Trung Quốc ăn sầu riêng nhiều nhất thế giới, phát thải ra lượng CO2 khổng lồ

Trung Quốc ăn sầu riêng nhiều nhất thế giới, phát thải ra lượng CO2 khổng lồ

MTĐT – Người dân Trung Quốc đang ăn sầu riêng nhiều nhất thế giới. Cũng bởi vậy, Trung Quốc đang phải đối mặt với vấn đề tăng phát thải khí nhà kính khi cây sầu riêng và sản phẩm vỏ sầu riêng tạo ra lượng CO2 khổng lồ.

Nhiều năm nay, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Lượng sầu riêng quốc gia này nhập khẩu tăng mạnh theo từng năm và chưa có dấu hiệu ngừng lại.

Năm 2023, Trung Quốc đã chi khoảng 6,7 tỷ USD để nhập khẩu hơn 1,42 triệu tấn sầu riêng tươi nguyên quả, tăng gần 70% so với năm trước để phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa. Quy mô thị trường sầu riêng ở quốc gia tỷ dân này cũng được dự báo chạm mốc 20 tỷ USD vào năm 2028.

Hiện nay, nguồn cung sầu riêng cho Trung Quốc chủ yếu đến từ Thái Lan và Việt Nam.

Việc nhập khẩu hàng triệu tấn sầu riêng tươi mỗi năm khiến Trung Quốc đối mặt với lượng rác thải sinh học khổng lồ có thể gây ra ô nhiễm môi trường, đặc biệt là vấn đề phát thải khí nhà kính, chuyên gia nông nghiệp Thái Lan Sakda Sinives phân tích về xu hướng của thị trường sầu riêng tại Trung Quốc.

Theo ông Sakda Sinives, phần ăn được (cơm) sầu riêng chỉ chiếm khoảng 30-35% trọng lượng quả, trong khi 65-70% còn lại là vỏ và hạt không ăn được. Năm ngoái, Trung Quốc đã nhập khẩu 1,42 triệu tấn sầu riêng tươi, tức thải ra môi trường khoảng 969.627 tấn chất thải là vỏ và hạt sầu riêng.

Trung Quốc ăn sầu riêng nhiều nhất thế giới, phát thải ra lượng CO2 khổng lồ

Trung Quốc nhập khẩu hàng triệu tấn sầu riêng mỗi năm. Ảnh: Mạnh Khương

Chất thải hữu cơ từ vỏ sầu riêng sẽ tạo phát thải khí nhà kính. Vị chuyên gia Thái Lan này dẫn chứng, quá trình phân hủy kỵ khí chất thải hữu cơ tại các bãi chôn lấp sẽ sinh ra lượng khí mê-tan (CH₄) lớn; quá trình phân huỷ hiếu khí sinh ra carbon dioxide (CO₂); ngoài ra còn sinh ra lượng nitơ oxit (N₂O) từ quá trình phân hủy nitơ trong chất thải là vỏ sầu riêng.

Bên cạnh đó, ông cũng cho biết, quá trình phân hủy rác thải hữu cơ là vỏ sầu riêng còn sinh ra mùi hôi, gây khó chịu và ảnh hưởng đến sức khỏe, đồng thời làm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng tới môi trường sống.

Không đưa ra con số cụ thể lượng phát thải khí nhà kính từ vỏ sầu riêng trong quá trình phân huỷ, song chuyên gia Sakda Sinives cho biết đây là vấn đề Trung Quốc phải đương đầu và đang tìm cách xử lý.

Đáng chú ý, trong quá trình cố gắng phát triển vùng trồng để giảm lượng hàng nhập khẩu, cây sầu riêng Trung Quốc lại phát thải ra nhiều CO2 hơn các loại cây trồng khác.

Các nhà nghiên cứu từ Khoa Tài nguyên và Khoa học Môi trường thuộc Đại học Nông nghiệp Nam Kinh (NAU) cho biết, 1kg sầu riêng sẽ thải ra lượng khí thải tương đương khoảng 2kg carbon dioxide (CO2).

Đây là kết quả nghiên cứu, thu thập mẫu từ các trang trại ở Hải Nam – vùng sản xuất sầu riêng lớn nhất của Trung Quốc hiện nay. Theo đó, trong chu kỳ sinh trưởng của sầu riêng, các quá trình canh tác như tưới tiêu, bón phân và thuốc trừ sâu, đóng gói và vận chuyển… đều tạo ra khí thải carbon.

Cheng Kun – Phó Giáo sư tại NAU, nhận xét, sầu riêng có lượng khí thải carbon cao hơn so với các loại trái cây khác. Tại các vùng trồng, những cây sầu riêng của Trung Quốc mới bắt đầu ra quả trong 2 năm qua. Năng suất thấp hơn trong giai đoạn đầu sinh trưởng của cây sầu riêng dẫn đến lượng khí thải carbon cao hơn trên mỗi quả.

Nhằm giải quyết tình trạng này, các công ty trồng sầu riêng bắt đầu sử dụng than sinh khối, do các nhà nghiên cứu từ NAU phát triển, để làm giàu chất hữu cơ trong đất, cải thiện cấu trúc đất và tăng cường khả năng giữ nước và độ phì nhiêu.

Phương pháp này không chỉ cải thiện chất lượng đất và năng suất sầu riêng mà còn làm tăng đáng kể khả năng cô lập carbon trong đất, dự kiến ​​sẽ cắt giảm hơn 30% lượng khí thải carbon.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh đàm phán để nhập sầu riêng đông lạnh (cơm sầu đã tách vỏ) để đưa về thị trường tiêu thụ. Quá trình đàm phán kỹ thuật cho phép nhập khẩu sầu riêng đông lạnh với Việt Nam đã hoàn tất, nghị định thư dự kiến sẽ được ký kết vào thời gian tới.

Đây được xem là giải pháp để giảm lượng rác thải từ vỏ và hạt sầu riêng, đồng thời giúp Trung Quốc tiết kiệm được khoản chi phí lớn trong vấn đề vận chuyển.

Bởi, do chỉ 30-35% quả sầu riêng có thể ăn được và 65-70% là chất thải, các nhà xuất khẩu sang Trung Quốc phải chịu chi phí vận chuyển lượng chất thải này, chuyên gia Thái Lan Sakda Sinives tính toán. Do đó, nếu đẩy mạnh nhập khẩu sầu đông lạnh trong thời gian tới, Trung Quốc có thể tiết kiệm được vài trăm triệu USD mỗi năm.