Ẩm thực bốn phương, Du lịch, Thông tin
Ba khía muối tự hào món ngon miền biển
Ba khía muối tự hào món ngon miền biển
Ở vùng Rạch Gốc – Ngọc Hiển có nghề muối ba khía gắn bó bao đời nay với người dân nơi đây. Ban đầu ba khía muối chỉ tiêu dùng trong gia đình, dần dần tiêu thụ khắp các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, rồi xuất bán ra thị trường nước ngoài… Nghề này đã tạo sinh kế và mang lại giá trị kinh tế cho người dân nơi đây. Hiện nghề muối ba khía đã trở thành nghề truyền thống và món ba khía muối trở thành đặc sản vang danh khắp nơi.
Càng vinh dự hơn khi nghề muối ba khía Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển được Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) công nhận di sản văn hoá phi vật thể. Đây là niềm tự hào, vừa mang lại giá trị vật chất và tinh thần to lớn cho người dân nơi đây.
Với ưu đãi của thiên nhiên, ba khía tươi tại Ngọc Hiển luôn dồi dào và có quanh năm. Để dự trữ được lâu, người dân đã hình thành nên nghề muối ba khía dùng làm thức ăn cho những chuyến đi rừng, đánh bắt trên biển… Rồi dần dần, ba khía muối được nhiều người biết đến và phát triển cho đến hôm nay.
Để món ba khía được hấp dẫn hơn, chị Châu Thị Đạm (trái), chủ cơ sở ba khía Châu Sang ướp thêm gia vị vài giờ trước khi ăn.
Trưởng phòng VHTT&TT huyện Ngọc Hiển Lê Chí Thắng cho biết, trên địa bàn huyện Ngọc Hiển có 7 xã, thị trấn với trên 20 hộ chuyên làm nghề muối ba khía. Mỗi tháng bán ra thị trường trên 3 tấn ba khía muối. Ba khía muối Rạch Gốc được tiêu thụ hầu khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhiều nhất là khu vực ĐBSCL.
Cũng theo ông Thắng, để gìn giữ và phát huy nghề này, chúng ta phải bảo đảm được nguồn con giống tự nhiên. Do vậy, cần phải có kế hoạch bảo vệ hay phát triển giống ba khía để đảm bảo lượng ba khía muối cung cấp quanh năm.
Do vậy, Ngọc Hiển đang phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân bắt ba khía tránh bắt những con nhỏ.
Cần hình thành khu vực nuôi ba khía. Đây còn là mô hình kết hợp phát triển du lịch để thu hút khách tham quan tìm hiểu về điều kiện sinh sống của con ba khía cũng như nghề muối ba khía của người dân xứ biển này.
Ba khía muối trộn với gia vị trở thành món ăn hấp dẫn, độc đáo.
Với nghề ba khía muối, mỗi gia đình có bí quyết riêng. Nghề này có thể đã truyền lại qua nhiều đời. Nhưng quy chuẩn chung cho ba khía muối được ngon thì người làm phải lựa những con ba khía to, thịt chắc và canh cho độ mặn vừa phải. Nếu không đủ độ mặn, ba khía sẽ bị hôi, còn quá nhiều muối thì ba khía lại mất thịt.
Sau 1 tuần ướp muối, ba khía được tách ra chế biến với những nguyên liệu dân dã như tỏi, ớt, chanh, đường hoà trộn nhau tạo nên món ăn độc đáo của vùng đất cực Nam Tổ quốc,
Chị Nguyễn Hồng Đạm, chủ cơ sở ba khía muối, Khóm 8, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, chia sẻ: Vùng đất Ngọc Hiển được ưu đãi về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thức ăn cho con ba khía… nên ba khía vùng này luôn chất lượng hơn những nơi khác. Đó là thịt thơm, ngon. Bởi ba khía ở đây sinh sống dưới chang đước, ăn trái mắm, cho gạch vàng ươm.
Nghề muối ba khía vùng Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển đã được truyền cho nhiều thế hệ, đến hôm nay đã trở thành Di sản Văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.
Theo chị Đạm, muốn ba khía muối ngon cần chọn con ba khía tươi. Ở Cà Mau người ta chuộng con ba khía cái, còn các nơi khác thì thích con ba khía đực.
Con cái có trứng, nhưng muối lâu hay bị mất thịt, còn ba khía đực thì khoảng thời gian giữ thịt lâu hơn. “Mỗi người, mỗi khu vực có khẩu vị riêng, nhưng với tôi ba khía vùng Rạch Gốc – Ngọc Hiển con cái hay con đực đều ngon. Thời gian muối ba khía khoảng 5-7 ngày là dùng được.
Còn nghề này thì mỗi người có bí quyết riêng. Ba khía muối đã là nghề gia truyền nên phải gìn giữ và phát huy để đi đúng định hướng và chất lượng của nó”, chị Đạm bày tỏ.
Thời điểm hội ba khía từ tháng 8-10 âm lịch, lượng ba khía dồi dào và thịt chắc nên những người lao động địa phương thường tranh thủ bắt ba khía tươi bán cho các cơ sở kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Đây cũng là khoảng thời gian nguồn ba khía dồi dào nhất, mỗi ngày có thể cung cấp ra thị trường vài tấn ba khía muối. Nhưng mỗi năm chỉ có được 1 tháng.
Ông Bông Văn Muội, ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, chia sẻ: “Với những hộ nghèo ở vùng Ngọc Hiển thì việc bắt ba khía từ lâu đã trở thành nghề. Mỗi đêm người bắt ba khía thu nhập từ 200-300 ngàn đồng.
Ba khía tươi được các thương lái thu mua với giá 40 ngàn đồng/kg, có những lúc hút hàng giá thu mua 55 ngàn đồng/kg. Vào mùa ba khía hội, người bắt ba khía thu nhập mỗi đêm trên 1 triệu đồng.
Từ những món ăn dân dã của người lao động, giờ đây ba khía muối được mọi người biết đến nhiều hơn bởi hương vị của ba khía Rạch Gốc không thể trộn lẫn với những nơi khác.
Nghề muối ba khía trên quê hương này sẽ tiếp tục được gìn giữ, phát triển, hình thành làng nghề kết nối với các hoạt động tham quan, khám phá cho du khách trong và ngoài nước.
Ông Lê Chí Thắng chia sẻ thêm: Ngày nay, ba khía được chế biến thành nhiều món khác nhau như ba khía rang me, ba khía luộc, ba khía hấp bia… Nhưng chiếm được vị trí trong lòng người dân và du khách nhất vẫn là món ba khía muối Rạch Gốc./.
Theo CHÍ HIỂU – HỒNG MY (Báo Cà Mau)