Nhận diện những điểm “chưa ổn” của thị trường chứng khoán
Tuy thời gian qua thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có sự phát triển đáng khích lệ và dần thể hiện là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế và doanh nghiệp, nhưng theo góc nhìn của chính những người trong cuộc, thị trường đang bộc lộ không ít những điểm “chưa ổn”. Điều này được thẳng thắn nêu ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2024 vừa diễn ra, với mong muốn những vấn đề này sớm được khắc phục trong thời gian tới.
“Tôi có cảm giác TTCK của chúng ta làm rất tốt trong nhiều năm, nhưng chưa xứng đáng với vị thế. TTCK của Việt Nam phải lên một tầm nữa tương đương với tất cả các TTCK của các nền kinh tế, thị trường lớn. Các TTCK lớn có gì, tác nghiệp gì thì ta cũng phải làm được như mua trước bán sau, thanh toán bù trừ… Điều này phụ thuộc vào chính chúng ta. Các TTCK có năng lực gì thì chúng ta phải có năng lực đó…”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT chia sẻ.
Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, TTCK của chúng ta làm rất tốt trong nhiều năm, nhưng chưa xứng đáng với vị thế. Ảnh: VGP |
Theo góc nhìn của một công ty cung cấp dịch vụ trên TTCK, ông Johan Nyvene, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC), nhìn nhận, TTCK Việt Nam đã hình thành và phát triển trong từng giai đoạn, cả về chất lẫn lượng qua gần một phần tư thế kỷ qua. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn được xem là một Thị trường cận biên (Frontier Market) bởi các tổ chức xếp hạng thị trường trên thế giới. TTCK Việt Nam vẫn đang được 2 tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI (Morgan Stanley Capital International) và FTSE Russell (Financial Times Stock Exchange) xếp vào nhóm 3 – Thị trường cận biên và đang trong danh sách nhóm chờ nâng hạng lên Thị trường mới nổi. FTSE Russell đã ghi nhận việc khẳng định cam kết rất tích cực của các lãnh đạo cấp cao của các cơ quan quản lý thị trường. Một ví dụ cụ thể là qua một số cơ hội xúc tiến kêu gọi đầu tư và tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư đã phản hồi là họ nhận thấy các cơ quan quản lý thị trường của Việt Nam đã nỗ lực rất cao. Chỉ có vấn đề mà TTCK Việt Nam còn cần đạt được là mở rộng không hạn chế tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài vào các công ty Việt Nam. Ngoài các ngành nghề đặc thù có yếu tố an ninh tài chính quốc gia hoặc an ninh công nghệ cao, khuôn khổ pháp lý của thị trường Việt Nam đã cho phép mở tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài lên đến 100% đối với các doanh nghiệp không thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Như vậy, sự chủ động mở rộng tỷ lệ sở hữu nước ngoài đã nằm trong tay phần lớn các doanh nghiệp niêm yết.
TTCK Việt Nam cần mở rộng không hạn chế tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài vào các công ty Việt Nam |
Trong khi đó, dưới góc độ của một ngân hàng niêm yết trên TTCK, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và tái khẳng định cam kết này tại Hội nghị COP27 và COP28. Để thực hiện cam kết này, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, và các định hướng, đề án, giải pháp đầu tư cho tăng trưởng và chuyển đổi xanh. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, nhu cầu vốn cần cho phát triển xanh tại Việt Nam trong giai đoạn 2022-2040 lên tới 368 tỷ USD. Trên thế giới, trái phiếu xanh đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu vốn đầu tư cho tăng trưởng bền vững. Trong xu hướng phát triển chung của thế giới cũng như định hướng của Chính phủ, BIDV đã xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030, và đặt mục tiêu trở thành Ngân hàng Net Zero vào năm 2050. Theo đó, BIDV đã triển khai chiến lược phát triển bền vững trên toàn bộ các mặt hoạt động. BIDV đã chủ động nghiên cứu các thông lệ, nguyên tắc trái phiếu xanh quốc tế. Nhờ sự tư vấn kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới, Chương trình hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Nhà nước, Sổ tay hướng dẫn của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, BIDV đã xây dựng Khung Trái phiếu xanh theo chuẩn ICMA và đạt định hạng rất cao của Moody’s. Đây là yếu tố quan trọng để xác lập thành công của đợt phát hành. Trong vòng 2 tháng sau phát hành, BIDV đã giải ngân hết vốn trái phiếu tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo và giao thông bền vững. Việc triển khai phát hành trái phiếu xanh khẳng định chiến lược phát triển bền vững của ngân hàng và mong muốn của BIDV đóng góp cùng Chính phủ Việt Nam thực hiện cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chúng tôi nhận thấy hiện chưa có các cơ chế, chính sách tạo động lực rõ nét cho doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh….”.
Đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp
Để giải quyết các hạn chế, tồn tại trên TTCK, các thành viên thị trường đã thẳng thắn đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh kiến nghị, các công ty niêm yết là “hàng hóa” trên TTCK, hàng hóa phải tốt và không có hàng giả. Nhà đầu tư luôn mong mỏi các công ty niêm yết có mức tăng trưởng tốt và họ sẵn sàng bỏ vốn thêm cho mục tiêu này. Vấn đề mấu chốt quan trọng hiện nay của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp niêm yết nói riêng bên cạnh vấn đề tài chính, công nghệ, hay năng lực quản lý là khuôn khổ pháp luật và chính sách cần được ổn định lâu dài. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ tiếp tục kiến tạo một môi trường luật pháp trong kinh doanh cởi mở, minh bạch hơn nữa, có thể tiến đến dịch vụ một cửa, giảm bớt cơ chế xin cho, chuyển dần sang cơ chế đăng ký và doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trong khuôn khổ pháp luật, không cấm là có thể tự động được làm. Chúng tôi tin tưởng Chính phủ đang thúc đẩy Việt kiều tiếp tục là động lực chính cho phát triển kinh tế của Việt Nam. Những trở ngại hiện nay là thủ tục hành chính còn chậm chạp và hiệu quả còn thấp.
“Về chỉ số VN30 hiện tại, chứng khoán trong rổ VN30 và VN100 này bao gồm cổ phiếu của 30 doanh nghiệp có vốn hóa và tính thanh khoản lớn nhất trên thị trường. Nếu chỉ xét về tiêu chí này, thì phần lớn cổ phiếu từ các ngành hàng chưa hoàn toàn đại diện cho nền kinh tế. Nên chăng cần có các tiêu chí khác để doanh nghiệp từ các ngành nghề khác nhau được đặt trong rổ này sẽ đại diện cho nền kinh tế. Về lãi suất ngân hàng…, chúng tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục quan tâm hơn nữa, làm sao đưa lãi suất về một mặt bằng hợp lý để doanh nghiệp có thể sử dụng một phần vốn ngân hàng bên cạnh vốn trái phiếu và cổ phiếu để có thể tiếp tục phát triển, đóng góp vào nền kinh tế. Về vấn đề khai thuế và nộp thuế, chúng tôi nghĩ cũng cần công bằng hơn, có nghĩa là ai kinh doanh đều phải tự giác khai nộp thuế…”, bà Thanh đề xuất.
Ông Trương Gia Bình kiến nghị, chúng ta phải nâng cấp thị trường lên Thị trường mới nổi. Công nghệ có thể làm gì được? Công nghệ có 3 từ lớn là D, G, I.
D là Digital. Ở Thái Lan, Bộ Tài chính nắm rất chắc công ty nào đầu tư vào công ty nào, với một quan hệ sở hữu minh bạch như vậy sẽ phát triển rất nhiều điều. Cái này chúng ta có dữ liệu rồi, chúng ta sẽ xây dựng. Đề án 06 có quá nhiều dữ liệu, làm sao để D của chúng ta minh bạch và có đẳng cấp như tất cả các nước.
G là Green. Thế giới bước vào giai đoạn không làm không được, không làm không xuất khẩu được, không có báo cáo không xuất khẩu được, không làm kế toán carbon thì bị đánh thuế. Chúng ta hiểu chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là cặp bài trùng. Nếu làm được chúng ta mới có vốn xanh, trái phiếu xanh, tài chính xanh và đó là nguồn khổng lồ để kinh tế chúng ta phát triển và cũng là để Việt Nam hòa nhập với thế giới.
I là trí tuệ nhân tạo. Đó là tương lai, AI ảnh hưởng đến kinh tế, đến chứng khoán quá lớn. Nasdaq sử dụng AI để phát hiện gian lận từ năm 2016. Nhật Bản dùng AI phát hiện các giao dịch bất thường trên Nikkei từ năm 2018. Thái Lan sử dụng AI để phát hiện sai sót và gian lận trong các báo cáo tài chính từ năm 2023. Chúng ta có thể bảo vệ tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân nhiều lần bằng cách chống gian lận.
