Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán chưa thoát khỏi xu hướng ảm đạm

Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán chưa thoát khỏi xu hướng ảm đạm

(ĐTCK) VN-Index nhích nhẹ; Cho vay dễ, đòi nợ khó; Vốn ngoại “dìm” cổ phiếu doanh nghiệp; Doanh nghiệp khản tiếng kêu cứu – Bài 3: Đến chính quyền cũng phải ‘kêu’ tới Thủ tướng; Dầu thô tăng giá sau lo ngại căng thẳng trên Biển Đỏ…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 21/12 giảm 300.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng trở lại 500.000 đồng/lượng, hiện đứng ở mức 74,80 – 75,82 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 8,47 USD xuống 2.031,78 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng nhích nhẹ và giằng co quanh 2.035 USD/ounce cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 102,35 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 21/12 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.920 đồng/USD. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.160 – 24.500 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên 43.700 USD thì sang phiên hôm nay đã chững lại và đi ngang quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,24 USD (+0,32%), lên 74,46 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,25 USD (+0,31%), lên 79,95 USD/thùng.

VN-Index tăng nhẹ lên 1.100 điểm

Sau phiên sáng giảm nhẹ và gần như không có điểm nhấn giao dịch nào, một phần do sự thận trọng từ sớm trong ngày đáo hạn hợp đồng tương lai chỉ số VN30, thị trường bước vào phiên chiều cố gắng hồi phục, nhưng cũng rất khó nhọc và may mắn vượt nhẹ lên trên tham chiếu ở những phút cuối nhờ bảng điện tử cũng như nhóm bluechip cân bằng hơn.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 17,25 triệu đơn vị, giá trị bán ròng 557,72 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 21/12: VN-Index tăng 1,67 điểm (+0,15%), lên 1.102,43 điểm; HNX-Index tăng 0,31 điểm (+0,14%), lên 228,48 điểm; UpCoM-Index tăng 0,68 điểm (+0,79%), lên 86,16 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ điều chỉnh khá mạnh trong phiên thứ Tư (20/12), khi các nhà đầu chốt lời sau đợt tăng mạnh gần đây, được thúc đẩy bởi khả năng xoay trục chính sách của Fed.

Cả ba chỉ số chính của phố Wall đã tăng hơn 2% kể từ cuộc họp ngày 13/12 của Fed, nơi các nhà hoạch định chính sách dự báo lãi suất sẽ được cắt giảm vào cuối năm 2024, với Dow Jones ghi nhận mức cao kỷ lục mới và S&P 500 đang tiến lên mức cao nhất kể từ tháng 1/2022.

Kết thúc phiên 20/12: Chỉ số Dow Jones giảm 475,92 điểm (-1,37%), xuống 37.082,00 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 70,02 điểm (-1,47%), xuống 4.698,35 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 225,28 điểm (-1,50%), xuống 14.777,94 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, chịu ảnh hưởng từ phiên điều chỉnh sâu trên Phố Wall đêm qua, trong khi cổ phiếu của nhà sản xuất ô tô Toyota lao dốc do vụ bê bối kiểm tra an toàn tại đơn vị Daihatsu Motor.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 mất 1,59% xuống 33.140,47 điểm. Chỉ số Topix giảm 1% xuống 2.325,98 điểm.

Hôm thứ Tư, Nikkei 225 đã đạt 33.824,06 điểm, tiệm cận mức cao nhất trong 33 năm của tháng trước là 33.853,46 điểm, sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản giữ nguyên chính sách lãi suất âm.

“Sự sụt giảm của Nikkei 225 là một phản ứng đối với những gì đã xảy ra trên thị trường chứng khoán Mỹ đêm qua khi các chỉ số trên phố Wall đã vào vùng quá mua”, Masayuki Kichikawa chiến lược gia vĩ mô của Sumitomo Mitsui DS Asset Management cho biết.

