Thị trường ngày 9/4: Giá dầu, vàng, cao su tăng, thép giảm

Thị trường ngày 9/4: Giá dầu, vàng, cao su tăng, thép giảm

Minh Quân |

(Tổ Quốc) – Giá hầu hết các hàng hóa nguyên liệu đảo chiều tăng trở lại trong phiên cuối tuần (thứ Sáu, 8/4), trong đó dầu tăng 2%, cao su và cà phê tăng, đường đạt mức cao nhất 4 tháng rưỡi, và đặc biệt palladium tăng rất mạnh. Tuy nhiên, giá sắt thép nhìn chung giảm do Trung Quốc tiếp tục phong tỏa chống Covid-19.

Dầu tăng 2%

Giá dầu tăng 2% vào thứ Sáu (8/4), nhưng tính chung cả tuần giảm tuần thứ 2 liên tiếp sau khi các nước công bố kế hoạch giải phóng dầu thô khỏi kho dự trữ chiến lược. 

Dầu Brent kết thúc phiên giao dịch tăng 2,20 USD, tương đương 2,19%, lên 102,78 USD/thùng; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 2,23 USD lên 98,26 USD.

Tính chung cả tuần, dầu Brent giảm 1,5% trong khi WTI giảm 1%. Trong vài tuần gần đây, giá 2 loại dầu nay đã biến động mạnh nhất kể từ tháng 6 năm 2020.

Các quốc gia thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) sẽ xuất kho 120 triệu thùng dầu thô trong vòng sáu tháng tới, trong đó riêng Mỹ sẽ xuất một nửa mức đó – là một phần của kế hoạch giải phóng 180 triệu thùng dầu dự trữ chiến lược đã được công bố vào tháng Ba. 

Nhà phân tích Stephen Brennock của PVM cho biết vẫn còn nghi ngờ về việc liệu nguồn cung từ các đợt giải phóng dự trữ khẩn cấp có giải quyết được tình trạng thiếu hụt dầu thô của Nga hay không.

Phil Flynn, nhà phân tích thuộc Price Futures Group, cho biết: “Có một số lo ngại rằng bằng cách hạ giá một cách giả tạo, bạn sẽ chỉ làm tăng nhu cầu và điều đó sẽ đốt cháy nguồn cung đó khá nhanh”.

Khí đốt giảm 

Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tại châu Á giảm trong tuần này do Trung Quốc tiếp tục phong tỏa trên diện rộng để chống Covid-19, trong khi giá khí đốt tại châu Âu duy trì ở mức cao để thu hút nguồn cung khí đến khu vực này trong bối cảnh rủi ro về nguồn cung gia tăng liên quan đến khí Nga. 

Giá trung bình của LNG giao tới Đông Bắc Á trong tháng 5 tính vào khoảng 33,00 USD/mét triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu), giảm 2,00 USD so với tuần trước.

Trong khi đó, giá khí đốt kỳ hạn tháng 5 của Hà Lan tại trung tâm TTF – tham khảo cho thị trường khí châu Âu – vào khoảng 34,50 USD/mmBtu. 

Vàng và palladium tăng

Giá vàng tăng bất chấp việc USD cũng tăng giá mạnh mẽ. Giá vàng giao ngay trong phiên 8/4 tăng 0,5% lên 1.941,94 USD/ounce, tính chung cả tuần tăng 0,9%; vàng kỳ hạn tháng 6 tăng 0,4% lên 1.945,6 USD. 

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA, cho biết sự không chắc chắn về những gì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ làm sau khi tăng lãi suất đang thúc đẩy dòng chảy vào vàng.

Theo ông Moya, lo ngại về suy thoái kinh tế, lo ngại về tăng trưởng cùng với áp lực lạm phát cũng khiến mọi người chuyển sang mua vàng.

Đáng chú ý, giá palladium phiên cuối tuần tăng mạnh do lo ngại về nguồn cung mới sau khi Sàn giao dịch Kim loại London (LME) đình chỉ các giao dịch palladium xuất xứ từ các nhà máy tinh luyện của Nga. 

Theo đó, giá palladium đạt 2.408,50 USD/ounce, kết thúc tuần tăng giá đầu tiên trong năm nay. Kim loại này đã đạt mức giá cao nhất mọi thời đại vào ngày 7/3, là 3.440,76 USD/ounce vào ngày 7 tháng 3 do lo ngại về nguồn cung từ nhà sản xuất hàng đầu thế giới – nước Nga.

Thép giảm do tiêu thụ chậm vì Covid-19

Giá thép Trung Quốc giảm trong phiên cuối tuần, có lúc giảm hơn 2% do dịch Covid-19 là hạn chế sản xuất tại các nhà máy, từ đó ảnh hưởng đến mức tiêu thụ. 

Tiêu thụ các sản phẩm thép chính ở Trung Quốc tuần này đạt 9,6 triệu tấn, giảm 3% so với tuần trước đó.

Giá thép cây, kỳ hạn giao tháng 10 trên sàn Thượng Hải lúc đóng cửa giảm 1,4% xuống 5.019 nhân dân tệ (788,89 USD)/tấn, tính chung cả tuần giảm 2,7%. 

Giá thép cuộn cán nóng giảm 0,8% xuống 5.195 nhân dân tệ/tấn trong phiên này, tính chung cả tuần giảm 2,3%. 

Giá thép không gỉ trên sàn Thượng Hải, kỳ hạn giao tháng 5, giảm 2,8% xuống 20.025 nhân dân tệ/tấn.

