Giảm lãi suất gần bằng 0
FED đưa ra các biện pháp khẩn cấp mới để hạn chế tác hại từ Covid-19, bao gồm giúp các ngân hàng dễ dàng thanh khoản và giảm lãi suất cho vay gần bằng 0. Động thái gợi nhớ đến những bước đi phi thường mà FED đã thực hiện trong cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009, FED muốn bơm ồ ạt tiền mặt vào hệ thống tài chính.
Chủ tịch FED Jerome Powell thừa nhận vẫn còn nhiều giới hạn đối với việc kích thích tiêu dùng. Reuters dẫn lời ông Powell nói: “Chúng tôi không có công cụ để tiếp cận các cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và những người có thể không có việc làm”. Theo ông Powell, đây là một vấn đề nhiều mặt, đòi hỏi sự phối hợp giữa các cơ quan khác nhau của chính phủ và xã hội.
Động thái của FED có thể trợ giúp một số công ty, tiếp tục trả lương cho công nhân bằng cách mở rộng quyền vay vốn. Nhưng một số người đã bị cho nghỉ việc hoặc bị cắt giảm giờ làm nằm ngoài tầm với của FED. Lãi suất cho vay thế chấp trung bình 30 năm đối với người mua nhà đã giảm từ 4,46% trong tháng 1-2019 xuống 3,29% kể từ ngày 5-3. Sự sụt giảm có nghĩa là người mua sẽ trả ít hơn trong suốt thời gian vay.
Đỏ sàn
Chỉ số chứng khoán Mỹ giảm mạnh vào tối 15-3 sau quyết định khẩn cấp của FED. Chỉ số công nghiệp Dow Jones YM00 giảm 4,55% trong khi S & P 500 ES00 giảm 4,78%. USD suy yếu so với một số tiền tệ khác.
Chỉ số chứng khoán châu Âu cũng giảm mạnh, với EUROSTOXX 50 giảm 3,4% và FTSE giảm 2,7%. Tai châu Á, chỉ số chứng khoán phiên mở cửa đầu tuần đều giảm. Chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á – Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản giảm 4% xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ đầu năm 2017, trong khi chỉ số Nikkei giảm 2%. Tại Trung Quốc, chỉ số Thượng Hải giảm 3% ngay cả khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc bất ngờ bơm thanh khoản mới vào hệ thống tài chính. Chỉ số Hang Hang của Hồng Công giảm 3,4%. Chỉ số S & P/ASX 200 của Australia lao dốc, giảm 9,7%, mức giảm nhiều nhất kể từ năm 1987. Ngoài chỉ số chứng khoán giảm, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc giảm 13,5% và doanh số bán lẻ giảm 20,5%, phản ánh mức độ thiệt hại mà căn bệnh này gây ra cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) dù cam kết tăng cường mua các quỹ giao dịch và các tài sản rủi ro khác cũng không giúp vực dậy chứng khoán. Ngân hàng Trung ương New Zealand cũng gây sốc khi cắt giảm 0,75% điểm cơ bản xuống 0,25%, trong khi Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính. BOJ cũng quyết định triển khai thêm một chiến dịch mới để cung cấp các khoản vay đối ứng nợ doanh nghiệp trị giá lên tới 8.000 tỷ yen, với mức lãi suất bằng 0 và đáo hạn tối đa 1 năm. Tuy nhiên, sau cuộc họp lần này, BOJ vẫn chưa quyết định cắt giảm lãi suất ngắn hạn, hiện đang ở mức -0,1%. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng cho biết các ngân hàng trung ương lớn trên toàn thế giới sẽ rót thêm tiền cho nền kinh tế để giúp ứng phó với các cú sốc tài chính do dịch bệnh gây ra.
Thông tin trên làm dấy lên hy vọng về sự phối hợp chính sách giữa các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới nhằm hỗ trợ cho thị trường tài chính toàn cầu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực tới đà tăng trưởng kinh tế ở khắp nơi và gây gián đoạn nhiều chuỗi cung ứng.
Theo sggp.org.vn