Linh kiện iPhone ‘rởm’ bán tràn lan

Linh kiện iPhone ‘rởm’ bán tràn lan

Màn hình, pin, vỏ thay thế cho iPhone tại nhiều cửa hàng được quảng cáo là “chính hãng”, nhưng hầu hết không phải của Apple.

Tìm cửa hàng sửa chữa điện thoại để thay màn hình cho chiếc iPhone X bị vỡ, anh Nguyễn Thịnh (Hà Nội) nhận được hàng loạt báo giá khác nhau từ các cửa hàng. Mặc dù cùng quảng cáo là “màn hình iPhone X chính hãng”, có nơi báo giá 2,5 triệu đồng kèm công lắp đặt, nhưng cũng có nơi 4 triệu đồng.

Chọn nơi có giá rẻ nhất để sửa, nhưng đến khi vào cửa hàng, anh mới được nhân viên kỹ thuật giải thích rằng đây là “màn hình chính hãng của một hãng Trung Quốc”, chứ không phải hàng Apple.

Linh kiện kém chất lượng có thể gây ra nhiều vấn đề với iPhone. Ảnh: TomGuide

Người bán nói màn hình này có giá chỉ bằng một phần ba, nhưng chất lượng hiển thị ngang ngửa hàng Apple thật, đồng thời bảo hành cho anh Thịnh 6 tháng, vì vậy anh vẫn quyết định thay. Tuy nhiên sau vài ngày sử dụng, màn hình bắt đầu có hiện tượng cảm ứng kém nhạy. “Dù vẫn có thể sử dụng, chiếc iPhone không được mượt mà như màn hình ban đầu”, anh nói, đồng thời cho biết phải “chấp nhận dùng vì bên bán chỉ bảo hành nếu màn hình thực sự hỏng”.

Ở Việt Nam, linh kiện sửa chữa iPhone rất dễ kiếm, thậm chí cửa hàng nào cũng có, nhưng phần lớn là hàng chất lượng kém.

Chỉ riêng pin hoặc màn hình, người dùng đã “loạn” với hàng loạt lựa chọn. Tại một đơn vị sửa chữa trên đường Thái Hà (Hà Nội), màn hình cho iPhone X được chia thành bốn loại: màn “bóc máy” – tức màn nguyên bản được lấy từ một chiếc iPhone cùng loại; màn ép kính – tức màn hình nguyên bản còn cảm ứng nhưng vỡ kính, được cửa hàng thay kính để bán; màn hình linh kiện do hãng khác sản xuất và có thể sửa chữa khi hỏng; cuối cùng là màn hình linh kiện không thể sửa chữa. Với pin, nhiều cửa hàng cũng chia ra thành nhiều loại như pin “bóc máy”, pin linh kiện từ các hãng Trung Quốc, hoặc pin “tuồn nhà máy” với giá từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng.

“Các loại linh kiện do bên khác sản xuất thường được cửa hàng quảng cáo lấp lửng là ‘hàng chính hãng’ để dụ người dùng”, một người có kinh nghiệm sửa chữa điện thoại cho biết. 

Theo anh Nguyễn Tâm, một người buôn bán đồ Apple lâu năm, Apple vốn không bán linh kiện. Nếu iPhone bị hỏng, người dùng buộc phải vào các cửa hàng được ủy quyền nếu muốn có linh kiện chính hãng thay thế. “Vì vậy trong trường hợp sửa chữa ở các cửa hàng bên ngoài, người dùng phải chấp nhận chất lượng của chúng không được như ban đầu, đồng thời có thể mất luôn các chế độ chăm sóc khách hàng của Apple sau này”, anh nói.

Tuy nhiên, phần lớn người Việt khi đi sửa iPhone lại chọn những linh kiện iPhone không rõ nguồn gốc. Theo Chí Anh, một người kinh nghiệm điện thoại lâu năm, những linh kiện như vậy tại Việt Nam dễ tìm, giá rẻ và người dùng có thể lấy máy luôn, thay vì giá cao và thời gian chờ đợi lâu khi thay ở hãng. “Chẳng hạn nếu muốn thay màn hình iPhone X từ Apple, người dùng sẽ phải gửi đến cửa hàng uỷ quyền của hãng tại Việt Nam, chờ hàng tuần nếu cửa hàng không có sẵn linh kiện, và mức giá có thể đến cả chục triệu”, anh nói.

“Thị trường linh kiện iPhone tại Việt Nam tuy rẻ, đa dạng nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng và sự an toàn. Người dùng nên sử dụng dịch vụ chính hãng, hoặc tìm đến những cửa hàng uy tín và đặc biệt không nên ‘ham rẻ’ khi thay linh kiện cho iPhone”, anh Chí Anh nhận xét. 

Lưu Quý

Theo Vnexpress.net

Trả lời