Ẩm thực bốn phương, Du lịch, Thông tin
Bến Tre: Cây mít Tố Tây trái từ gốc tới ngọn, 8 tháng “chửa đẻ”
Bến Tre: Cây mít Tố Tây trái từ gốc tới ngọn, 8 tháng “chửa đẻ”
Ông Nguyễn Văn Xồi, ở ấp Phụng Đức A, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) đang sở hữu cây mít Tố Tây 49 năm tuổi. Đây là cây mít được xem là của hiếm ở miền Tây bởi thời gian cho trái kéo dài từ tháng 11 âm lịch năm nay sang tận tháng 6 âm lịch năm sau. Đặc biệt, cây mít của hiếm này mỗi mùa ra trái từ gốc cho tới ngọn, ra trái từng chùm lúc nhúc…
Ông Xồi bên cây mít Tố Tây ra trái từ gốc cho tới ngọn.
Cây mít Tố Tây gần 50 tuổi này ra trái từng chùm như chùm nho, mỗi chùm có hàng chục trái, thậm chí không hiếm chùm mít có tới 30 trái mà trái nào cũng có múi.
Theo ông Xồi, đây là giống mít Tố Tây. Cây cho trái từ tháng 11 đến tháng 6 âm lịch hàng năm. Đặc biệt, cây cho trái từ gốc đến tận trên ngọn. Chùm trái sai nhất 30 trái, ít nhất cũng vài trái. Mỗi trái nặng từ 2-3kg. Mít Tố Tây có hạt nhưng không to, múi màu đỏ, vị rất ngọt. Giá bán mít trái Tố Tây là 10 ngàn đồng/kg.
Cây mít Tố Tây là của hiếm của gia đình ông Xồi nên năm nào bán trái cũng đắt hàng bởi sản lượng có hạn.
Chùm mít Tố Tây đạt giải nhì tại hội thi đấu xảo lần thứ 17.
“Năm 2018, tôi đem 1 chùm mít 23 trái dự Hội thi đấu xảo tại Lễ hội Cây – trái ngon, an toàn tỉnh Bến Tre lần thứ 17, đạt giải nhì. Hiện, tôi đang chăm sóc 1 chùm mít có số lượng trái nhiều hơn để tiếp tục dự thi đấu xảo Lễ hội Cây – trái ngon, an toàn tỉnh Bến Tre lần thứ 18 năm 2019 sẽ diễn ra vào tháng 6-2019. Tôi muốn cho khách tham quan được tận mắt ngắm nhìn chùm mít cho trái sai mà ít nhà vườn nào có được” – ông Xồi chia sẻ.
Theo ông Xồi, giống mít Tố Tây này chịu hạn tốt, nhu cầu nước tưới rất ít, trồng trên đất cằn, nước ô nhiễm cây vẫn sinh trưởng, phát triển tốt. Ðặc biệt giống Tố Tây gần như không phải bón phân và dùng thuốc bảo vệ thực vật như các loại cây ăn trái khác, mỗi tuần thu hoạch một lần nên trái chín tự nhiên, da xanh, múi vàng trông rất đẹp mắt
Theo Báo Đồng Khởi