Công nghệ, Thế giới xe, Thông tin
Hyundai Pony – chiếc ôtô đầu tiên của người Hàn Quốc
Hyundai Pony – chiếc ôtô đầu tiên của người Hàn Quốc
Hyundai Pony là sản phẩm tập hợp trí tuệ quốc tế, đánh dấu bước chuyển mình của kinh tế Hàn Quốc sau chiến tranh.
Năm 1974, triển lãm ôtô hàng đầu Italy được tổ chức ở Turin, quê nhà của Fiat. Dễ thấy rằng, triển lãm Turin có lợi thế sân nhà rõ rệt, và những thương hiệu xe Italy nổi tiếng nhất thường chọn sự kiện này để công bố siêu xe của họ. Triển lãm Turin 1974 có sự góp mặt của nhiều mẫu xe bắt mắt, từ các nhãn hiệu quen thuộc như Lamborghini Bravo, Maserati Medici I concept Ferrari Cr25, và một cái tên lạ lẫm, mẫu Pony concept, từ Hyundai.
Mẫu Pony concept khi ấy hãnh diện khoe vẻ ngoài trông như cái nêm chặn cửa. Có thời, dường như mọi nhà thiết kế đều tin rằng ôtô của tương lai sẽ do James Bond hoặc các nhân vật phản diện trong bộ phim cùng tên điều khiển, và chiếc xe đó phải chạy được ở dưới nước cũng như ở trên cạn.
Chiếc xe có phần đuôi dài, ngoài hốc bánh xe ra, thì không có đường cong rõ rệt nào cả, chỉ có góc và đường thẳng. Thiết kế đó không hẳn là xấu, và người ta thậm chí có thể vạch những đường kẻ chấm dọc theo bản thiết kế chiếc Pony concept để vẽ nên mẫu DeLorean mà không bị sai lệch quá nhiều.
Hình dung lại khung cảnh ở Turin năm ấy, gian trưng bày ôtô phô ra những thân xe đẹp đẽ nhất của những nhà thiết kế người Italy giỏi nhất đến từ Pininfarina, Fiat, Ferrari, Lamborghini, Maserati, tất cả đều gồng lên những cơ bắp khoẻ mạnh và bóng bảy, thể hiện tột bậc trình độ thiết kế ôtô qua bảy thập kỷ. Và bên cạnh chúng, là chiếc ôtô đến từ hãng xe Hàn Quốc mới 7 năm tuổi, được giới thiệu bởi những người mẫu mặc hanbok, trang phục truyền thống của đất nước này.
Nhìn lại lịch sử ngành công nghiệp ôtô Hàn Quốc khi ấy, những cố gắng đầu tiên nhằm chế tạo xe hơi đã diễn ra cục bộ vào năm 1955, khi một công ty nhỏ bắt đầu lắp ráp bản sao của những chiếc xe Jeep Mỹ, phần lớn sử dụng linh kiện dư thừa từ xe quân đội bị tháo dỡ. Nỗ lực của họ cũng thu hút được nhiều sự chú ý và tán dương khi ấy, nhưng công ty này cũng chỉ sản xuất được một số lượng rất nhỏ ôtô, bởi thị trường còn quá yếu và chính phủ thì thờ ơ. Vào những năm 1960, vài doanh nghiệp Hàn Quốc đã thử lắp ráp xe Nhật và Mỹ, nhưng cũng chỉ đạt được thành tựu hạn chế, bởi Hàn Quốc thiếu vốn và công nghệ, thị trường nội địa lại quá nhỏ.
Mọi thứ thay đổi vào đầu những năm 1970, khi chính phủ Hàn Quốc quyết định đẩy mạnh ngành công nghiệp ôtô trở thành một trong những nguồn thu ngoại tệ chủ yếu cho đất nước. Đây dường như là một quyết định táo bạo và liều lĩnh. Bởi, tới đầu những năm 1960, Hàn Quốc không có bất cứ ngành công nghiệp hiện đại nào cả, và đầu những năm 1970, nước này vẫn được biết tới chủ yếu với vai trò là nhà sản xuất hàng may mặc, đồ chơi và tóc giả giá rẻ.
Tổng thống Park Chung-hee, nhà lãnh đạo độc tài khi ấy, đã thấy được viễn cảnh cho tương lai của Hàn Quốc, và viễn cảnh ấy không bao gồm làng quê thôn dã, với nhà tranh mái lá, mà thay vào đó là cao tốc quốc lộ, nhà máy thép và những xưởng đóng tàu khổng lồ.
Chính quyền quân sự không chọn việc tự do cạnh tranh trong nền công nghiệp ôtô mới nổi đó, mà đưa ra một danh sách những công ty sẽ được phép (trên thực tế, là được yêu cầu) để sản xuất ôtô hàng loạt. Danh sách đó chỉ gồm ba công ty: Hyundai, Kia và Daewoo.
Từ năm 1967, Hyundai đã bắt đầu tích luỹ tri thức chuyên môn thông qua việc lắp ráp ôtô của các hãng khác. Cortina là mẫu xe đầu tiên do hãng này hợp tác sản xuất với công ty Ford châu Âu. Sự kiện ra mắt Cortina là bước đầu tiên cho một chặng đường lâu dài và thành công của Hyundai. Chế tạo tại nhà máy ở Ulsan, phía đông nam đất nước, mẫu xe này chính là vật may mắn động viên người sáng lập Hyundai, Chung Ju-Yung, trong công cuộc kinh doanh của ông.
