đào Ethereum mang lại nhiều lợi nhuận hơn Bitcoin từ năm ngoái đến nay.
Bản cập nhật London cho phép mạng lưới Ethereum xóa bỏ một phần phí giao dịch trả cho thợ đào, nhưng hoạt động khai thác Ethereum lại thu được nhiều lợi nhuận hơn nhờ giá tăng cao. Dữ liệu từ Coin Metrics cho thấy lợi nhuận hàng ngày của thợ đào tại Mỹ đã tăng 7,1% và chạm mức cao kỷ lục trong hai tháng qua.
Mạng lưới Ethereum đã đốt 33% nguồn tiền mới kể từ khi bản cập nhật London được phát hành, tương đương 22.708 đồng ETH với trị giá 76,1 triệu USD.
“Thời điểm chuyển đổi sang PoS vẫn chỉ là đồn đoán, nhưng đầu tư đúng lúc vào hoạt động đào Ethereum có thể mang lại lợi nhuận rất lớn. Các thợ đào đánh cược với thời điểm triển khai Ethereum 2.0cách đây hai năm đã thu về số tiền khổng lồ”, Ethan Vera nói.
Điệp Anh (Theo Coin Desk)