Ẩm thực bốn phương, Du lịch, Gia đình, Hướng dẫn nấu ăn
Tuyệt vời cháo ốc gạo miền Tây
Vào mùa nắng, nước trên đồng dần rút cạn phơi mặt đất khô cằn. Theo tập tính, ốc di chuyển vào chân bờ ruộng vùi mình trong lòng đất ngủ yên suốt mùa nắng. Tới mùa hè, khi trời sa mưa, dông vài trận nặng hạt thì đất mềm ra, nước xăm xắp mặt ruộng.
Thời điểm này, họ hàng nhà ốc vặn mình theo chiều xoắn để trồi lên. Bắt ốc chỉ cần quan sát lớp đất mặt bị sụp lộ những vết nứt theo vành miệng ốc, lấy mũi dao cạy nhẹ là tóm được ngay.
Ốc ruộng đầu mùa
Thời kỳ ốc đầu mùa đủ chất bổ dưỡng nên thịt đầy chắc, ngon ngọt. Ngâm nước vo gạo độ vài giờ cho ốc nhả đất cát rồi chặt bỏ phần trôn, rửa sạch lại. Dùng nồi lớn, lót dưới bằng lá sả, lá ổi hoặc lá me, lá chanh bóp dập, sắp ốc lên trên, đổ ít nước.
Đậy kín vung, đun tới nước sôi, ốc bung mày là chín. Pha nước mắm chanh, ớt, chua ngọt cùng nhiều sả băm nhuyễn làm nước chấm.
Có nơi dùng cơm mẻ dằm muối, ớt làm nước chấm cũng rất ngon. Ốc đầu mùa chưa lên khỏi mặt đất nên thịt vàng tươi, ruột chưa có chỉ đen. Lể ra nguyên con ốc mập mạp chấm nước mắm sả cho vào miệng nhai từ từ để cảm nhận đủ đầy hương vị sản vật thiên nhiên đồng nội.
Ốc luộc lấy thịt chà sơ qua muối dùng nấu canh chua lá me non, nêm rau quế hoặc xào sả ớt, nấu cà-ry tạo món ăn lạ miệng trong bữa cơm gia đình. Bọn trẻ hay nướng ốc trên than hồng, chấm muối ớt, ăn vặt mà ngon. Cũng có thể cho thêm ốc vào nồi mắm kho cua đồng, ăn một lần khó quên.
Những quán ăn có thủy sản thường đặt con ốc ruộng lên vị trí khá cao, bởi thực khách cho đây là món ăn rặt khẩu vị miền Tây Nam Bộ: ốc hấp hèm rượu, hấp lá sả, hấp gừng… Đặc biệt, món ốc ướp gia vị nướng nước mắm làm mồi nhắm rượu đã ngon, mà dùng ăn cơm thì bảo đảm căng bụng.
Người nông dân hằng ngày thăm đồng bắt được ốc thường cho vào bao đệm, cột miệng, treo gần giàn bếp để dành. Điều lạ là chẳng cho chúng ăn gì nhưng ốc vẫn sống hằng tháng trời, sạch và mập thịt.
Các bà nội trợ giỏi giang ưa làm món ốc hấp lá gừng. Ra chợ lựa mua vài chục ốc bươu lớn, đúng loại ốc ruộng. Ngâm nước vo gạo một đêm cho sạch, chặt bỏ trôn ốc, luộc chín lể lấy phần thịt, xắt nhỏ cùng lá gừng non, củ hành, tỏi băm. Trộn đều với thịt nạc heo quết nhuyễn, thêm tiêu hột, bột nêm, chút nước mắm ngon.
Tất cả chia đều bằng với số vỏ ốc đã rửa sạch. Đặt lá gừng già ngang miệng vỏ ốc, dùng tay ém nhân đầy vào, lấy mày ốc đậy chặt lên trên. Xếp ốc vào nồi hấp, chừng 15 phút là chín. Cầm hai đầu lá gừng kéo nhẹ ra, mùi thơm bốc lên phát thèm, ăn nóng mới ngon…
Tuyệt vời cháo ốc gạo miền Tây
Một món ốc ngon ở miền Tây phải kể đến là cháo ốc gạo. Mỗi năm, cứ vào Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5) là mùa ốc gạo lại đến. Và như một sự xếp đặt kỳ diệu của thiên nhiên, con ốc gạo vào thời điểm này mập nhất, béo nhất và ngon nhất. Đặc điểm của chúng là sống nơi đáy sông, khi nước chảy thì vùi mình vào đất, khi nước đứng thì ngoi đầu bò ra kiếm các phiêu sinh vật để ăn.
Người dân thường “canh” theo con nước để lặn xuống, hay đứng trên ghe dùng bàn cào để bắt. Nếu trúng nơi ốc nhiều, có thể được vài chục ký rất dễ dàng.
Để chuẩn bị chế biến món ăn này, trước hết làm sạch, đổ ốc ra rổ cho ráo. Kế tiếp, cho ốc vào nồi cùng với vài tép sả đâm giập cho có mùi thơm (hoặc lá ổi cũng được) và dùng nước sôi rưới một ít lên ốc trộn đều (bí quyết để thịt ốc trắng, ngọt, hấp dẫn). Bắc lên bếp nấu chừng 10 phút, khi thấy mùi thơm bốc lên, ốc hở mày là chín.
Thế là dùng gai nhọn lể ruột ốc ra, phi mỡ tỏi thơm rồi cho ruột ốc vào xào chín, nêm gia vị (bột nêm, bột ngọt) cho vừa khẩu vị, múc sẵn ra dĩa. Riêng gạo, chọn gạo ngon vo sạch để ráo, rang hơi vàng (để cháo không bị sệt, có mùi thơm) rồi cho vào nồi nấu cho đến khi hạt gạo nở mềm. Nêm nếm gia vị (muối, đường, bột ngọt) vừa khẩu vị, rồi san vào lẩu để giữ độ nóng.
Cuối cùng, dọn sẵn một dĩa rau vườn (rau má, rau đắng, tần ô…), một dĩa nước mắm ngon nguyên chất trong đó có vài trái ớt. Khi dùng chỉ cần cho một ít rau má, rau đắng… vào tô, múc cháo đổ lên trên cùng với ít ruột ốc (đã xào chín), hành lá xắt nhuyễn, ngò rí và tiêu xay là xong!
Thật ấm cúng trong khung cảnh yên ả, thanh bình nơi miền quê để thưởng thức tô cháu ốc gạo thơm lừng bốc khói đầy hấp dẫn. Múc một muỗng cháo ốc gạo đưa lên miệng “húp” một cái. Vị ngọt, béo, giòn và thơm ngon của ốc hòa lẫn vị đăng đắng của rau đồng lan tỏa vào mọi giác quan…
Theo Báo Cà Mau