Công nghệ, Thế giới xe, Thông tin
Nhật thử nghiệm thành công ôtô bay
Công ty Nhật Bản SkyDrive thử thành công nguyên mẫu xe bay với một người điều khiển và đặt mục tiêu hoàn thiện sản phẩm vào năm 2023.
Hình ảnh được SkyDrive công bố hôm 28/8 cho thấy ôtô bay cỡ nhỏ treo lơ lửng ở độ cao 1-2 mét so với mặt đất trong vòng 4 phút liền. Tomohiro Fukuzawa, trưởng dự án ôtô bay của SkyDrive, cho biết ông hy vọng sản phẩm này sẽ được hoàn thiện và đưa ra thị trường năm 2023, nhấn mạnh rằng bảo đảm an toàn là một trong những yêu cầu cao nhất.
“Trong hơn 100 dự án ôtô bay trên toàn thế giới, chỉ có vài mẫu xe thử nghiệm thành công với người điều khiển ngồi trong khoang lái. Tôi hy vọng nhiều người sẽ được sử dụng phương tiện này và cảm thấy nó an toàn”, Fukuzawa nói. Ông cho biết mẫu xe hiện nay chỉ bay được 5-10 phút, nhưng thời gian này có thể kéo dài tới 30 phút và thiết kế xe bay vẫn còn nhiều tiềm năng.
Dự án SkyDrive bắt đầu vào năm 2012 với sự hỗ trợ tài chính từ nhiều tập đoàn hàng đầu Nhật Bản như Toyota, Panasonic và Bandai Namco. Chuyến bay thử đầu tiên diễn ra vào năm 2017 nhưng thất bại. SkyDrive đã cải tiến nguyên mẫu nhiều lần trước chuyến bay thành công hôm 28/8 và mới nhận thêm khoản ngân sách 37 triệu USD từ nhiều tổ chức, trong đó có Ngân hàng Phát triển Nhật Bản.
Chính phủ Nhật cũng đang theo đuổi tham vọng về xe bay, trong đó đặt lộ trình ứng dụng dịch vụ kinh doanh từ năm 2023 và đưa vào vận hành thương mại trong thập niên 2030, nhấn mạnh tiềm năng sử dụng phương tiện này ở những khu vực hẻo lánh và bảo đảm giao thông trong thảm họa.
Khác với trực thăng, xe điện cất hạ cánh thẳng đứng (eVTOL) mang đến giải pháp di chuyển nhanh chóng giữa hai địa điểm cho cá nhân, đồng thời tránh những vấn đề với máy bay truyền thống như tắc đường quanh sân bay và chi phí thuê phi công.
Dù vậy, ôtô bay vẫn đối mặt nhiều thử thách như kích cỡ ắc quy, kiểm soát không lưu và cơ sở hạ tầng trước khi có thể được thương mại hóa.
“Nhiều thứ sẽ phải diễn ra để ôtô bay trở nên phổ biến. Sẽ không ai mua chúng nếu mỗi xe có giá tới 10 triệu USD hay chỉ bay được trong 5 phút. Cũng không ai sẵn sàng sở hữu phương tiện này nếu tỷ lệ tai nạn quá cao”, Sanjiv Singh, giáo sư Viện Robot thuộc Đại học Carnegie Mellon ở Mỹ, nhận xét.
Điệp Anh (theo Techxplore)
Theo Vnexpress.net