Công nghệ, Khoa học & đời sống, Thông tin, Tổng hợp
Vì sao nhiều người ‘nhìn thấy ma’?
Vì sao nhiều người ‘nhìn thấy ma’?
(VTC News) – Nhiều người không nói dối khi tuyên bố mình nhìn thấy ma quỷ, họ tin điều đó đã thực sự xảy ra; cách lý giải của các nhà khoa học đem đến nhiều bất ngờ lý thú.
Có người nói họ đã nhìn thấy ma, hay có những cuộc gặp gỡ kỳ quái với ma quỷ. Nếu như họ không nói dối thì tại sao điều đó xảy ra? Các nhà khoa học đưa ra một số cách giải thích.
Sức mạnh của niềm tin
Nếu bạn là người tin vào điều huyền bí và ai đó nói rằng ngôi nhà, khách sạn hoặc hiệu sách bạn sắp vào bị ma ám, nhiều khả năng bạn sẽ có trải nghiệm ma quái hoặc ít nhất là có cảm giác rùng rợn khi bước vào đó. Điều đó xảy ra vì niềm tin có tác động rất lớn đến cảm nhận của con người.
Năm 1997, các nhà nghiên cứu đưa 22 người vào một nhà hát rùng rợn và yêu cầu quan sát. Một nửa trong họ nói rằng địa điểm này bị ma ám. Những người này vốn nghĩ họ đang đến thăm một nhà hát bị ma ám. Nhiều khả năng họ tin vào “trải nghiệm tri giác mãnh liệt hơn” bởi trước đó các nhà nghiên cứu đã nói về việc nhìn thấy hoặc cảm nhận được sự hiện diện của một thứ gì đó thuộc thế giới khác.
Kết quả nghiên cứu dường như cho thấy rằng, những trải nghiệm huyền bí chủ yếu xảy ra khi mọi người được dẫn dắt để tin rằng ma quỷ tồn tại.
“Điểm lạnh” ma quái?
Giới điều tra về những vụ việc huyền bí thường nói về “điểm lạnh”, các “ngôi nhà ma ám” có xu hướng cũ và tồi tàn. Tuy vậy, việc bạn bước qua “điểm lạnh” nào đó không có nghĩa là bạn đã xâm phạm vào không gian của một linh hồn.
Theo kết luận của Richard Wiseman trong nghiên cứu nổi tiếng về Mary King’s Close, một địa điểm ma quái nổi tiếng, sự hiện diện các “điểm lạnh” có lẽ là do hiện tượng tự nhiên như sự thay đổi nhiệt độ, giảm độ ẩm.
Nghiên cứu này và một nghiên cứu khác mà Richard Wiseman thực hiện năm 2003 đã chỉ ra rằng, con người dễ có nhiều trải nghiệm huyền bí hơn trong các căn phòng/căn hầm nổi tiếng là bị ma ám, so với những nơi chưa từng có ai báo cáo về các cuộc gặp gỡ ma quái – ngay cả khi họ không được thông báo. Wiseman cũng cho rằng, trải nghiệm huyền bí mà mọi người có được ở những nơi này có thể liên quan đến các hiện tượng tự nhiên như từ trường và mức độ chiếu sáng.
Khi căng thẳng, bạn dễ “nhìn thấy ma”
Bài báo cáo “Cơ quan siêu nhiên: Các yếu tố dự đoán sự khác biệt cá nhân và các mối tương quan tình huống” cho rằng, những người có trải nghiệm huyền bí thường cởi mở hơn với ý tưởng về trải nghiệm tâm linh, và cũng có “ranh giới tinh thần mỏng hơn”. Theo báo cáo này, những người trong “môi trường bị đe dọa và mơ hồ” dễ có trải nghiệm huyền bí hơn. Nói cách khác, thay vì nhìn thấy thiên thần hoặc nói chuyện với Chúa, một người đang căng thẳng có thể nhìn thấy “bóng đen trắng của một linh hồn kỳ dị nào đó”.
