Thị trường và giá cả, Thông tin, Vàng - Ngoại tệ - Chứng khoán
Hòa Phát tiếp tục ‘mắc kẹt’ với khoản nợ vay tăng mạnh, lên gần 60.000 tỷ
Hòa Phát tiếp tục ‘mắc kẹt’ với khoản nợ vay tăng mạnh, lên gần 60.000 tỷ
Sự kiện: Kết quả kinh doanh
Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020, ghi nhận doanh thu thuần đạt 19.233 tỷ đồng, tăng trưởng 28,5% so với cùng kì năm ngoái. Lợi nhuận gộp tăng trưởng 43,6% lên 3.763 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nợ phải trả thời điểm 31/3/2020 là hơn 57.046 tỷ đồng, tăng 3.056 tỷ đồng so với ngày đầu năm. Trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng 4.263 tỷ đồng; vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng 401 tỷ đồng. Ngược lại, khoản mục phải trả người bán ngắn hạn giảm 1.371 tỷ đồng trong quí đầu năm. Do đó, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Hòa Phát tăng gần 4.700 tỷ đồng trong ba tháng.
Nếu so với một năm trước (31/3/2019), tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Hòa Phát tăng 10.864 tỷ đồng, điều này phần nào lí giải việc chi phí lãi vay trong quí I năm nay là 481 tỷ đồng, cao gấp 2,6 lần cùng kì năm 2019. Tỉ lệ nợ vay/tổng tài sản của Hòa Phát nhích từ 35,9% tại ngày 31/3/2019 lên 36% vào ngày cuối năm 2019 và lên 38,6% vào ngày 31/3/2020.
Về chi phí xây dựng dở dang, theo báo cáo quý I, giá trị xây dựng cơ bản dở dang tại Dung Quất là xấp xỉ 21.800 tỷ đồng, giảm 11.300 tỷ đồng so với ngày đầu năm do một phần dự án đã được hạch toán chuyển thành tài sản cố định.
Nợ vay Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục tăng trong quý I/2020
Nhìn vào bức tranh kinh doanh năm 2019, Tập đoàn Hòa Phát cũng ghi nhận nợ phải trả vượt 50.000 tỷ. Cụ thể, theo báo cáo tài chính, vốn chủ sở hữu của Hòa Phát là 47.786 tỷ đồng, tăng hơn 7.000 tỷ so với hồi đầu năm. Tuy nhiên, nợ phải trả của doanh nghiệp này cũng tăng cao, từ mức 37.600 tỷ đồng lên 53.989 tỷ đồng (tăng hơn 16.000 tỷ so với hồi đầu năm). Trong đó, nợ ngắn hạn là 26.984 tỷ đồng, tăng 4.000 tỷ so với đầu năm; nợ dài hạn là 27.005 tỷ, tăng gần gấp đôi với hồi đầu năm. Như vậy, nợ phải trả của Hòa Phát đang cao hơn vốn chủ sở hữu lên tới 12,9%.
Cũng theo báo cáo, khoản hàng tồn kho của “ông lớn” ngành thép không ngừng tăng lên, từ 14.115 tỷ đồng, lên 19.411 tỷ đồng, tương đương tăng 37,5% so với hồi đầu năm. Chi phí bán hàng cũng tăng từ 676.809 tỷ đồng lên 873.333 tỷ đồng, tương đương tăng 200.000 tỷ đồng so với đầu năm; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 100.000 tỷ, lên 569.005 tỷ đồng; chi phi khác lên tới 591.998 tỷ đồng…
Các khoản chi phí tăng cao, hàng tồn kho nhiều khiến lợi nhuận của thép Hòa Phát giảm. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 9.030 tỷ đồng, giảm 1.000 tỷ đồng so với đầu năm; lợi nhuận sau thuế TNDN chỉ đạt 7.578 tỷ đồng, giảm hơn 1.100 tỷ đồng so với đầu năm.
Không những vậy, khoản lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước thay đổi vốn tín dụng của thép Hòa Phát cũng giảm hơn 400 tỷ so với đầu năm; lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư còn âm 18.064 tỷ đồng.
Thảo Nguyên/Theo vietq.vn