Đáng chú ý nhất phiên này là cổ phiếu lớn Toyota giảm hơn 4%, sau khi đơn vị sản xuất ô tô nhỏ của họ cho biết sẽ tạm dừng tất cả các lô hàng sau khi một ủy ban độc lập phát hiện ra rằng các thử nghiệm va chạm đã bị gian lận.

Chứng khoán Trung Quốc phục hồi từ mức thấp nhất trong gần 5 năm khi giới đầu tư ra tay bắt đáy.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,57% lên 2.918,71 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 1,01% lên 3.330,87 điểm.

Tại thị trường, các nhóm cổ phiếu trong năng lượng mới, trí tuệ nhân tạo và du lịch tăng từ 1,5% đến 2,7% để dẫn đầu trong những ngành tăng tốt nhất.

“Thị trường đã ở gần mức đáy 5 năm nên đã không còn nhiều dư địa để tiếp tục giảm. “Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư vẫn còn khá yếu do những lo lắng kéo dài về sự phục hồi và chính sách kích thích không rõ ràng”, một nhà phân tích môi giới từ chối cho biết tên nhận định.

Trên thị trường xuất hiện thông tin cho rằng, một số ngân hàng thương mại lớn của Trung Quốc sẽ cắt giảm tiền gửi có kỳ hạn vào ngày mai, một động thái để cung cấp thêm không gian cho việc giảm chi phí cho vay, trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái.

Chứng khoán Hồng Kông gần như không đổi, chịu sức ép bởi thị trường toàn cầu yếu đi sau khi Phố Wall điều chỉnh đêm qua.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,04% lên 16.621,13 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,13% lên 5.619,91 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi đà tăng của chứng khoán toàn cầu chững lại.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 14,28 điểm, tương đương 0,55% xuống 2.600,02 điểm.

Trong số các cổ phiếu lớn, nhà sản xuất chip Samsung Electronics tăng 0,27% và SK Hynix đi ngang, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution giảm 22%.

Kết thúc phiên 21/12: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 535,47 điểm (-1,59%), xuống 33.140,47 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 16,61 điểm (+,057%), lên 2.918,71 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 7,32 điểm (+0,04%), lên 16.621,13 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 14,28 điểm (-0,25%), xuống 2.600,02 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

– Cho vay dễ, đòi nợ khó

Vay nhanh, thủ tục đơn giản, tài chính tiêu dùng là kênh cung cấp vốn vay nhỏ lẻ và hữu hiệu. Thế nhưng, “phong trào bùng nợ” đang để lại hệ lụy và cả bài học cho ngành tài chính non trẻ này..>> Chi tiết

– Vốn ngoại “dìm” cổ phiếu doanh nghiệp

Bị đánh bật khỏi Top 20 vốn hóa thị trường, cổ phiếu MWG của Công ty Đầu tư Thế giới Di động ghi nhận một năm không mấy sáng sủa trên thị trường chứng khoán, với nguyên nhân chính đến từ áp lực bán ra của vốn ngoại..>> Chi tiết

– Doanh nghiệp khản tiếng kêu cứu – Bài 3: Đến chính quyền cũng phải ‘kêu’ tới Thủ tướng

Trước những lời kêu cứu khẩn thiết của doanh nghiệp, song có quá nhiều vấn đề vượt thẩm quyền của địa phương, mới đây, UBND TP.HCM có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị tháo gỡ hàng loạt vướng mắc..>> Chi tiết

– Dầu thô tăng giá sau lo ngại căng thẳng trên Biển Đỏ

Giá dầu Brent toàn cầu dao động quanh mức 80 USD/thùng trong ngày giao dịch 20/12 trong bối cảnh các nhà giao dịch lo ngại căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông và Biển Đỏ..>> Chi tiết

Nguồn: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-tai-chinh-24h-chung-khoan-chua-thoat-khoi-xu-huong-am-dam-post336358.html