Giả ông Phạm Nhật Vượng kêu gọi đầu tư bitcoin: “Bổn cũ soạn lại“?

Giả ông Phạm Nhật Vượng kêu gọi đầu tư bitcoin: “Bổn cũ soạn lại“?

(Kiến Thức) – Lợi dụng uy tín và sự nổi tiếng của các tỷ phú và sao Việt, nhiều trang web lập nên và giả mạo phát ngôn của họ để kêu gọi đầu tư tiền ảo Bitcoin hay hệ thống tiền số đa cấp iFan. 

Mới đây, trên internet và mạng xã hội lan truyền thông tin, bài viết quảng bá, khuyến khích người dân tham gia đầu tư tiền ảo Bitcoin có tiêu đề “Ông Trần Đình Long đầu tư 3 triệu USD vào Doanh nghiệp khởi nghiệp, ông cho biết “Đó chính là tương lai”.

Ngay sau đó, Tập đoàn Hòa Phát khẳng định, bài viết này hoàn toàn sai sự thật, ông Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát chỉ đầu tư, điều hành doanh nghiệp duy nhất là Tập đoàn Hòa Phát. Ông Long cũng chưa từng phát ngôn những nội dung được trích dẫn trong bài viết.

Trang web giả mạo lời phát biểu của tỷ phú Trần Đình Long. Ảnh: Tổ quốc.

Hòa Phát cũng khẳng định cá nhân ông Long cũng như các thành viên Hội đồng Quản trị, Ban Điều hành Hoà Phát đều duy nhất chỉ làm việc cho Tập đoàn, không ai có doanh nghiệp riêng.

Tập đoàn Hòa Phát đồng thời báo cáo lên Google và một số báo điện tử, đồng thời tiến hành lập vi bằng số 995/2020/VB-10/06/2020 về nội dung trên. Vi bằng đã được đăng ký tại Sở Tư pháp Hà Nội.

Hiện nay, theo quy định của pháp luật Việt Nam, tiền ảo Bitcoin là phương tiện thanh toán bất hợp pháp. Do đó thông tin bài viết mạo danh quảng bá sai sự thật trên không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân nếu bị lừa tham gia đầu tư mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín cá nhân của ông Trần Đình Long nói riêng và Tập đoàn Hòa Phát nói chung.

Tập đoàn Hòa Phát đã gửi Công văn tới Cục An ninh Chính trị Nội bộ (Bộ Công An) và Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đề nghị các Cơ quan Quản lý Nhà nước ngăn chặn thông tin giả mạo trên lan truyền trên mạng internet.

Hòa Phát cũng đề nghị Cơ quan Công An yêu cầu Google/đại diện Google tại Việt Nam gỡ bỏ link quảng cáo sai sự thật nêu trên và cung cấp cho Hòa Phát các thông tin liên quan đến đơn vị ký hợp đồng quảng cáo để Tập đoàn Hòa Phát có thể tiến hành các biện pháp bảo vệ hình ảnh uy tín theo quy định của Pháp luật.

Trước đó, hồi cuối năm 2019, những người dùng mạng xã hội chia sẻ nhau thông tin cảnh báo về một số trang web giả mạo tuyên bố của tỷ phú Phạm Nhật Vượng để thu hút đầu tư Bitcoin.

Thông tin giả mạo lời phát biểu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Ảnh: Tổ quốc.

Cụ thể, trang web livemagazine.to được thiết kế giao diện giống hệt báo điện tử Vnexpress khiến người dùng dễ nhầm lẫn và giật tít: “Báo cáo đặc biệt: Lần đầu tư gần đây nhất của Phạm Nhật Vượng khiến các chuyên gia kinh ngạc và các ngân hàng lớn khiếp sợ”.

Họ vẽ ra các tuyên bố giả mạo của tỷ phú Phạm Nhật Vượng về một công cụ kiếm tiền là hệ thống giao dịch tự động tiền điện tử mới gọi là Bitcoin Loophole. Tuy nhiên, những tuyên bố này hoàn toàn là bịa đặt.

Đàm Vĩnh Hưng lên tiếng trước việc bị mạo danh. 

Không chỉ các tỷ phú, nhiều sao Việt cũng từng bị giả mạo Facebook để trục lợi. Cụ thể, năm 2018, dư luận sục sôi về hệ thống tiền số đa cấp iFan “xù” 15.000 tỷ đồng của nhiều nhà đầu tư trên cả nước. Theo các nhà đầu tư, họ tin tưởng vào hệ thống của iFan bởi nhiều buổi kêu gọi đầu tư được các nhân viên của tập đoàn đa cấp này tổ chức sử dụng hình ảnh, thông tin của các sao Việt như: Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Trấn Thành, MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên, Quang Lê, Quang Dũng… để kêu gọi người hâm mộ cùng góp vốn tạo thành một mạng lưới cho vay tín dụng tiền ảo.

Tuy nhiên, trên thực tế các nghệ sĩ trên đều lên tiếng phủ nhận. Họ cho biết mình không biết gì về tập đoàn cũng như dự án trên.

Trên thế giới, mô hình Bitcoin Loophole đã sử dụng một trang web tương tự giả mạo lời phát biểu của cựu thủ tướng Singapore Goh Chok Tong (Thủ tướng Singapore từ 1990 đến 2004). Sau đó cơ quan tiền tệ Singapore đã phải phát đi cảnh báo về trang web lừa đảo.

Hoàng Minh (tổng hợp)

Theo kienthuc.net.vn

Trả lời