Giao dịch tiền mặt trong lĩnh vực TMĐT vẫn được ưa chuộng
Theo báo cáo của Allied Market Research trong năm 2022, tỷ lệ thanh toán COD (Cash On Delivery) tại Việt Nam chiếm tới hơn 80%, trong đó tỷ lệ trả hàng trung bình rơi vào khoảng 15%-20%.
Theo báo cáo năm 2023 của nền tảng bán hàng đa kênh Sapo, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đang chiếm lĩnh ngành bán lẻ khi chuyển khoản qua số tài khoản ngân hàng đứng thứ 1 phương thức thanh toán được ưa chuộng. Tuy nhiên, bảng xếp hạng về mức độ thuận lợi và dễ sử dụng của các hình thức thanh toán của Sapo cho thấy, tiền mặt vẫn là hình thức được ưa chuộng đứng thứ 2 về mức độ tiện lợi.
Theo đánh giá của Cục TMĐT và Kinh tế số (iDEA – Bộ Công Thương), điều này cho thấy, người mua hàng lựa chọn phương thức COD chủ yếu, do không tin tưởng vào sản phẩm được quảng cáo trên mạng và phải trực tiếp nhận hàng và kiểm tra thì mới an tâm trả tiền.
Lý giải về vấn đề này, Cục TMĐT và Kinh tế số cho rằng, đó là do vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang xuất hiện nhiều trên các sàn TMĐT. Số vụ vi phạm không ngừng gia tăng, tính chất và diễn biến phức tạp. Không chỉ hàng hóa tiêu dùng thông thường, mà nguy hiểm hơn, nhiều thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh… cũng bị làm giả với số lượng lớn để kinh doanh online, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Trong năm 2022, tỷ lệ thanh toán COD tại Việt Nam chiếm tới hơn 80%, trong đó tỷ lệ trả hàng trung bình rơi vào khoảng 15%-20%. |
Ngoài ra, theo Cục TMĐT và Kinh tế số, các cơ quan chức năng cũng thường xuyên nhận phản ánh của các đơn vị sở hữu thương hiệu lớn về tình trạng hàng giả, hàng nhái thương hiệu của họ bày bán công khai trên các sàn TMĐT lớn, như: Lazada, Shopee, TikTok. Điều này càng cho thấy mức độ thận trọng của người tiêu dùng khi mua hàng trên sàn TMĐT. Qua đó, việc thanh toán tiền mặt khi nhận hàng càng được lựa chọn nhiều hơn bởi mức độ an toàn khi có thể kiểm chứng được hàng hóa trước khi chuyển trả tiền.
Đáng chú ý, theo đánh giá của Cục TMĐT và Kinh tế số, việc sử dụng COD trong TMĐT tại Việt Nam mang lại tiện lợi cho người tiêu dùng, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều hạn chế và thách thức cả cho người bán và dịch vụ giao hàng. Cụ thể là:
Quản lý tiền mặt và rủi ro an ninh: Việc thu tiền mặt tại điểm giao hàng đòi hỏi phải có một quy trình quản lý tiền mặt chặt chẽ, từ việc thu tiền đến việc chuyển tiền về công ty. Điều này không chỉ tăng chi phí vận hành, mà còn tiềm ẩn rủi ro về an ninh tiền mặt và nguy cơ mất mát do gian lận hoặc cướp giật.
Gian lận và hoàn hàng: COD cũng mở ra cánh cửa cho các hành vi gian lận, như việc đặt hàng giả mạo hoặc không thanh toán khi nhận hàng. Ngoài ra, tỷ lệ hoàn hàng thường cao hơn so với các phương thức thanh toán trực tuyến, gây tổn thất cho người bán và làm tăng chi phí logistics.
Tốc độ giao dịch: Việc thanh toán bằng tiền mặt khi giao hàng thường kéo dài thời gian giao dịch, từ việc kiểm tra sản phẩm đến việc thu tiền, làm chậm quy trình giao hàng và ảnh hưởng đến trải nghiệm khách hàng.
Tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT
Có thể nói, thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhiều lợi ích vượt trội so với phương thức COD trong môi trường TMĐT, không chỉ tối ưu hóa trải nghiệm mua sắm cho người tiêu dùng, mà còn cải thiện hiệu quả kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Đối với người mua, thanh toán không dùng tiền mặt làm giảm thời gian xử lý giao dịch, từ đó tăng tốc độ giao hàng và cải thiện trải nghiệm khách hàng. Các giao dịch được thực hiện gần như ngay lập tức, giúp tiết kiệm thời gian và công sức.
Escrow được triển khai nhằm hạn chế tình trạng người bán kinh doanh các sản phẩm kém chất lượng, quảng cáo sai sự thật, đồng thời thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt; giảm tỷ lệ thanh toán bằng hình thức COD; giảm tỷ lệ hoàn hàng trong TMĐT khi mua sắm trực tuyến. |
Đặc biệt, thanh toán không dùng tiền mặt thường kèm theo các ưu đãi, giảm giá, hoặc tích điểm thưởng, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng thường xuyên và tăng cường sự trung thành.
Về nguyên nhân lớn nhất khiến người tiêu dùng lựa chọn trả tiền mặt khi mua hàng trên TMĐT là do lo ngại chất lượng hàng hóa. Hiện nay, một mặt, Bộ Công Thương tiếp tục yêu cầu các chủ sàn, người kinh doanh TMĐT cần quan tâm chất lượng hàng hóa trên sàn, mặt khác, thúc đẩy phương thức để bảo vệ người tiêu dùng trên TMĐT.
Cụ thể là, để bảo vệ người tiêu dùng trên sàn TMĐT, Trung tâm Tin học và Công nghệ số – Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã nghiên cứu phối hợp với các đơn vị, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai Hệ thống Giải quyết tranh chấp trực tuyến trong TMĐT có tích hợp thanh toán đảm bảo (Escrow).
Trong trường hợp có tranh chấp xảy ra giữa người mua và người bán, hệ thống giải quyết tranh chấp trực tuyến sẽ giải quyết với 3 cấp bậc xử lý tranh chấp: Cấp độ 1 – Giải quyết giữa người mua và người bán; Cấp độ 2 – Giải quyết thông qua sàn TMĐT; Cấp độ 3 – Giải quyết thông qua các trung tâm trọng tài thương mại. Với giải pháp này, hoạt động thương mại trực tuyến sẽ ngày càng được an toàn hơn và đảm bảo hơn.
Trung tâm Tin học và Công nghệ số sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai các giải pháp, hạ tầng để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, giảm tỷ lệ COD cũng như tỷ lệ “bom” hàng, “bùng” hàng, đồng thời giảm thiểu tình trạng người bán kinh doanh các sản phẩm kém chất lượng, sai quảng cáo.
Đặc biệt, nhân ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15/3, trong bối cảnh ngày càng có nhiều hành vi lừa đảo, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch trên môi trường trực tuyến, tính minh bạch, an toàn tiêu dùng càng được đề cao, Trung tâm Tin học và Công nghệ số mong muốn Nhà nước và doanh nghiệp cùng đồng hành bảo vệ sự an toàn của người tiêu dùng trong quá trình lựa chọn, thanh toán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ./.