Kết luận này được đưa ra dựa trên dữ liệu từ nhiều nghiên cứu khác, bao gồm một nghiên cứu đặc biệt về mối liên hệ giữa tình trạng căng thẳng của phụ nữ và trải nghiệm huyền bí. Các nhà khoa học khảo sát một nhóm phụ nữ ở thị trấn ở phía đông Thổ Nhĩ Kỳ và nhận thấy, trong số những người từng bị chấn thương thời thơ ấu hoặc bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương, nhiều người cho biết họ đã trải qua những chuyện như bị ma nhập.
Thấy ma là trục trặc của não
Chẳng ai thích nghe nói mình bị trục trặc về não cả. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pe, khoảng 18% người Mỹ nói rằng họ đã nhìn thấy một hồn ma, vì vậy nếu lý thuyết trên là đúng, chẳng lẽ 1/5 trong số chúng ta có bộ não bị trục trặc?
Vào năm 2006, một nhà thần kinh học ở Thụy Sĩ đã cố gắng cô lập phần não liên quan đến cơn động kinh của một phụ nữ 23 tuổi. Khi ông cho dòng điện chạy qua một phần não nhất định của cô, cô cảm nhận được một bóng người bí ẩn đứng phía sau mình. Đáng sợ hơn, bóng người đó bắt chước cô, khi cô di chuyển, nó cũng sẽ di chuyển. Một số học giả nghĩ rằng, nhà thần kinh học này chỉ đơn giản là kích thích phần não chịu trách nhiệm về cảm giác rùng rợn khiến bệnh nhân có cảm giác đó mà thôi, bởi đôi khi, chúng ta nghĩ mình đang bị theo dõi bởi một thế lực nào đó.
Nhưng không phải. Nghiên cứu sử dụng một thiết bị được gọi là “mũ bảo hiểm”, gửi tín hiệu từ tính đến đầu của người đeo, cho thấy rằng một người có thể được “sắp đặt” để cảm thấy như có bóng ma hiện diện.
Đốm sáng ma quái – trò lừa của ánh sáng
Bạn hẳn từng nghe những ví dụ về loại “bằng chứng” huyền bí này, như bức ảnh chụp một người, một địa điểm hoặc một thứ vô hại khác có những đốm ánh sáng kỳ lạ, đầy ma quái. Các đốm sáng xuất hiện trong ảnh thường chỉ là thông số kỹ thuật của bụi hoặc phấn hoa, côn trùng, độ ẩm trong không khí hoặc thứ gì đó bay lướt qua ống kính của máy ảnh.
Khi nhiếp ảnh gia sử dụng đèn flash, những thứ này sẽ phản chiếu ánh sáng và tạo ra hình ảnh đốm sáng đáng sợ. Đèn flash càng gần ống kính của máy ảnh, ánh sáng càng dễ phản xạ các hạt trong không khí và càng có nhiều khả năng máy ảnh chụp được thứ gì đó có thể bị nhầm với một con ma.
“Nhìn thấy ma” khi bị tê liệt trong giấc ngủ
Bạn có thể từng gặp phải hiện tượng “tê liệt khi ngủ”. Lúc này, bạn chìm sâu vào trạng thái mơ màng, nửa tỉnh nửa mê và không thể di chuyển.
Sự tê liệt thực sự cần thiết cho giấc ngủ an toàn. Nhờ đó, bạn không tung cú đấm với người đối diện mình khi mơ. Nhưng khi bạn trải nghiệm nó trong trạng thái gần như tỉnh táo, nó có thể thực sự đáng sợ. Nếu trùng hợp gặp ác mộng, bạn có thể cảm thấy giống như mình đang trải nghiệm một sự huyền bí nào đó.
Tình trạng tê liệt khi ngủ rất phổ biến. Khoảng 8% số người được hỏi cho biết, họ trải qua triệu chứng này ít nhất một lần và một số người gặp thường xuyên. Nhưng cảm giác về bóng ma ở cuối giường chỉ là một đặc điểm của chứng tê liệt khi ngủ chứ không phải là những chuyến viếng thăm huyền bí.
Hội chứng “đầu nổ tung”
Tương tự như chứng tê liệt khi ngủ, hội chứng “đầu nổ tung” cũng xảy ra khi bạn đang ngủ. Trải nghiệm thường diễn ra như sau: Bạn đang ngủ gật và đột nhiên nghe thấy tiếng động lớn ở đâu đó trong nhà. Khi tỉnh dậy, bạn không thấy điều kỳ lạ nào cả. Có thể đó là biểu hiện của hội chứng “đầu nổ tung”.
