Hội nghị dài thứ hai trong lịch sử
Thỏa thuận mở đường cho Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành EU, gia tăng hàng tỷ EUR trên thị trường vốn ở tất cả 27 quốc gia, một hành động đoàn kết chưa từng có trong gần 7 thập niên hội nhập của châu Âu. Thỏa thuận này đạt được vào lúc 5 giờ 15 sáng 21-7, giờ Brussels. Nhiều người trước đó đã cảnh báo rằng một hội nghị thượng đỉnh thất bại trong bối cảnh đại dịch Covid-19 sẽ khiến khả năng tồn tại của khối EU bị đe dọa nghiêm trọng sau nhiều năm khủng hoảng kinh tế và nước Anh rời khỏi khối. Trong hội nghị thượng đỉnh gồm 27 nguyên thủ thành viên EU, mỗi người đều có quyền phủ quyết. Vì vậy, hội nghị thượng đỉnh liên tục gặp phải nhiều ý kiến chống đối quỹ 750 tỷ EUR, trong đó các thành viên giàu hơn ở miền Bắc phản đối giúp đỡ các thành viên miền Nam nghèo hơn. Hà Lan dẫn đầu một nhóm quốc gia gồm Áo, Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan, nhấn mạnh viện trợ cho Italy, Tây Ban Nha và các quốc gia Địa Trung Hải khác phải thông qua các khoản vay chứ không phải là các khoản trợ cấp. Cuộc tranh cãi kéo dài khiến hội nghị thượng đỉnh EU lần này trở thành hội nghị thượng đỉnh kéo dài thứ hai từ trước đến nay, chỉ kém 20 phút so với kỷ lục được thiết lập vào năm 2000 tại Nice.
Các nhà lãnh đạo EU hy vọng quỹ phục hồi 750 tỷ EUR (857,33 tỷ USD) và ngân sách lớn chưa từng thấy 1.100 tỷ EUR trong giai đoạn 2021-2027 sẽ giúp phục hồi nền kinh tế EU đang suy thoái, dự báo GDP -8,3% trong năm 2020, mức giảm sâu nhất kể từ sau Thế chiến II. Theo thỏa thuận, Tây Ban Nha sẽ nhận được 140 tỷ EUR (160,17 tỷ USD) từ quỹ phục hồi của EU. Hơn một nửa số tiền chuyển đến Tây Ban Nha (72,7 tỷ EUR) sẽ là các khoản tài trợ và phần còn lại sẽ là các khoản vay.
Phản ứng tích cực
Sau khi hội nghị thượng đỉnh EU đạt đồng thuận về kế hoạch kích thích kinh tế quy mô lớn nhằm phục hồi sau đại dịch Covid-19, lãnh đạo EU đã lên tiếng ca ngợi kết quả mới đạt được này. Phát biểu tại họp báo sau hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết: “Thỏa thuận này gửi đi dấu hiệu cụ thể về sức mạnh hành động của châu Âu và là thời khắc trọng đại trong hành trình của EU đến tương lai”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết thỏa thuận thực sự mang tính lịch sử, giúp khối có thể chia sẻ các nguồn lực tài chính nhằm chống lại các thách thức của Covid-19. Theo ông, thỏa thuận đã đạt được sau các cuộc thương lượng kéo dài và khó khăn, nhưng các nhượng bộ cũng rất lớn và cần thiết để đi đến một kế hoạch phục hồi đủ lớn và có hiệu quả.
Cùng phát biểu tại họp báo chung với Tổng thống Pháp, Thủ tướng Đức Angela Merkel đánh giá thỏa thuận của EU cho thấy liên minh này hoàn toàn có khả năng cùng nhau hành động, ngay cả trong cuộc khủng hoảng lớn nhất và sẵn sàng vạch ra những lối đi mới trong những bối cảnh bất thường. Trong khi đó, ông Mark Rutte, Thủ tướng Hà Lan, quốc gia đi đầu trong nhóm chủ trương tiết kiệm chi tiêu, khẳng định mối quan hệ của ông với các lãnh đạo EU khác vẫn vững mạnh, sau nhiều ngày đàm phán khó khăn về quỹ trên.
Thị trường đã phản ứng tích cực. Các chỉ số chứng khoán blue-chip của Tây Ban Nha .IBEX và Italy .FTMIB tăng lần lượt 1,7% và 2,0%, trong khi cổ phiếu ngân hàng khu vực Eurozone .SX7E tăng 3,3%. Giá dầu cũng tăng cao. Dầu thô Brent chuẩn tăng 31 xu ở mức 43,59 USD trong khi dầu West Texas (WTI) tăng 19 xu lên 41 USD. Tin tức về thỏa thuận được cũng đã giúp đồng EUR tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng qua, đạt 1 EUR đổi được 1,1470 USD |
Theo sggp.org.vn