Trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động phức tạp, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua tháng 7/2024 không mấy tích cực, khi theo HOSE, trên thị trường cổ phiếu: Khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 633 triệu cổ phiếu/ngày, với giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 16.848 tỷ đồng/ngày; tương ứng giảm tới 26,12% về khối lượng và giảm 26,47% về giá trị so với tháng 6/2024.
Top 5 cổ phiếu giao dịch trong tháng 7/2024. Nguồn: HOSE |
Cũng trong tình cảnh giảm, trong tháng 7 vừa qua, khối lượng giao dịch bình quân chứng chỉ quỹ ETF đạt 5,22 triệu ETF với giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 120,02 tỷ đồng, tương ứng giảm 42,23% về khối lượng và giảm 50,35% về giá trị giao dịch so với tháng 6/2024.
Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo đó, tổng giá trị giao dịch của nhóm nhà đầu tư này trong tháng 7/2024 đạt trên 90.456 tỷ đồng, chiếm hơn 11,67% tổng giá trị giao dịch của toàn thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện bán ròng trong tháng 7 vừa qua với giá trị lên tới hơn 8.229 tỷ đồng.
Diễn biến giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 7/2024. Nguồn: HOSE |
Bên cạnh xu hướng chung không mấy tích cực, trên thị trường cũng ghi nhận một số tín hiệu khá khả quan. Cụ thể, về chứng quyền có bảo đảm (CW), khối lượng giao dịch bình quân đạt trên 41,38 triệu CW/ngày, với giá trị giao dịch bình quân đạt 37,27 tỷ đồng/ngày; tương ứng tăng 3,12% về khối lượng và giảm 15,65% về giá trị so với tháng 6/2024.
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7/2024, chỉ số VN-Index đạt 1.251,51 điểm, VNAllshare đạt 1.298,41 điểm, VN30 đạt 1.299,09 điểm. So với cuối tháng 6/2024, chỉ số VNIndex, VNAllshare, VN30 đều ghi nhận tăng nhẹ lần lượt là 0,50%, 0,24% và 1,62%.
Thống kê giao dịch theo chỉ số trong tháng 7/2024. Nguồn: HOSE |
Đối với chỉ số ngành, có 5 chỉ số ngành tăng điểm so với tháng trước, trong đó 3 chỉ số ngành tăng điểm nhiều nhất là chỉ số ngành chăm sóc sức khỏe VNHEAL tăng 2,87%, chỉ số ngành tiêu dùng thiết yếu VNCONS tăng 2,37%, chỉ số ngành tài chính VNFIN tăng 2,10%. Trong số các chỉ số giảm điểm, 3 chỉ số giảm điểm nhiều nhất gồm chỉ số ngành vật liệu xây dựng VNMAT, chỉ số ngành dịch vụ tiện ích VNUTI và chỉ số ngành bất động sản VNREAL giảm lần lượt là 3,98%, 2,88% và 2,68%.
Về quy mô thị trường, tính đến hết ngày 31/7/2024, HOSE có 534 mã chứng khoán đang niêm yết và giao dịch, gồm 395 mã cổ phiếu, 4 mã chứng chỉ quỹ đóng, 15 mã chứng chỉ quỹ ETF và 120 mã chứng quyền có bảo đảm với tổng khối lượng chứng khoán niêm yết đạt hơn 164 tỷ chứng khoán. Giá trị vốn hóa cổ phiếu trên HOSE đạt hơn 5,12 triệu tỷ đồng, tương đương 50,12% GDP năm 2023 (GDP theo giá hiện hành), chiếm hơn 93,99% tổng giá trị vốn hóa cổ phiếu niêm yết toàn thị trường.
Trong tháng 7/2024, có 1 mã cổ phiếu được chấp thuận niêm yết và chính thức đưa vào giao dịch trên HOSE, là cổ phiếu của Công ty cổ phần Chứng khoán DNSE, mã cổ phiếu DSE.
Tính đến ngày 31/7/2024, trên HOSE có 39 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD, trong đó có 2 doanh nghiệp có vốn hóa trên 10 tỷ USD là Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID).
Liên quan đến giải pháp phát triển thị trường chứng khoán thời gian tới, khi làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về điều hành chính sách tiền tệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính đẩy mạnh phát triển, quyết tâm nâng cấp thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi.
Thời gian qua, nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, nhằm gia tăng sức hấp dẫn của thị trường trong thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài đã được triển khai, nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan, chứ không chỉ là sự nỗ lực của Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán Nhà nước./.