Lãi suất tăng, người dân lại đổ tiền vào gửi ngân hàng

Lãi suất tăng, người dân lại đổ tiền vào gửi ngân hàng

Sau 5 tháng đầu năm, người dân đã gửi thêm hơn 268.000 tỷ đồng vào các ngân hàng để lấy lãi, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 5, tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế đã đạt trên 13,848 triệu tỷ đồng, tăng 3,3% so với cuối năm 2021. Mức tăng này tương đương với việc đã có hơn 446.000 tỷ đồng được bơm thêm vào thị trường trong chưa đầy nửa năm qua, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2 năm liền trước 2020-2021.

Đi cùng xu hướng bơm thêm tiền vào nền kinh tế, các chỉ tiêu tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư cũng ghi nhận tăng trưởng dương giai đoạn này.

Dòng tiền trở lại kênh ngân hàng

Cụ thể, đến cuối tháng 5, NHNN cho biết tổng số dư tiền gửi của nhóm khách hàng dân cư tại các tổ chức tín dụng đã đạt gần 5,569 triệu tỷ đồng, tăng 5,07% so với cuối năm trước, tương đương mức tăng ròng 268.480 tỷ đồng.

So với cùng kỳ năm 2021, mức tăng trưởng tiền gửi của nhóm khách hàng này đã cao hơn gần gấp đôi. Còn nếu so với 5 tháng đầu năm 2020, mức tăng năm nay cũng cao hơn tới 40%.

Trong khi đó, số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt khoảng 5,806 triệu tỷ, tăng 2,86% so với cuối năm 2021, tương đương mức tăng ròng 161.615 tỷ đồng sau 5 tháng.

Như vậy, trong giai đoạn đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng tiền gửi của nhóm khách hàng dân cư đã cao vượt trội so với tiền gửi của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, trái ngược so với xu hướng trong 2 năm liền trước.

Cụ thể, trong năm 2020-2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều hoạt động kinh doanh bị đình trệ, lượng tiền gửi ngân hàng của nhóm doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã tăng rất nhanh, trong khi tăng trưởng tiền gửi của người dân ở mức thấp.

Lãi suất tăng, người dân lại đổ tiền vào gửi ngân hàng - 1

Riêng năm 2021, trong khi số dư tiền gửi của doanh nghiệp, tổ chức tại các ngân hàng tăng tới 15,73%, tương đương hơn 767.000 tỷ, thì tăng trưởng tiền gửi của người dân chỉ là 3,08%, tương đương hơn 158.000 tỷ đồng. Đây cũng là năm đánh dấu lần đầu tiên số dư tiền gửi của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế lớn hơn tiền gửi của người dân.

Tuy đến cuối tháng 5, số dư tiền gửi của tổ chức kinh tế vẫn lớn hơn tiền gửi của dân cư khoảng 238.000 tỷ, nhưng trong 5 tháng đầu năm nay, dòng tiền gửi của người dân đã có xu hướng tăng mạnh trong khi dòng tiền từ tổ chức kinh tế chảy vào kênh ngân hàng giảm nhiệt.

Cụ thể, trong 5 tháng gần nhất, đã có 2 tháng ghi nhận các tổ chức kinh tế rút ròng lượng tiền gửi tại các ngân hàng vào tháng 1 và 4 với giá trị xấp xỉ 70.000 tỷ đồng/tháng. Trong khi đó, cả 5 tháng đã qua, người dân đều tăng ròng khối lượng tiền gửi vào ngân hàng. Trong đó, riêng tháng 1 đã gửi ròng hơn 103.000 tỷ.

Trong tháng gần nhất, người dân cũng mang thêm gần 36.900 tỷ đồng gửi vào ngân hàng, tương đương 1.230 tỷ/ngày. Nếu tính từ đầu năm, cứ mỗi ngày trôi qua, người dân lại mang thêm gần 1.790 tỷ đi gửi ngân hàng lấy lãi.

Lãi suất huy động chưa ngừng tăng

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính khiến dòng tiền của người dân chảy mạnh trở lại kênh ngân hàng trong giai đoạn đầu năm nay là do lãi suất huy động đã tăng mạnh trên kênh này.

Thống kê cho thấy mặt bằng lãi suất huy động tại nhóm ngân hàng thương mại tư nhân đã tăng 1-1,5 điểm % so với cuối năm 2021. Thậm chí, nhiều ngân hàng đã nâng lãi suất huy động lên trên dưới 2 điểm % chỉ sau nửa đầu năm nay, đưa lãi suất tiền gửi vượt mức 7%/năm.

Lãi suất tăng, người dân lại đổ tiền vào gửi ngân hàng - 2

Dòng tiền của người dân đang chảy mạnh vào kênh gửi tiết kiệm ngân hàng.

Bên cạnh đó, sự đi xuống của các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng, ngoại tệ… cũng là nguyên nhân khiến dòng tiền chảy mạnh vào kênh gửi ngân hàng.

Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thanh khoản giao dịch toàn thị trường cổ phiếu hiện đã giảm về mức tương đương tháng 12/2020, với bình quân chỉ khoảng 10.000 tỷ đồng/ngày. So với quý I đầu năm, mức thanh khoản này đã giảm 30%, còn nếu so với cuối năm 2021, thanh khoản toàn thị trường đã giảm hơn 60%.

Điều này cho thấy một phần không nhỏ dòng tiền đã rút ra khỏi thị trường chứng khoán để chảy vào các kênh đầu tư khác, trong đó có tiền gửi ngân hàng.

Từ nay đến cuối năm, lãi suất huy động được dự báo tiếp tục gia tăng, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng lãi suất huy động có thể tăng nhanh hơn vào nửa cuối năm, kéo theo lãi suất cho vay bắt đầu tăng từ cuối quý II.

Các chuyên gia tại đây dự báo lãi suất huy động sẽ tăng thêm 0,5-0,7 điểm % sau khi NHNN nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng.

Từ phía các nhà băng, kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh trong quý III của NHNN cho biết các ngân hàng đang kỳ vọng tăng trưởng huy động vốn toàn ngành đạt bình quân 4,9% trong quý III và tăng 11,5% trong cả năm nay. Trong đó, mặt bằng lãi suất huy động – cho vay cũng được dự báo tăng nhẹ trong quý III và cả năm nay do áp lực lạm phát gia tăng và xu hướng tăng lãi suất phổ biến trên thế giới.

(Nguồn: Zing News)