Việt Nam có tiềm năng về cả D, G, I, vấn đề là chúng ta có sử dụng tiềm năng công nghệ của đất nước cho phát triển nền kinh tế không?
Ông Dominic Scriven kiến nghị không ngừng phát triển hạ tầng, nền tảng, hệ sinh thái của thị trường vốn. Ảnh: VGP |
Hiến kế cho sự phát triển tích cực, hiệu quả hơn của TTCK trong tương lai, ông Dominic Scriven nêu ra 4 kiến nghị như sau:
Thứ nhất, không ngừng phát triển hạ tầng, nền tảng, hệ sinh thái của thị trường vốn. Đặc biệt ở đây là mạng lưới các nhà đầu tư có tổ chức ở Việt Nam, chắc chắn phải mở rộng. Bởi vì thị trường vốn ở Việt Nam là thị trường biến động nhất trong khu vực và nó không dừng lại ở đấy.
Thứ hai, kiểm soát vấn đề biến động là không ngừng củng cố niềm tin trên TTCK, đặc biệt là niềm tin của các nhà đầu tư.
Thứ ba, yếu tố cụ thể hóa. Một chủ đề được nhắc rất nhiều ngày hôm nay là nâng hạng TTCK Việt Nam, chúng tôi rất ủng hộ và mong sớm ra đời đối sách bù trừ trung tâm của Việt Nam (CCP). Nếu chưa triển khai được thì chắc chắn phải lo đến vấn đề cơ cấu lại khi xác minh đối với nhà đầu tư nước ngoài, còn nếu được thì sớm nghiên cứu và chọn thí điểm các chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết.
Thứ tư, nghiên cứu, thúc đẩy phát triển Trung tâm tài chính của Việt Nam. Đây là cơ hội bằng vàng đối với Việt Nam.
“Chúng tôi đề xuất các doanh nghiệp niêm yết có thể thực hiện thêm là chủ động rà soát ngành nghề và điều chỉnh lại đăng ký kinh doanh, để đề xuất nới giới hạn sở hữu nước ngoài. Điều chỉnh hoặc gỡ bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, nhất là đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Loại bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch sẽ làm tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, và đương nhiên sẽ giúp cho việc nâng hạng thị trường Việt Nam gần với hiện thực hơn. Với việc này, chúng tôi đang tích cực dưới sự chỉ đạo của Ủy ban chứng khoán Nhà nước hợp tác với các ngân hàng lưu ký nước ngoài để tìm ra giải pháp và tin tưởng mức độ thành công cao, có thể làm được việc này trong thời gian tới. Việc phối hợp chặt chẽ và thống nhất giữa các định chế tài chính trung gian trong việc quản lý, hỗ trợ, điều tiết các tài khoản lưu ký, tài khoản đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài, cùng với việc Ủy ban chứng khoán Nhà nước cùng các cơ quan chức năng khác quy định hóa, pháp lý hóa các phương án quản lý rủi ro đi kèm với sự giám sát chặt chẽ, chúng tôi tin tưởng sẽ sớm vượt qua được rào cản này.”, ông Johan Nyvene đề xuất.
Ông còn kiến nghị, việc cải thiện và tăng cường công bố thông tin bằng tiếng Anh từ các cơ quan chức năng và các công ty niêm yết, cũng như các thành viên thị trường là rất cần thiết. Đây là nhóm công việc có thể triển khai sớm, với điều kiện phải truyền thông tốt cho các doanh nghiệp niêm yết để họ hiểu lợi ích của việc công bố thông tin bằng tiếng Anh và chủ động cập nhật thông tin. Ngoài các điều kiện chính được nêu ra, MSCI và FTSE cũng vạch ra một số tiêu chí khác mà TTCK Việt Nam có thể cải thiện thêm: (1) Tính thanh khoản của TTCK Việt Nam khá cao, nhưng mức thanh khoản dồi dào như vậy vẫn có thể cải thiện được bằng cách triển khai bán chứng khoán đang chờ về, hoặc khả năng có thể vay và cho vay chứng khoán; (2) Tính minh bạch và chuẩn mực quản trị doanh nghiệp, các công ty niêm yết cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn minh bạch trong báo cáo tài chính và quản lý doanh nghiệp, đây là một yếu tố cốt lõi trong quản trị doanh nghiệp; (3) Sự phát triển của hạ tầng và các dịch vụ tài chính đi kèm; (4) Tăng cường đào tạo và tăng cường ý thức đầu tư, nhất là đối với các nhà đầu tư cá nhân…/.