Giá quặng sắt biến động trái chiều, trong khi quặng kỳ hạn trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên, giao tháng 9, lúc đóng cửa tăng 0,7% lên 919 nhân dân tệ/tấn, thì quặng nhập khẩu hàm lượng 62% sắt giao ngay giảm 2,5 USD xuống 157 USD/tấn. 

Cao su tăng

Giá cao su trên thị trường Nhật Bản tăng tuần thứ tư liên tiếp do đồng yên yếu đi và nguồn cung nguyên liệu thô thắt chặt, mặc dù giá trên thị trường Thượng Hải suy yếu đã hạn chế mức tăng giá ở Nhật Bản. 

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn Osaka tăng 2,4 yên trong phiên này, tương đương 0,9%, lên 263,0 yên (2,12 USD)/kg. Tính chung cả tuần, giá tăng 0,5%. 

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải phiên này giảm 50 nhân dân tệ xuống 13.545 nhân dân tệ (2.129,11 USD)/tấn.

Lượng cao su lưu trữ tại các kho của sàn Thượng Hải tính đến 8/4 đã tăng 0,3% so với trước đó 1 tuần. 

Đồng hồi phục

Giá đồng đảo chiều tăng trở lại, sau 2 phiên giảm trước đó, do nguồn cung bị thắt chặt, kỳ vọng vào các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc và giá dầu ngừng giảm. 

Giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London kết thúc phiên tăng 0,2% lên 10,335 USD/tấn.

Tuy nhiên, chỉ số Dollar index lần đầu tiên trong vòng 2 năm vượt ngưỡng 100  đã hạn chế giá đồng tăng mạnh, bởi USD mạnh lên khiến giá đồng trở nên đắt hơn đối với những người mua sử dụng các loại tiền tệ khác.

Ngũ cốc tăng

Giá ngô, lúa mì và đậu tương đều tăng do lượng tồn trữ trở nên khan hiếm. 

Giá ngũ cốc vẫn được củng cố bởi cuộc xung đột ở Ukraine kéo dài đã 6 tuần, làm đình trệ lượng lớn xuất khẩu lúa mì, ngô và dầu hướng dương của Ukraine. 

Trong đó, giá đậu tương và ngô vẫn ở mức cao, được hỗ trợ bởi sản lượng giảm ở Nam Mỹ và những băn khoăn về diện tích trồng trọt của Mỹ sẽ ra sao khi mà thời điểm gieo trồng sắp đến gần.

Giá lúa mì trên sàn Chicago tăng 33 cent lên 10,58-1/4 USD/bushel, tính chung cả tuần tăng 7,49%, là tuần tăng mạnh nhất kể từ ngày 4/3.

Giá đậu tương cũng tăng 43-1/2 cent lên 16,89 USD/bushel, tính chung cả tuần tăng 6,7% – mức tăng hàng tuần nhiều nhất kể từ ngày 2/7/2021.

Giá ngô tăng 10-1/2 cent lên 7,60-3/4 USD/bushel, tính chung cả tuần tăng 4,49%, mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 4/3.

Đường cao nhất 4,5 tháng

Giá đường thô tiếp tục tăng lên mức cao nhất 4,5 tháng do tâm lý nhà đầu tư trở nên tích cực đối với các hàng hóa cũng như cổ phiếu. 

Giá đường thô kỳ hạn giao tháng 5 kết thúc phiên tăng 0,57 cent, tương đương 2,9% lên 20,41 cent/lb, cao nhất kể từ giữa tháng 11.

Giá đường trắng giao cùng kỳ hạn cũng tăng 11,70 USD hay 2,1% lên 560,40 USD/tấn.

Cà phê tăng

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 kết thúc phiên 8/4  tăng 5,5 cent, tương đương 2,4%, lên mức cao nhất trong vòng một tháng nay, là 2,3165 USD/lb.

Đồng tiền Brazil mạnh lên đang khiến nông dân ở quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới giảm bán cà phê ra. 

Giá cà phê robusta giao tháng 7 phiên này cũng tăng 30 USD, tương đương 1,5% lên 2.096 USD/tấn.

Tại Châu Á, giá cà phê ở Việt Nam tuần này giảm. Nông dân ở Tây Nguyên bán cà phê nhân xô với giá 40.500-41.500 đồng (1,77- 1,81 USD)/kg, so với 41.100 – 42.000 đồng cách đây một tuần. Trong khi đó, các thương nhân chào giá cà phê robusta loại 2 (5% đen và vỡ) với giá trừ lùi 240 USD đến 250 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7 trên sàn London, không thay đổi so với tuần trước.

Dầu cọ tăng 6% trong tuần

Giá dầu cọ Malaysia tăng trong phiên cuối tuần, với hợp đồng kỳ hạn tháng 6 trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa (Malaysia) tăng 93 ringgit, tương đương 1,6%, lên 5.920 ringgit (1.402,84 USD)/tấn, kết thúc hai ngày giảm trước đó. Tính chung cả tuần, giá tăng 6,36%.

Hiệp hội Dầu cọ Malaysia hôm thứ Năm dự báo sản lượng dầu cọ của nước này trong tháng 3 tăng 19% so với tháng liền trước, lên 1,35 triệu tấn. Con số đó cao hơn so với cuộc thăm dò của Reuters – là tăng 16%. 

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 9/4:

Thị trường ngày 9/4: Giá dầu, vàng, cao su tăng, thép giảm - Ảnh 1.

Nguồn: http://ttvn.toquoc.vn/thi-truong-ngay-9-4-gia-dau-vang-cao-su-tang-thep-giam-420229473330765.htm