An ninh & pháp luật, Thông tin
CSGT bị tố “gạ tình” người vi phạm: Thấy gì từ “soi” đạo đức nghề nghiệp?
CSGT bị tố “gạ tình” người vi phạm: Thấy gì từ “soi” đạo đức nghề nghiệp?
(Kiến Thức) – Cán bộ chiến sĩ công an nhân dân không được lợi dụng danh nghĩa cơ quan, đơn vị hoặc chức trách, nhiệm vụ được giao để vụ lợi hoặc nhằm mục đích cá nhân…
Vụ việc Thượng úy N.C.A, cán bộ Đội CSGT Công an TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) bị bắt quả tang đi khách sạn cùng với một cô gái vi phạm giao thông gây xôn xao dư luận.
Thông tin và hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy, trong lúc làm nhiệm vụ tuần tra chiều 22/3, Thượng úy A. đã bắt xe của một phụ nữ tên K.N, sau đó CSGT đã gạ cô gái này quan hệ tình dục tại một khách sạn ở TP Nha Trang và sẽ đóng phạt giúp cô N. 600.000 đồng, lấy giấy đăng ký xe ra trước ngày quy định.
Sự việc sau đó, được vợ ông A. phát hiện và bắt quả tang tại khách sạn trong tình trạng ông A. chỉ mặc quần đùi còn cô N. khỏa thân. Ngoài ra trước đó, ông A. có nhiều tin nhắn tình cảm, có nội dung chuyện giường chiếu với 2 người phụ nữ khác.
Hình ảnh lan truyền trên mạng được cho là cuộc trao đổi giữa ông A. và cô gái tên N.
Theo lời CSGT cô gái K.N đã chủ động gạ tình ông và điều này được thể hiện trong tin nhắn được đăng tải lên mạng xã hội.
Thông tư 27/2017 của Bộ Công an đã quy định rất rõ về quy tắc ứng xử của công an nhân dân.
Cụ thể, về quy tắc ứng xử chung, cán bộ, chiến sĩ công an phải nói và làm theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sáu điều Bác Hồ dạy CAND, năm lời thề danh dự, 10 điều kỷ luật và điều lệnh CAND.
Cùng với đó, cán bộ công an phải tôn trọng, tận tụy phục vụ nhân dân; rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh; trung thực, thẳng thắn, cần, kiệm, liêm, chính; Không được lợi dụng danh nghĩa cơ quan, đơn vị hoặc chức trách, nhiệm vụ được giao để vụ lợi hoặc nhằm mục đích cá nhân; Không được nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình…
Về ứng xử với nhân dân, cán bộ công an không được có hành vi, lời nói hạch sách, nhũng nhiễu, thái độ thờ ơ, vô cảm trước yêu cầu hợp pháp của người dân; không gây căng thẳng, bức xúc, dọa nạt người dân; không hẹn gặp người dân giải quyết công việc bên ngoài cơ quan và ngoài giờ làm việc.
Khi ứng xử với người vi phạm pháp luật, cán bộ chiến sĩ công an phải thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành Công an trong đấu tranh, xử lý đối với người phạm tội và người có hành vi vi phạm pháp luật khác; xử lý vi phạm phải khách quan, trung thực đảm bảo các yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ; Không lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao làm sai lệch hồ sơ vụ việc, vụ án dẫn đến bỏ lọt, oan, sai hoặc nhằm mục đích khác.
Về ứng xử trong gia đình, cán bộ công an phải nêu gương trong sinh hoạt, thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; xây dựng lối sống lành mạnh, hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc.
Thông tư cũng quy định rõ về ứng xử nơi công cộng, cán bộ chiến sĩ công an phải gương mẫu chấp hành nội quy, quy tắc nơi công cộng, các chuẩn mực đạo đức công dân được pháp luật quy định hoặc đã được cộng đồng dân cư thống nhất thực hiện; ứng xử văn minh, thân thiện, giữ trật tự, vệ sinh công cộng. Không có lời nói, hành vi vi phạm các chuẩn mực về thuần phong, mỹ tục, bản sắc văn hóa dân tộc nơi công cộng.
Ngày 19/4, trao đổi với báo chí, thượng tá Phan Văn Cường, Trưởng Phòng tham mưu Công an tỉnh Khánh Hòa, cho biết sẽ kiểm tra vụ thượng úy N.C.A. (Đội CSGT Công an TP Nha Trang) bị tố “gạ tình” cô gái vi phạm giao thông rồi cả hai đi khách sạn vào ngày 22/3. Trước đó, đại tá Trần Văn Giang, Trưởng Công an TP Nha Trang, cho biết cơ quan này đang tổ chức xác minh vụ việc trên. “Đây là uy tín của ngành. Nếu thực sự cán bộ CSGT sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Trước mắt, thượng úy này đang bố trí ở cơ quan, không giao nhiệm vụ gì cả”, đại tá Trần Văn Giang nói. |
Tâm Đức