Ngay sau khi ra mắt mẫu xe Cortina, nhà sáng lập Hyundai quyết định dồn hết lực lượng nhằm tạo ra một hãng ôtô độc lập và vững mạnh. Hãng xe, dưới quyền điều hành của Chung Ju-Yung, thừa quyết tâm, nhưng thiếu chuyên môn. Vì thế, để thực hiện ước mơ tạo nên những chiếc ôtô chất lượng cao, được sản xuất hàng loạt cho nhân dân Hàn Quốc, Chung Ju-Yung đã mời về chuyên gia từ khắp thế giới.
Về phương pháp kỹ thuật và chế tạo, Hyundai thuê George Turnbull, giám đốc điều hành hãng xe British Leyland, từ Anh quốc. Turnbull sử dụng Morris Marina làm nền tảng chế tạo mẫu xe đầu tiên của Hyundai. Bởi Hyundai chưa chế tạo được động cơ ôtô của riêng mình, nên hãng này dùng động cơ 1,2 lít và bộ truyền động của Mitsubishi. Còn phần thiết kế, thành tố thiết yếu nhất của mẫu xe đầu tiên, Hyundai thuê Giorgetto Giugiaro, nhà thiết kế ôtô người Italy, tác giả của các mẫu xe Maserati Ghibli, Alfa Romeo 159 và VW Golf Mk1.
Hyundai đã biến mẫu Pony concept thành chiếc ôtô sản phẩm đầu tiên, là thương hiệu nhận diện của hãng xe này trong suốt nhiều năm. Pony không phải là điều kỳ diệu chỉ xảy ra một lần, mà là một sản phẩm quốc tế, báo trước quy mô toàn thế giới của hãng xe này.
Đó chỉ là vấn đề thời gian, trước khi Hyundai bắt đầu bán tạo phẩm danh giá của mình ra thị trường toàn cầu. Ban đầu, hãng xuất khẩu xe sang Ecuador, và sau đó nhanh chóng mở rộng ra phần còn lại của thế giới, từ Nam Mỹ sang châu Âu rồi Bắc Mỹ. Trên thực tế, từ giữa những năm 1980, Pony đã trở thành ôtô có doanh số cao nhất ở Canada. Trong lúc chưa thâm nhập được vào thị trường Mỹ, hãng đã gầy dựng nên danh tiếng ở nhiều nước khác.
Dĩ nhiên, việc mở rộng cũng mang lại không ít vấn đề, một trong số đó là kiểm soát chất lượng. Trong khi việc kinh doanh ôtô ở thị trường mới là Hàn Quốc tương đối dễ dàng, Hyundai gặp đôi chút khó khăn trong việc chiều lòng các khách hàng ở thị trường ngoại quốc. Các chuyên gia nhanh chóng nhận thức được rằng họ phải tập trung vào sự vượt trội, song song với phát triển, và chiến lược tăng trưởng chất lượng dài hạn của Hyundai ra đời.
Suốt những năm 1980, Hyundai tăng trường với tốc độ phi mã, đạt được những thành tựu to lớn trên thị trường quốc tế. Đến năm 1986, hãng này đạt được một trong những mục tiêu lớn nhất, là thâm nhập vào thị trường Mỹ. Ban đầu hãng cũng gặp nhiều khó khăn, do tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt, nhưng chẳng bao lâu Hyundai cũng thành công trong việc đáp ứng được các yêu cầu đó.
Hyundai đạt được thắng lợi ấy nhờ mẫu xe “Excel”, phiên bản cải tiến của mẫu Pony với dẫn động cầu trước và giảm thiểu khí thải. Mẫu xe Hàn Quốc đầu tiên bán ra ở thị trường Mỹ có hai phiên bản: sedan 4 cửa và hatchback 5 cửa, cả hai đều được trang bị động cơ 4 xi-lanh. Cuối cùng, chiếc xe nhỏ bé của Hyundai cũng khẳng định được vị thế, là địch thủ đáng gờm trên trường quốc tế.
Một lần nữa được thiết kế bởi Giorgio Giugiaro, Pony Excel là sản phẩm dành riêng cho thị trường nước ngoài. Là lựa chọn thay thế hiệu quả cho nhiều mẫu xe nội địa, Pony Excel được khách hàng ưa chuộng (là xe nhập khẩu bán chạy nhất năm 1986), và đánh giá cao (lọt vào danh sách những sản phẩm tốt nhất của Forbes).
Ngày nay, trải qua bao vật đổi sao dời, ở Hyundai nhiều thứ vẫn giữ nguyên như cũ. Nhà máy sản xuất chính của hãng vẫn đặt ở Ulsan, nơi tạo ra chiếc ôtô đầu tiên, chỉ là nay nó đã trở thành trung tâm chế tạo ôtô tích hợp lớn nhất thế giới. Đây là minh chứng cho sự phát triển của công ty được tạo ra từ những khởi đầu khiêm tốn khi là nhà sản xuất ôtô hàng loạt đầu tiên của Hàn Quốc. Với năng suất hàng năm đạt 1,6 triệu xe.
Và Pony tại Hàn Quốc, Excel tại Mỹ chính là tiền thân của mẫu xe cỡ nhỏ bây giờ, Hyundai Accent.
Mai Huyền
Nguồn: https://vnexpress.net/hyundai-pony-chiec-oto-dau-tien-cua-nguoi-han-quoc-4339878.html |