Tình trạng xe ben, xe tải, xe đầu kéo… chở quá tải trọng cho phép ngày càng xuất hiện nhiều tại TPHCM, nhất là ở khu vực cửa ngõ, vùng ven, ngoại thành.
Ngoài việc bố trí “vệ tinh” canh đường, theo dõi lực lượng chức năng từ xa để né tránh, giờ đây nhiều tài xế điều khiển xe quá tải còn bất hợp tác khi bị kiểm tra, khiến công tác xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn. Theo đó, nguy cơ tai nạn giao thông đang gia tăng cao.
Đối phó khi bị kiểm tra
Thời gian gần đây, khi lưu thông trên quốc lộ 22 (tuyến đường huyết mạch ở cửa ngõ phía Tây của TPHCM), người dân nơm nớp lo sợ bị tai nạn vì xe chở hàng quá tải, quá khổ xuất hiện nhiều. Theo quan sát của chúng tôi, phần lớn xe quá tải là xe ben, xe tải, xe đầu kéo chở cát, đá, đất, thép cuộn, trụ bê tông…
Các xe này thường di chuyển vào các khung giờ, thời điểm ít có lực lượng chức năng chốt chặn như trưa, chiều tối, đêm khuya. Trưa 3-3, xe ben 51D-514.1… chở đá xây dựng (1x2cm) vun cao trên thùng, phóng như bay trên quốc lộ 22 hướng quận 12 đi huyện Hóc Môn. Xe chạy đến đâu, đá trên xe rơi vãi đến đó khiến người lưu thông bằng xe máy lo sợ, phải đi sát vào lề.
Chứng kiến hình ảnh trên, ông Trần Thạch Cao (nhà ở góc đường Nguyễn Ảnh Thủ – quốc lộ 22) ngao ngán: “Ngày nào cũng có vài chục đến vài trăm “xe có ngọn” (xe cơi thùng, chở đất đá quá tải – PV) chạy qua tuyến đường này. Hai tháng trước, một xe đầu kéo chở quá tải (hơn chục cuộn thép), chạy rất nhanh, đến chốt đèn đỏ, tài xế thắng gấp làm một cuộn thép trên xe rơi xuống đường, lăn vào làn hai bánh. May mắn chỉ có 1 người đi xe máy bị thương nhẹ”.
Tình trạng xe quá tải cũng đang xuất hiện nhiều tại các tuyến đường ở khu vực cửa ngõ Đông Nam của TPHCM. Nhiều nhất là các tuyến đường Nguyễn Văn Linh, quốc lộ 1A, Mai Bá Hương, tỉnh lộ 10 (huyện Bình Chánh). Mới đây, theo chân lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) huyện Bình Chánh và Thanh tra giao thông (TTGT) TPHCM xử lý các trường hợp xe quá tải trên đường Mai Bá Hương (xã Lê Minh Xuân), chúng tôi thấy ở hai đầu của tuyến đường có nhiều đối tượng tụ tập.
Khi lực lượng chức năng đi vào, lập tức hai trong số các đối tượng trên chạy xe máy bám đuôi. Theo một cán bộ TTGT, những đối tượng tụ tập ở hai đầu đường đều là người của chủ các vựa cát đá, vật liệu xây dựng dọc đường Mai Bá Hương. Các đối tượng này làm nhiệm vụ canh đường, khi thấy lực lượng chức năng thì chạy xe máy bám đuôi để theo dõi, đồng thời điện báo cho chủ các bãi cát đá biết, không để xe quá tải lưu thông ra đường. Tình trạng trên cũng diễn ra phổ biến trên các tuyến đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức), Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh), Huỳnh Tấn Phát (huyện Nhà Bè)…
Người dân ghi hình hỗ trợ CSGT xử phạt
Thanh tra giao thông TPHCM nhận định hành vi chở quá tải, quá khổ là một trong những lỗi vi phạm có nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông cao. Đặc biệt đối với phương tiện chở quá tải, quá khổ là xe ben, xe tải, xe container khi gây tai nạn sẽ rất dễ để lại hậu quả nghiêm trọng. Hiểu rõ hậu quả do các xe chở quá tải gây ra, thời gian qua, TTGT TPHCM đã tăng cường các biện pháp ngăn chặn, xử lý đối với hành vi trên.
Cụ thể, đơn vị đã tham mưu Sở GTVT TPHCM phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền đến chủ các doanh nghiệp vận tải không yêu cầu tài xế chở hàng hóa quá tải. Ngoài ra, TTGT TPHCM tăng cường lực lượng, tổ chức lập chốt ở các tuyến đường có nhiều bến bãi vật liệu xây dựng, có nhiều công trình thi công… để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm.
Tuy vậy, đại diện lãnh đạo TTGT TPHCM nhìn nhận, công tác xử lý xe quá tải thời gian qua có nơi, có lúc chưa mang lại hiệu quả cao. Một phần do doanh nghiệp vận tải, tài xế sử dụng nhiều chiêu thức trong hoạt động như bố trí lực lượng theo dõi, canh đường, chấp nhận bị phạt (do lợi nhuận cao)… Mặt khác, việc xác định, kiểm soát tải trọng phải nhờ vào các trạm cân; thế nhưng, hiện nay số trạm cân ít, nhiều đơn vị không được trang bị cân di động.
Trước đây, việc kiểm tra tải trọng có 3 lực lượng phối hợp gồm CSGT, TTGT và Thanh niên xung phong. Hơn 2 năm nay, lực lượng Thanh niên xung phong không còn tham gia, dẫn đến bị động về lực lượng. Do đó, công tác xử lý xe quá tải gặp nhiều khó khăn. Từ thực tế trên, TTGT TPHCM kiến nghị thành phố nên xem xét, duy trì lại phương án 3 lực lượng tham gia xử lý xe quá tải như trước đây.
Phòng CSGT đường bộ đường sắt (PC08) – Công an TPHCM cho biết, để nâng cao hiệu quả trong xử lý xe quá tải, đơn vị yêu cầu các đội, trạm chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ thường xuyên di chuyển địa điểm tuần tra cũng như địa điểm tập kết, đảm bảo tính bất ngờ; ra quân đồng loạt trên nhiều địa điểm, tuyến đường. Ngoài ra, PC08 kêu gọi người dân ghi hình, quay clip xe vi phạm gửi về cho CSGT để xác minh, tra cứu, xử phạt.
Sáng 4-3, Trương Minh Vũ điều khiển xe đầu kéo 51C-949.62 của Công ty TNHH Thương mại Vận tải Xuất nhập khẩu Trung Tín chở nhiều trụ bê tông lưu thông trên đường Võ Chí Công (phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2). Nghi vấn xe chở quá tải, tổ công tác của Đội TTGT số 5 (TTGT TPHCM) yêu cầu dừng xe. Theo kết quả cân đo, tải trọng trên xe vượt mức cho phép 40,2%, tài xế không xuất trình giấy tờ theo yêu cầu, bỏ đi khỏi hiện trường. “Đây là một cách né tránh, giảm mức xử phạt của các tài xế xe quá tải. Với lỗi chở quá tải, tùy mức độ vi phạm, tài xế sẽ bị phạt hơn chục triệu đồng. Ngoài ra, còn bị tạm giữ bằng lái nhiều tháng, thậm chí có thể bị bấm lỗ, hoặc tước bằng lái. Do đó, khi bị phát hiện lỗi quá tải, tài xế thường bỏ đi để bị lập lỗi không có bằng lái, mức phạt nhẹ hơn, mà còn bằng lái để chạy”, một cán bộ Đội TTGT số 5 chia sẻ. |
Theo sggp.org.vn