Tỷ giá USD/VND tăng: Có gây áp lực hoạt động kinh tế?

Tỷ giá USD/VND tăng: Có gây áp lực hoạt động kinh tế?

Không phải do cung cầu

Sau khi giữ ổn định trong 7 tháng đầu năm, tỷ giá USD/VND đã bật tăng trở lại kể từ đầu tháng 8-2023. Trong ngày 22-8, mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm ở mức 23.886 đồng/USD, giảm 11 đồng so với hôm trước, nhưng các ngân hàng thương mại (NHTM) lại đồng loạt tăng giá USD lên tới 65 đồng/USD.

Theo đó, mức giao dịch phổ biến 23.615-23.690 đồng/USD mua vào và khoảng 23.990-24.040 đồng/USD bán ra. Trên thị trường tự do, giá bán USD tại TPHCM cũng tăng mạnh 140 đồng/USD so với hôm trước, giao dịch ở mức 24.040-24.140 đồng/USD.

Tỷ giá USD/VND tăng: Có gây áp lực hoạt động kinh tế? ảnh 1

Một điểm thu đổi ngoại tệ ở phường Bến Thành, quận 1, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Phân tích những biến động trên thị trường ngoại hối thời gian qua, các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán MB cho biết, trong bối cảnh Việt Nam duy trì mức thặng dư thương mại lớn là 16,2 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân đạt 11,58 tỷ USD và dự trữ ngoại hối tăng lên mức 93 tỷ USD cho thấy biến động tỷ giá tăng mạnh không phải do yếu tố cung cầu.

Nguyên nhân chủ yếu được nhìn nhận đến từ áp lực thị trường ngoại hối toàn cầu, khi chỉ số USD (USD-Index) tăng lên mức 103 điểm trong 2 tuần đầu tháng 8-2023. So với đầu năm, đa phần các đồng tiền trong khu vực cũng mất giá so với USD dao động từ 3%-5% nên VND cũng chịu sức ép giảm giá từ yếu tố này.

Cùng với đó là yếu tố vụ mùa. Thời điểm tháng 8, 9 và cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao nên doanh nghiệp có nhu cầu nhập hàng để sản xuất/nhập hàng để bán trong nước cũng tăng lên nên tỷ giá thường có xu hướng tăng cao.

TS Trương Văn Phước, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng, tỷ giá biến động thời gian qua còn có nguyên nhân từ yếu tố nội tại. Tăng trưởng tín dụng ở mức thấp trong khi huy động vẫn cao, vốn khó chảy ra nền kinh tế dẫn đến hiện tượng thừa tiền trong ngân hàng.

Trên thị trường liên ngân hàng, đồng USD đang giao dịch với lãi suất hơn 5%/năm, trong khi lãi suất VND chỉ 0,5%-0,7%/năm nên có hiện tượng tổ chức tín dụng chuyển hóa lượng VND dư qua USD để cho vay lại. Các động thái nới lỏng tiền tệ và thông điệp mạnh mẽ của NHNN đã khiến chênh lệch lãi suất giữa VND và USD duy trì ở mức cao, khuyến khích nắm giữ USD, qua đó gây sức ép lên VND.

Chỉ mang tính chất ngắn hạn

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, tỷ giá tăng sẽ là một trong những yếu tố khiến xu hướng hạ lãi suất bị “ghìm chân” và NHNN cần cẩn trọng, linh hoạt, đặc biệt trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vẫn để ngỏ kế hoạch tăng lãi suất vào tháng 9 tới.

Tuy nhiên, hiện NHNN phản ứng chính sách tương đối kịp thời và đúng hướng, do đó, tỷ giá USD/VND vẫn được kiểm soát. Tỷ giá tăng đang gây áp lực lên VND nhưng không gây áp lực lên ổn định kinh tế vĩ mô và mức giảm giá của VND so với USD vẫn còn khá thấp so với các đồng tiền khác trong khu vực.

Ông Pyon Young Hwan, Giám đốc phụ trách mảng giao dịch ngoại hối và phái sinh của Ngân hàng Shinhan Việt Nam, nhận định, trong ngắn hạn, tỷ giá đang đe dọa mốc 24.000 đồng/USD. Chênh lệch lãi suất giữa Mỹ – Việt Nam ngày càng lớn, sự phục hồi của nhập khẩu sau khi sụt giảm đáng kể là những yếu tố đang gây áp lực tăng cho tỷ giá trên thị trường.

Tỷ giá USD/VND tăng: Có gây áp lực hoạt động kinh tế? ảnh 2

Giao dịch thu đổi ngoại tệ tại Ngân hàng HD Bank, quận 1, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

“Càng về những tháng cuối năm, với việc sản xuất toàn cầu phục hồi, tỷ giá hối đoái dự kiến giảm trở lại, trung bình quanh mức 23.500 đồng/USD trong quý 4-2023”, ông Pyon Young Hwan cho hay.

Theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán của HSBC Việt Nam, trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Mỹ vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất thì ở phía ngược lại, NHNN Việt Nam là một trong những ngân hàng trung ương đầu tiên ở châu Á đã cắt lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Tính từ đầu năm, NHNN đã tổng cộng 4 lần hạ lãi suất điều hành, đưa mức chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ lên mức kỷ lục từ trước tới nay.

“Biến động tăng đột biến của tỷ giá VND/USD chỉ mang tính chất ngắn hạn. Trong trung và dài hạn, VND vẫn có khả năng tăng giá trở lại”, ông Khoa đánh giá. Các cơ sở có thể tin tưởng vào việc tỷ giá sẽ ổn định trở lại trong thời gian tới được ông Khoa đưa ra là: USD được dự báo sẽ suy yếu trong những tháng cuối năm khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã đạt tới gần cuối chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ; các yếu tố nội tại của Việt Nam đưa ra những dấu hiệu tích cực về cán cân thương mại hàng hóa Việt Nam; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam trong 7 tháng đầu năm tăng.

TS Trương Văn Phước cũng cho rằng, mặc dù tăng trưởng kinh tế trong năm nay dự báo có thể thấp hơn so với mục tiêu đề ra (theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế thì Việt Nam sẽ tăng trưởng gần 5%), nhưng vẫn là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Thị trường chứng khoán vẫn đang phục hồi; lượng vốn vào Việt Nam có triển vọng ổn định; cán cân thương mại tốt… nên tỷ giá VND/USD sẽ không có biến động mạnh trong quý 4-2023.

Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cấp cao Học viện Tài chính, việc tỷ giá USD/VND tăng cao sẽ ảnh hưởng lớn đến nhóm doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Có thể thấy, phía NHNN mong muốn giữ ổn định tỷ giá, song sức ép thị trường vẫn hiện hữu.

Vì vậy, NHNN cần điều hành chính sách tiền tệ hài hòa để vừa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa, đồng thời đẩy mạnh hoạt động tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn cuối năm. Các doanh nghiệp cần cẩn trọng trong việc mua bán USD để giảm sức ép cho thị trường, đồng thời đảm bảo hiệu quả trong kinh doanh.