Thanh khoản trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cải thiện rõ rệt
“Tại thời điểm khai trương Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (19/7/2023-19/7/2024), thị trường có 19 mã trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (TPDNRL) của 3 tổ chức phát hành đăng ký giao dịch, với tổng giá trị đăng ký giao dịch 9.060 tỷ đồng. Sau một năm đã tiếp nhận hồ sơ và đưa vào giao dịch trên hệ thống giao dịch TPDNRL là 1.146 mã trái phiếu của 301 doanh nghiệp với giá trị đăng ký giao dịch đạt gần 832.189,4 tỷ đồng…”, bà Vũ Thị Thuý Ngà – Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, tại Hội nghị Tổng kết 1 năm vận hành Hệ thống giao dịch TPDNRL.
Theo Phó Tổng giám đốc HNX, Hệ thống thành viên giao dịch TPDNRL phát triển nhanh chóng từ 8 thành viên tại ngày khai trương thị trường, đến nay, hệ thống đã có 48 thành viên. Nguồn: SSC |
Đặc biệt, thanh khoản TPDNRL được cải thiện rõ rệt. Nếu như giá trị giao dịch bình quân trong 1 tháng đầu tiên khai trương thị trường đạt 250,6 tỷ đồng/phiên, thì sau 1 năm bình quân đạt 3.704,5 tỷ đồng/phiên, tập trung chủ yếu vào nhà đầu tư là các tổ chức tín dụng (38,3%), công ty chứng khoán (gần 32%).
“Thị trường TPDNRL thứ cấp phát triển cũng tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường sơ cấp, góp phần thúc đẩy thị trường sơ cấp TPDNRL phát triển lành mạnh và bền vững hơn. Tại thị trường trong nước, từ ngày 19/7/2023 đến ngày 19/7/2024, có 167 đợt phát hành thành công với giá trị 393.892,6 tỷ đồng.”, bà Ngà cho hay.
Phó Tổng Giám đốc VSDC Dương Ngọc Tuấn cho biết, số lượng thành viên và tài khoản nhà đầu tư tham gia hệ thống trái phiếu riêng lẻ của VSDC tăng mạnh đã góp phần gia tăng số lượng, giá trị giao dịch và giá trị thanh toán trái phiếu riêng lẻ. Nguồn: SSC |
Theo ông Dương Ngọc Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC), trong năm đầu vận hành, VSDC đã thực hiện đăng ký lần đầu hơn 1,47 tỷ trái phiếu, tương đương với gần 900 nghìn tỷ đồng; thực hiện quyền 1.400 mã/đợt trái phiếu, tương đương gần 96,5 nghìn tỷ đồng. Nhìn chung, tuy số lượng hồ sơ đăng ký lần đầu và thực hiện quyền TPDNRL thời gian đầu triển khai lớn, nhưng VSDC đã xử lý các hồ sơ này theo đúng thời gian quy định.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương cho rằng, cơ quan quản lý và các đơn vị, cũng như các thành viên thị trường, tổ chức phát hành cần tiếp tục nghiên cứu để đưa ra các giải pháp để khắc phục những tồn tại, đưa thị trường TPDN nói chung và TPDNRL nói riêng phát triển chất lượng, hiệu quả, minh bạch, bền vững hơn nữa; đóng góp rõ nét hơn trong vai trò là kênh huy động vốn trung, dài hạn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Cần nghiên cứu triển khai 6 giải pháp trọng tâm
Để thị trường TPDNRL ngày càng phát triển minh bạch, chuyên nghiệp, bền vững, Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương đề nghị các đơn vị nghiên cứu, triển khai một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường thông qua nâng cao chất lượng tổ chức phát hành. Có giải pháp cơ bản để kiểm soát chất lượng của TPDNRL thông qua đẩy mạnh áp dụng định mức tín nhiệm đối với tổ chức phát hành TPDNRL; xem xét nâng điều kiện phát hành TPDNRL để giảm thiểu việc nhiều doanh nghiệp mới thành lập chưa có hoạt động hoặc đã thành lập, nhưng không có hoạt động có thể phát hành TPDNRL với quy mô gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu.
Để hỗ trợ thị trường TPDNRL phát triển công bằng, lành mạnh, minh bạch, Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương cam kết, UBCKNN sẽ xử phạt nghiêm các vi phạm của tổ chức kinh doanh chứng khoán, cũng như vi phạm của tổ chức phát hành. Nguồn: SSC |
Thứ hai, tiếp tục nâng cao chất lượng nhà đầu tư theo hướng thu hút nhà đầu tư chuyên nghiệp trong lĩnh vực tài chính, các nhà đầu tư tài chính, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.
Thứ ba, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan xây dựng chính sách, các tổ chức giám sát, các thành viên thị trường trong đề ra các giải pháp, sáng kiến thúc đẩy sự phát triển bền vững, lành mạnh của thị trường, giải quyết những khó khăn, tồn tại, vướng mắc trong quá trình hoạt động của thị trường.
Thứ tư, xem xét thúc đẩy tiêu chuẩn hóa, nghiên cứu xây dựng và ứng dụng bộ tiêu chuẩn điều kiện, điều khoản mẫu cho trái phiếu doanh nghiệp thông qua tham khảo kinh nghiệm, thông lệ quốc tế để giải quyết thực trạng các trái phiếu có nhiều điều kiện, điều khoản khác như hiện nay.
Thứ năm, nghiên cứu khuyến khích phát triển hệ sinh thái cho thị trường thông qua phát triển và nâng cao chất lượng các tổ chức cung cấp dịch vụ, tổ chức trung gian thị trường như: tổ chức tư vấn, tổ chức bảo lãnh, tổ chức nâng cao tín nhiệm (CGIF-Credit Guarantee and Investment Facility)…
Thứ sáu, tăng cường công tác truyền thông về hoạt động, vận hành và quy định trên thị trường TPDNRL để doanh nghiệp, các nhà đầu tư nâng cao hiểu biết về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm trong tuân thủ pháp luật, thực hiện các nghĩa vụ theo quy định.
“UBCKNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh quản lý giám sát đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán có tham gia cung cấp dịch vụ trên thị trường; xử phạt nghiêm các vi phạm của tổ chức kinh doanh chứng khoán, cũng như vi phạm của tổ chức phát hành theo kết quả giám sát của HNX. Đồng thời, UBCKNN sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan trong thực hiện các giải pháp, đề xuất phát triển thị trường…”, bà Phương cam kết./.