Thị trường và giá cả, Thông tin, Vàng - Ngoại tệ - Chứng khoán
Tỷ giá không ổn định, doanh nghiệp chịu áp lực
Tỷ giá không ổn định, doanh nghiệp chịu áp lực
Doanh nghiệp (DN) nhập khẩu lo lắng vì tỷ giá tăng, DN xuất khẩu cũng không hẳn vui mừng, bởi đa phần phải nhập khẩu nguyên phụ liệu sản xuất. Tỷ giá ổn định vẫn là mong mỏi chung của các DN.
Các DN đang lo lắng khi chi phí nhập khẩu nguyên liệu bị đội lên đáng kể vì tỷ giá tăng. Trong ảnh: Giao dịch ngoại tệ tại Ngân hàng Agribank – Chi nhánh Bình Dương
Doanh nghiệp lo lắng
Liên tục những ngày qua, tỷ giá giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ tại các ngân hàng tăng cao. Trong ngày 12-4, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam công bố ở mức 24.082 đồng/ đô la Mỹ, tăng 36 đồng so với ngày 11-4. Trên thị trường ngân hàng, tỷ giá đô la Mỹ niêm yết tại các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng đồng loạt tăng. Tính từ đầu năm tới nay, giá đô la Mỹ tại các ngân hàng đã tăng khoảng 4%.
Trước thực tế này, lãnh đạo các DN dệt may, da giày đánh giá mỗi khi lãi suất giảm, tỷ giá lại tăng, ảnh hưởng trực tiếp tới DN, đặc biệt là các DN nhập khẩu. Cùng lúc đó, tỷ giá đô la Mỹ tăng lại tác động đến các DN có các khoản vay nợ bằng đô la Mỹ. Các công ty có nợ vay bằng đô la Mỹ cao sẽ bị ảnh hưởng khi đô la Mỹ tăng giá dẫn đến lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái. Điều này kéo theo lợi nhuận của DN sụt giảm. Tuy nhiên, tùy vào DN cụ thể nếu phát sinh doanh thu từ đô la Mỹ hoặc hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá đồng ngoại tệ khác sẽ cân bằng khoản lỗ chênh lệch tỷ giá.
Đối với các DN nhập khẩu nguyên vật liệu bằng đô la Mỹ sẽ gặp khó khăn khi đô la Mỹ tăng giá, đồng thời giá cả của các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam tăng làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận của DN. Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh, cho biết ngành dệt may sẽ chịu tác động 2 chiều, bởi nhập khẩu nguyên nhiên liệu từ nước ngoài chiếm 70-80% trong sản xuất hàng xuất khẩu. Biến động tỷ giá sẽ làm thay đổi kết quả kinh doanh.
Giá đô la Mỹ tăng không chỉ ảnh hưởng tới các DN dệt may, da giày, DN ngành gỗ cũng trong hoàn cảnh tương tự. Ông Nguyễn Quang Vũ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Prowin cho hay, khi giá đô la Mỹ tăng, DN xuất khẩu như dệt may, da giày sẽ thu được nhiều tiền hơn. Tuy nhiên, thực tế thì không phải công ty nào cũng sẽ hưởng lợi. Bởi rất nhiều DN ngành da giày chỉ đang thực hiện gia công cho các thương hiệu nước ngoài. Đây là tình trạng chung với DN nhiều ngành hàng xuất khẩu có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu.
Cần giải pháp bình ổn tỷ giá
Thông tin từ Tổng cục Thống kê, cho biết tình hình kinh tế, chính trị của thế giới trong năm 2024 có thể sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều yếu tố rủi ro khó lường. Dự báo lạm phát toàn cầu năm 2024 tuy sẽ hạ nhiệt so với năm 2023 nhưng vẫn ở mức cao (5,8%). Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên những thay đổi của kinh tế thế giới sẽ tác động rất nhanh tới nền kinh tế nước ta. Những điều này, có thể tạo áp lực lên lạm phát của Việt Nam năm 2024.
Trong khi đó, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào trong nước vẫn đang ở mức cao, tới đây có khả năng giá bán lẻ điện bình quân sẽ tiếp tục có những điều chỉnh. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chi phí của DN và tạo áp lực tăng giá đối với hàng hóa tiêu dùng.
Theo các chuyên gia kinh tế, tỷ giá đang được NHNN điều hành linh hoạt, giữ ổn định. Song, nếu đồng đô la Mỹ tiếp tục tăng giá so với VND có thể tạo ra nguy cơ nhập khẩu lạm phát. Phần lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay có hàm lượng giá trị nhập khẩu đầu vào lớn. Cùng đó, nhiều mặt hàng trong nước cũng phải nhập nguyên vật liệu từ nước ngoài về sản xuất. Điều này lâu dài sẽ giảm lợi nhuận của DN. “Tỷ giá biến động là bình thường. Chính sách tỷ giá không thể đứng yên được, bởi không chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào một nền kinh tế mà là diễn biến chung của kinh tế khu vực và thế giới. Tuy vậy, DN mong tỷ giá ổn định để không gây ra những xáo trộn trong hoạt động kinh doanh”, bà Phan Lê Diễm Trang chia sẻ.
Trước tình hình trên, NHNN cho hay, với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến có khả năng sẽ bắt đầu lộ trình nới lỏng chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm 2024, áp lực thị trường quốc tế có thể từng bước giảm, đồng đô la Mỹ quốc tế có thể hạ nhiệt. NHNN vẫn tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác, bảo đảm tỷ giá có thể lên xuống phù hợp với xu thế chung và cũng bảo đảm mục tiêu đặt ra là sự ổn định, bảo đảm cân đối ngoại tệ cho các nhu cầu hợp pháp của nền kinh tế.
Theo các chuyên gia kinh tế, tỷ giá đang được NHNN điều hành linh hoạt, giữ ổn định. Song, nếu đồng đô la Mỹ tiếp tục tăng giá so với VND có thể tạo ra nguy cơ nhập khẩu lạm phát. Phần lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay có hàm lượng giá trị nhập khẩu đầu vào lớn. Cùng đó, nhiều mặt hàng trong nước cũng phải nhập nguyên vật liệu từ nước ngoài về sản xuất. Điều này lâu dài sẽ giảm lợi nhuận của DN.
|
Nguồn: https://baobinhduong.vn/ty-gia-khong-on-dinh-doanh-nghiep-chiu-ap-luc-a320460.html |