Nhà thần kinh học JMS Pearce cho rằng hiện tượng trên là do lỗi đồng bộ hóa trong não. Khi bạn đang chìm vào giấc ngủ, cơ bắp, mắt và tai… rơi vào trạng thái nghỉ ngơi. Nếu khi ngủ, bạn đột nhiên nghe thấy “tiếng nổ” ảo, có thể não của bạn đã đóng tất cả các chức năng đó, hoặc bị xáo trộn thay vì tắt tất cả các tế bào thần kinh thính giác.
“Nhìn thấy ma” là chiến lược của não
Cho dù bạn có tin vào ma hay không, việc “bóc mẽ” khi ai đó cho rằng họ đã được linh hồn của người thân đã khuất đến thăm là điều vô cùng tàn nhẫn.
Những người mất đi thân nhân thường cho biết họ có các trải nghiệm huyền bí, đặc biệt là trong giai đoạn đầu đầy đau buồn. Chúng có thể bao gồm những giấc mơ sống động về việc được người thân quá cố đến thăm, hoặc cảm giác bị theo dõi, thậm chí thấy những hình ảnh thoáng qua về người đã chết. Theo BBC, giới khoa học gọi những trải nghiệm này là “chiến lược đối phó” của bộ não đau buồn. Việc chấp nhận sự ra đi của người thân sẽ dễ dàng hơn nếu bạn nghĩ người đó vẫn tồn tại dưới hình thức khác, so với việc tin rằng người đó đã ra đi mãi mãi. Vì vậy, bộ não tạo ra những cuộc gặp gỡ tâm linh với người đã khuất như một cách để xoa dịu cảm giác đau buồn.
Ngộ độc carbon monoxide
Nếu ngôi nhà yên bình của bạn bỗng nhiên có vẻ bị ma ám hay xuất hiện thứ gì đó có thể gây chết người, một cái lò bị trục trặc chẳng hạn, trước khi gọi chuyên gia trừ tà, hãy đảm bảo rằng các thiết bị báo động carbon monoxide đang hoạt động. Nếu chúng không hoạt động, hãy ra ngoài cho đến khi thợ sửa thiết bị khắc phục xong sự cố.
Vào những năm 1920, Tạp chí Nhãn khoa ghi lại trường hợp kỳ lạ của một cặp vợ chồng tin rằng họ đang sống trong ngôi nhà ma ám. Theo Vintage News , người phụ nữ này cho biết đã nghe thấy tiếng bước chân và tiếng ai đó đẩy đồ đạc xung quanh, mặc dù không có ai khác ở đó. Cô cũng cảm thấy như bị theo dõi, và có lúc cô tỉnh dậy thì thấy ma đứng dưới chân giường.
Cặp đôi đã nói chuyện với bác sĩ nhưng phải đến khi các chuyên gia đến kiểm tra nhà, họ mới phát hiện ra nguyên nhân thực sự là vụ rò rỉ khí carbon monoxide trong lò, đủ để gây ra ảo giác nhưng không quá tệ để gây ra cái chết.
Những tần số âm thanh siêu thấp
Nếu bạn nghĩ rằng các giải thích khoa học trên không đủ thuyết phục thì đây là một giả thuyết khác: Theo ProSoundWeb, bóng ma có thể là ảo ảnh tần số thấp do “sóng đứng” gây ra. Thử nghiệm trên một thanh kiếm đấu và một chiếc quạt cho thấy, chiếc quạt phát ra âm thanh tần số thấp khiến thanh kiếm rung lên và người thực hiện thử nghiệm cảm thấy như đang bị theo dõi.
Những âm thanh có tần số dưới mức con người nghe thấy có thể gây ra các cảm giác thể chất và sự sợ hãi. Sóng biển, ống rung và thậm chí một số loài động vật như cá voi và voi cũng có thể tạo ra hạ âm. Khi âm thanh ở tần số thích hợp, nó cũng có thể khiến mắt rung lên, điều này giải thích tại sao một số người đang tiếp nhận sóng hạ âm tin rằng họ đã nhìn thấy ma.