Ngân hàng thế giới đồng hành triển khai nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

Ngân hàng thế giới đồng hành triển khai nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

Ngân hàng thế giới sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán trong việc triển khai các chương trình, dự án nhằm tăng cường năng lực quản lý giám sát thị trường; triển khai các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán.

Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương chia sẻ thông tin tại buổi làm việc

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có buổi làm việc với bà Mariam Sherman, tân Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới trong đó có nội dung về quá trình nâng hạng chứng khoán Việt Nam. 

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho biết trong những năm vừa qua, Uỷ ban Chứng khoán luôn nhận được sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới về tư vấn chính sách, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế cũng như trong hoạt động xây dựng những báo cáo đánh giá chuyên đề.

Đặc biệt, các báo cáo tư vấn về hỗ trợ kỹ thuật xây dựng Luật Chứng khoán, cũng như các quy định, các chương trình đào tạo, tập huấn để nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác quản lý, giám sát thị trường chứng khoán trong chương trình phát triển thị trường vốn chung (J-cap) đã và đang triển khai từ năm 2018 đến nay.

Hiện nay, Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán đang nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm đáp ứng các tiêu chí của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học, gặp gỡ các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế, Hiệp hội thị trường tài chính châu Á (ASIFMA), các nhà đầu tư nước ngoài để trao đổi, lắng nghe những ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện các văn bản, cơ chế, chính sách giúp thị trường chứng khoán Việt Nam nâng hạng trong thời gian tới.Các giải pháp được Uỷ ban Chứng khoán đưa ra cũng đã nhận được nhiều sự đồng thuận của các tổ chức quốc tế, thành viên thị trường, các nhà khoa học, được đánh giá có tính khả thi và thực tiễn cao.

Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương (bên trái) và bà Mariam Sherman, tân Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (bên phải)

Bà Mariam Sherman, tân Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới cho biết Ngân hàng Thế giới sẽ xem xét tiếp tục triển khai chương J-Cap đối với thị trường chứng khoán Việt Nam vì vai trò và hiệu quả mà chương trình mang lại trong thời gian qua.

Bà đánh giá cao những giải pháp mà Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán đang triển khai nhằm đạt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong thời gian tới, Ngân hàng thế giới sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán trong việc triển khai các chương trình, dự án nhằm tăng cường năng lực quản lý giám sát thị trường; triển khai các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán.

Ngân hàng Thế giới ước tính việc nâng hạng thị trường chứng khoán có thể mang lại tới 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030 với một số điều kiện quan trọng.

Cụ thể, thứ nhất, Việt Nam phải được nâng hạng bởi cả hai nhà cung cấp chỉ số quốc tế là FTSE Russel và MSCI. World Bank đánh giá cao và đồng ý với cách tiếp cận hiện tại của SSC là ưu tiên được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp bởi FTSE Russell trước; tuy nhiên, cần lưu ý rằng phần lớn vốn đầu tư mới sẽ đến từ việc nâng hạng bởi MSCI.

Thứ hai, xem xét giải quyết các vấn đề về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (FOL) và tiếp tục cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn. Giải pháp bao gồm: Cải thiện công bố thông tin, tăng tiếp cận với các cổ phiếu đã đạt đến giới hạn và quan trọng nhất là tăng giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài.

Nếu FOL vẫn là một hạn chế, Việt Nam có thể sẽ chỉ nhận được dòng vốn ròng tối đa 5 tỷ USD, vì thị trường lúc đó chỉ chiếm chưa đến 1% chỉ số EM toàn cầu. Nhưng nếu FOL được giải quyết hoàn toàn, tỉ trọng của Việt Nam trong chỉ số EM có thể tăng hơn 1% và điều này có thể mang lại thêm 8-15 tỷ USD.

Thứ ba, cần có một môi trường đầu tư lành mạnh trên toàn cầu để Việt Nam cũng có thể tận hưởng sự tăng trưởng tự nhiên của đầu tư toàn cầu vào thị trường mới nổi, ước tính tăng trưởng khoảng 7% mỗi năm. Điều này có nghĩa là sẽ có thêm 8-12 tỷ USD đầu tư cho đến năm 2030.

Trang Trần

Nguồn: https://doanhnghiepvathuongmai.vn/bai-viet/ngan-hang-the-gioi-dong-hanh-trien-khai-nang-hang-thi-truong-chung-khoan-viet-nam.phtml